Nhớ thi sĩ - chiến sĩ Liên Nam
Xuất thân từ quân đội, nhà thơ Liên Nam vừa cầm súng vừa cầm bút. Ông đã cho ra đời 12 tập thơ và trường ca, trong đó có một số tác phẩm vẫn được những người yêu văn chương nhắc đến.
1. Tôi được gặp nhà thơ Liên Nam ngay sau khi tỉnh Phú Yên vừa im tiếng súng. Một buổi trưa tháng 4/1975, anh tôi đưa về nhà ở Đông Phước, xã Hòa Thắng (nay thuộc xã Hòa An, huyện Phú Hòa) một chú bộ đội có gương mặt sáng, đẹp trai, mang quân hàm thiếu tá, bên hông đeo khẩu colt rất oai vệ. Trong chốc lát trò chuyện, chú bộ đội say sưa nói về việc tiếp quản tỉnh lỵ vừa giải phóng. Lúc tiễn chú bộ đội ra ngõ, anh tôi bảo đó là nhà thơ Liên Nam. Thì ra đây là tác giả tập thơ mà tôi đã bí mật tiếp cận khi Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam được ký kết (tháng 1/1973).
Đó là tập thơ đầu tay Khẩu súng hành quân của chiến sĩ - thi sĩ Liên Nam, xuất bản năm 1970 ở căn cứ, được chuyển về Tuy Hòa. Tôi đi nhận tập thơ này tại một gia đình là cơ sở cách mạng ở Hòa Thắng. Hôm ấy tôi cải trang thành dân hàng xáo, đóng vai người tìm mua lúa chở về xay gạo bán nhằm qua mặt mấy chốt chặn của Đại đội biệt kích 310. Giấu kỹ giữa mấy thụng lúa là tập thơ Khẩu súng hành quân của Liên Nam cùng các tài liệu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về Hiệp định Paris từ trên núi chuyển xuống thị xã.
Tập Khẩu súng hành quân in khổ nhỏ, chỉ độ vài chục bài, vậy mà tôi đã lén đọc ngấu nghiến nhiều lần rồi bí mật chuyền tay đến một số thầy giáo cùng dạy ở trường trung học trong thị xã. Lúc ấy sách báo cách mạng trong vùng tạm chiếm đã hiếm, lại nguy hiểm cho ai đọc nếu bị phát hiện. Tập thơ đầu tay của chiến sĩ - thi sĩ Liên Nam đã cuốn hút tôi, trong đó thích nhất là các bài: Chiều An Ninh, Rừng An Lĩnh những ngày, Gió nam, Trên đỉnh Chóp Chài, Đá Bia…
2. Nhà thơ Liên Nam tên thật là Đặng Nam Phong, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam. Ông sinh năm 1934 tại xã Hòa Trị - Tuy Hòa. Làng ông có con sông nhỏ Bến Lội vắt qua, có núi Sầm đứng hiên ngang giữa cánh đồng lúa. Quê hương nhà thơ còn có mộ và đền thờ Lương Văn Chánh - vị thành hoàng mở mang vùng đất Phú Yên.
Tuổi thơ Liên Nam gắn liền với ruộng vườn, sông nước. Ông tham gia quân đội từ năm 1950, trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông tạm biệt quê mẹ Phú Yên tập kết ra Bắc rồi quay về Nam khá sớm, tiếp tục chiến đấu. Từ 1963-1967, ông công tác ở Báo Quân giải phóng Trung Trung Bộ; giai đoạn này ông thường sử dụng các bút danh: Văn Lang, Âu Cơ, Chim Lạc.
Đây cũng là thời kỳ chiến trường Phú Yên vô cùng ác liệt. Liên Nam bị thương nặng, được đưa ra Bắc chữa trị. Sau đó ông chuyển công tác về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong môi trường mới, ông làm việc, sinh hoạt bên cạnh nhiều nhà văn, nhà thơ tài năng của đất nước, cộng thêm hiện thực hào hùng của kháng chiến mà thi sĩ là người trong cuộc đã trở thành nguồn cảm hứng phong phú, thuận lợi cho việc sáng tác. Vì vậy, Liên Nam có nhiều bài thơ hay ra đời.
Sự nghiệp thơ Liên Nam thời chống Mỹ khá ấn tượng. Trước giải phóng, ngoài tập Khẩu súng hành quân, ông còn được xuất bản các tập thơ và trường ca: Núi rừng mở cánh (1972), Trên cát trắng (1973), Gió đỏ (1975). Về sau, ông tiếp tục xuất bản các tập: Tiếng hát mùa màng (1980), Con suối chiến khu (1985), Tự do thiên nhiên (1991), Những ngày xa em (1994), Ngàn xanh (1996), Truyền thuyết biển đổi màu (2000), Cuộc đời hai nửa (2000). Trước khi đi xa (năm 2012), nhà thơ còn kịp ra mắt bạn đọc tác phẩm cuối cùng Ký ức thời gian.
Liên Nam được nhận giải thưởng cao quý trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Báo Văn nghệ Giải phóng, giải thưởng của Hội Văn nghệ Hà Nội, giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau hòa bình xây dựng đất nước, ông nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên rất sớm và được tặng huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhà thơ Liên Nam là một trong những người đóng góp tích cực cho văn học Phú Yên. Nhiều vùng đất, miền quê đã được nâng niu, trân trọng lưu giữ trong thơ ông, và chính điều này đã tô đậm tên tuổi Liên Nam. Hầu hết bài thơ có giá trị của ông là những bài thơ viết về đất mẹ Phú Yên, được giới thiệu đậm nét trong tập thơ đầu tiên Khẩu súng hành quân ngay thời trận mạc, trong đó có thể nói bài Chiều An Ninh là đỉnh cao ý tưởng lẫn nghệ thuật của thi sĩ.
Những năm sau ngày đất nước thanh bình, nhất là từ khi tái lập tỉnh Phú Yên, nhà thơ Liên Nam nhiệt tình tham gia công tác quản lý. Ông đã góp phần xây dựng và đưa phong trào sáng tác văn học nghệ thuật địa phương từng bước phát triển. Liên Nam được cử làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên đầu tiên. Những đóng góp của ông đối với sự nghiệp văn học nghệ thuật tỉnh nhà bằng thi ca thật đáng trân trọng, nhất là phần sáng tác về kháng chiến, về quê hương xứ sở, về tình đồng đội.
Đã thành người thiên cổ nhưng Liên Nam vẫn được những người yêu văn chương nhắc đến khi đi qua những xóm làng, miền quê thân thương xứ Nẫu mà sinh thời thi sĩ đã tạo dấu ấn trong các tác phẩm của mình. Phải chăng đây thực sự là phần thưởng quý giá đối với một thi sĩ - chiến sĩ đã thanh thản về miền mây trắng?
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/324089/nho-thi-si-chien-si-lien-nam.html