Nhớ thời hoa lửa, vinh danh các nghệ sĩ miệt mài sáng tạo
Vinh danh các tân NSND, NSƯT. Ảnh: YÊN LAN
Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt in dấu thời gian, những lời thăm hỏi ân cần, những cái bắt tay ấm áp; các văn công từng đi qua lửa đạn rất vui khi tham dự chương trình gặp mặt - giao lưu nhân Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch) do Sở VH-TT-DL tổ chức tại Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển. Đây cũng là sự kiện đánh dấu chặng đường 30 năm hình thành và phát triển nhà hát này.
Kế thừa những tinh hoa
Khai mạc chương trình gặp mặt - giao lưu vừa diễn ra vào chiều 8/9, ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL, phát biểu: Trong 2 cuộc trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, mặc dù phải hứng chịu mưa bom bão đạn, khó khăn trăm bề nhưng các nghệ sĩ sân khấu của Phú Yên vẫn tay súng tay đàn, “tiếng hát át tiếng bom” để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng kháng chiến. Nhiều nghệ sĩ Phú Yên đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Năm 2019 là năm thứ 10 Ngày Sân khấu Việt Nam được tổ chức khắp mọi miền đất nước, tôn vinh nền sân khấu nước nhà, tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ đã đời nối đời trao truyền ngọn lửa sáng tạo, để các loại hình nghệ thuật sân khấu: tuồng, chèo, cải lương, bài chòi, kịch, rối, xiếc… làm cho bao khán giả say mê; đời sống tinh thần của người dân thêm phong phú.
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, cùng đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước, anh chị em văn nghệ sĩ trên lĩnh vực sân khấu của Phú Yên đã phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, ra sức sáng tạo nhiều tác phẩm, hoạt động sân khấu có giá trị để phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước, phục vụ công chúng, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh… “Tôn vinh, tri ân các bậc tiền bối đã có công sáng tạo, lưu truyền, gìn giữ và phát triển các loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc, chúng ta tin tưởng rằng anh chị em nghệ sĩ của Phú Yên tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị tinh hoa và tính đa dạng của nghệ thuật sân khấu, tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về chân - thiện - mỹ phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, làm phong phú tâm hồn người Việt…”, ông Phạm Văn Bảy nói.
Tham dự buổi gặp mặt - giao lưu, các văn công từng băng qua lửa đạn có nhiều cảm xúc. “Tôi rất mừng khi được gặp lại đồng đội thời chống Mỹ”, bà Cao Thị Hồng Tâm, người từng tham gia Đoàn Văn công Tỉnh đội và Đoàn Văn công của Tỉnh ủy, chia sẻ. Cùng đơn vị với bà ngày đó, bác sĩ Trần Thị Mai Hương cảm nhận: “Ngày này rất vui. Các anh các chị còn nhớ đến mình, đó là điều mình thấy vui nhất. Và mình gặp được anh chị em bạn bè ngày trước trong không khí ấm áp tình cảm”.
Đánh dấu chặng đường 30 năm của Nhà hát Sao Biển
Trong chương trình gặp mặt - giao lưu, chặng đường 30 năm hình thành và phát triển rực rỡ của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển đã được ôn lại. Nhạc sĩ Huỳnh Tấn Phát, Phó Giám đốc phụ trách nhà hát, cho biết: Sau khi tái lập tỉnh, ngày 18/12/1989, UBND tỉnh ký quyết định thành lập Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp Phú Yên trên cơ sở một số cán bộ, nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng 2 (tỉnh Phú Khánh cũ) chuyển về cùng với lực lượng diễn viên tại chỗ và các nghệ sĩ, diễn viên từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và miền Bắc, Tây Bắc “đầu quân” về. Theo yêu cầu phát triển của sân khấu, đơn vị nghệ thuật này đã nhiều lần thay đổi tên, đến năm 2013 được nâng cấp thành Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển.
Trong 30 năm qua, nhà hát đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, dần khẳng định là một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật của đất nước. Nhà hát có đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo tài năng mang tầm quốc gia, nổi bật là NSND Nguyễn Hữu Từ, một trong những biên đạo hàng đầu ở Việt Nam; nhạc sĩ - NSND Bùi Thanh Hải; nhạc sĩ Tấn Phát; nhạc sĩ Xuân Huy. Cũng phải kể đến NSƯT Nguyễn Ngọc Quang và NSND Cao Hữu Nhạc - hai nhạc sĩ đã từng lèo lái “con thuyền” Sao Biển trong một thời gian dài. “Nhà hát có một lực lượng diễn viên giàu khát vọng, tâm huyết với nghề. Đó là kết quả của quá trình ươm mầm nuôi dưỡng cho mọi sáng tạo trong môi trường Sao Biển. Trên một vùng đất không có tên trên “bản đồ” nghệ thuật múa, đến nay nhà hát đã có một đoàn múa giàu thành tích với 5 NSƯT và nhiều diễn viên trẻ tài năng. Dù trong hoàn cảnh khó khăn về biên chế, nhân sự, nhà hát vẫn duy trì ban nhạc với những người có nghề; định hướng lâu dài là một nhạc công phải sử dụng được nhạc cụ phương Tây lẫn nhạc cụ dân tộc. Về ca, ngoài NSƯT Khánh Trang và NSƯT Thanh Vân, nhà hát còn có giọng ca rực lửa Lê Mỹ Như cùng các giọng ca gạo cội như Quốc Dũng, Minh Khương, Tất Đạt, Thanh Huệ, Quỳnh Như, Quang Thơm và hai giọng ca trẻ Y Viêng, So Chăm Huy”, nhạc sĩ Tấn Phát cho biết.
Theo NSND Cao Hữu Nhạc, “sức mạnh” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển không chỉ được thể hiện qua các cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp mà còn biểu diễn phục vụ nhân dân, nhất là bà con ở vùng sâu vùng xa và các sự kiện trong tỉnh, giao lưu với bạn bè trong nước và quốc tế.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển được UBND tỉnh Phú Yên tặng bằng khen. Trong buổi gặp mặt này, nhà hát vinh danh các NSND, NSƯT vừa được phong tặng danh hiệu cao quý vào cuối tháng 8/2019.
Gắn bó với Sao Biển từ năm 1998 và là một trong bốn nghệ sĩ vừa được phong tặng danh hiệu NSƯT, diễn viên múa Thùy Chiêng chia sẻ: “Tôi thấy rất vinh dự. Niềm vui của tôi như được nhân đôi trong ngày này”.