Nhớ thời 'xẻ dọc Trường Sơn...'

Trong những ngày cả nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2024), chúng tôi có dịp gặp, trò chuyện với những người lính Trường Sơn năm xưa. Dù hầu hết đã ở cái tuổi 'xưa nay hiếm' song khi kể về những ngày 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước', trong ánh mắt những người lính ấy như bừng sáng, từng ký ức được xâu chuỗi lại thành bao câu chuyện rất đỗi tự hào.

Vẹn nguyên ký ức tuổi thanh xuân

Chiều muộn ngày cuối tuần, qua giới thiệu của Ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh, tôi về xã Trung Sơn (thị xã Việt Yên) gặp thương binh Lê Đình Cánh. Có hẹn từ trước nên vừa đến đầu làng Sơn Hải, tôi đã được ông đón, dẫn vào nhà. Dù đã 74 tuổi lại mang trong mình thương tật song ông vẫn nhanh nhẹn, tự đi xe máy.

 Hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh thăm, dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị.

Hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh thăm, dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị.

Trong ngôi nhà cấp 4 nằm lọt thỏm giữa vườn bưởi trĩu quả, ông kể về tuổi thanh xuân của mình, về những năm tháng cùng đồng đội làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn. Năm 16 tuổi, ông cùng gia đình từ tỉnh Hải Dương về quê mới Sơn Hải lập nghiệp. Dù thuộc diện được miễn nghĩa vụ quân sự 5 năm để ổn định cuộc sống trên quê hương mới song năm 1968, anh trai ông tình nguyện nhập ngũ. Tiếp nối truyền thống gia đình, tháng 5/1972, chàng trai trẻ Lê Đình Cánh lên đường tòng quân. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, ông được cử đi học khóa lái xe “cấp tốc” 45 ngày rồi được biên chế về Cục Tham mưu công binh Đoàn 559 với nhiệm vụ chuyên chở vật tư, máy móc để bộ đội làm cầu phà, mở đường.

- Ông có nhớ chuyến xe đầu tiên của mình trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại? - tôi hỏi.

Chậm rãi nhấp chén trà, ông hồi tưởng: “Khi ấy, chiến trường ác liệt, máy bay địch gầm rú, ném bom liên tục, đường Trường Sơn gập ghềnh bởi bom cày, đạn xới. Tháng 12/1972, tôi nhận nhiệm vụ đầu tiên, cùng đồng đội chở vũ khí từ bến phà Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vượt dãy Trường Sơn sang đất bạn Lào. Dù đường đèo dốc song để bảo đảm an toàn, xe chúng tôi chỉ chạy ban đêm, khi chạy thì bật đèn gầm, đêm nào có trăng sáng thì tắt hết đèn. Sau những chuyến xe đầu tiên, tôi có thêm kinh nghiệm, bản lĩnh, liên tiếp được thủ trưởng đơn vị khen về thành tích vượt cung, tăng chuyến”.

Vừa kể chuyện, ông Cánh vừa ngân nga những câu thơ trong bài “Tiểu đội xe không kính" của nhà thơ Phạm Tiến Duật: "Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước/ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Với tinh thần kiên cường, quả cảm, mặc cho mưa bom, bão đạn, những người lính lái xe Trường Sơn vẫn vững vàng tay lái, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Phục vụ chiến đấu trong nhiều năm, hòa bình, ông Cánh tiếp tục ở lại đơn vị tham gia xây dựng đường Trường Sơn. Đến tháng 5/1993, ông nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá.

Tháng 5/1959, để chi viện cho chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn và Đoàn 559 ra đời từ đó. Nhận nhiệm vụ "xẻ dọc Trường Sơn" đưa vũ khí, bộ đội vào chiến trường, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 cùng nhau vượt khó, lập nên những chiến công hiển hách. Đóng góp vào những chiến công ấy có xương máu, tuổi thanh xuân của hàng nghìn người con Bắc Giang.

 Bà Nguyễn Thị Vinh tặng quà đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Vinh tặng quà đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), khi 16 tuổi, bà Nguyễn Thị Vinh (SN 1957) giấu gia đình viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, bà được biên chế về Tiểu đoàn 73 (Đoàn 559) trực tiếp làm nhiệm vụ mở đường tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Bình. Nhớ lại thời thanh xuân của mình, bà Vinh kể, cũng như những nữ chiến sĩ khác, bà phải chịu những cơn sốt rét run người, khi ngủ vắt bám đầy người. Khó khăn, vất vả, luôn phải đối mặt với lằn ranh sinh tử mỗi ngày nhưng những nữ chiến sĩ trẻ luôn can trường. “Sống với rau rừng, nước suối, có đêm thức trắng làm đường, chở đá, cuốc đất, sửa đường, lấp hố bom song tôi và đồng đội vẫn lạc quan, yêu đời”, bà Vinh tâm sự.

Viết tiếp bản hùng ca

Theo dòng chảy của thời gian, khúc khải hoàn chiến thắng mãi ngân vang và vẹn nguyên ý nghĩa. Hoài niệm về những năm tháng gian lao mà anh dũng ấy, những cựu chiến binh Trường Sơn đang sinh sống trên khắp các vùng quê trong tỉnh luôn thấy may mắn khi được trở về và từng ngày chứng kiến quê hương, đất nước đổi mới, phát triển. Thấy được trách nhiệm với quê hương, với đồng đội, về đời thường, họ đã và đang tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ.

Nhập ngũ từ năm 18 tuổi, Đại tá Nguyễn Đức Minh (1955), thôn Linh Phú, xã Tuấn Đạo (Sơn Động) có gần 3 năm làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Hòa bình, ông được cử đi học tại Học viện Hậu cần rồi ở lại làm giảng viên. Đến năm 1980, ông được điều lên biên giới Lạng Sơn làm Phó Chủ nhiệm hậu cần Trung đoàn 462 (Sư đoàn 338). Năm 1997, ông làm Chủ nhiệm Hậu cần Bộ CHQS tỉnh Bắc Ninh và nghỉ hưu năm 2013 với quân hàm đại tá.

 Ông Nguyễn Đức Minh giới thiệu sản phẩm OCOP 3 sao mật ong rừng Sơn Động.

Ông Nguyễn Đức Minh giới thiệu sản phẩm OCOP 3 sao mật ong rừng Sơn Động.

Trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Nguyễn Đức Minh tích cực lao động, sản xuất. Năm 2014, thấy giá trị từ sản phẩm mật ong rừng Sơn Động, ông đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Ong mật hữu cơ Sơn Động. Từ 7 thành viên ban đầu, hiện HTX phát triển lên 9 thành viên chính thức và 54 thành viên liên kết. Với 55 nghìn đàn ong, mỗi năm, các thành viên cung cấp ra thị trường từ 70-75 tấn mật, doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, năm 2023, HTX liên kết với người dân sản xuất hương nến Bồng Am, mỗi ngày làm ra hơn 10 vạn thẻ hương, tiêu thụ thuận lợi.

Hay như thương binh Nguyễn Thế Nhâm (SN 1952), thôn Thúy Cầu, xã Ngọc Vân (Tân Yên). Sau 7 năm gắn bó với đường Trường Sơn, tháng 3/1976, ông phục viên, đi học quản lý kinh tế rồi tham gia công tác tại địa phương, lần lượt giữ chức vụ Chủ tịch UBND rồi Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Vân. Ông Dương Ngô Khoát, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân chia sẻ: “Ngọc Vân đang thay đổi từng ngày, đời sống người dân nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Kết quả ấy là công sức gây dựng của lớp lãnh đạo đi trước, trong đó có dấu ấn không nhỏ của thương binh Nguyễn Thế Nhâm. Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” ở ông đã trở thành gương sáng để lớp cán bộ trẻ như tôi phấn đấu, rèn luyện”.

Thắm đượm nghĩa tình đồng đội

Theo nguyện vọng của những người lính Trường Sơn năm xưa, năm 2011, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam được thành lập. Bắc Giang trở thành địa phương thứ ba trong toàn quốc có Hội Truyền thống cấp tỉnh. Sau 13 năm thành lập, từ 2,8 nghìn hội viên ban đầu, đến nay Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh trở thành mái nhà chung của gần 4 nghìn hội viên. Năm tháng qua đi, những người lính Trường Sơn năm xưa hầu hết đã ở độ tuổi ngoài 70. Quy luật thời gian, người còn, người mất, nhưng truyền thống anh hùng và những hoạt động nghĩa tình đã và đang được các cấp hội phát huy một cách sáng tạo.

Lật những tư liệu về hoạt động của hội, ông Nguyễn Hữu Quy, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh cho biết, trong số những người lính Trường Sơn năm xưa có gần 2/3 không có lương, trợ cấp, nhiều trường hợp bị nhiễm chất độc da cam, cuộc sống còn khó khăn. Hằng năm, các cấp hội trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cải tạo nhà ở cho hội viên. Qua thống kê, 13 năm qua, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh đã phối hợp tặng 38 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2 tỷ đồng; tặng 10 sổ tiết kiệm cho những hội viên nghèo. Vào các dịp lễ, Tết, ngày truyền thống, các tổ chức hội đều có nguồn quỹ tình nghĩa để tặng quà, chúc thọ hội viên cao tuổi; thăm hỏi, động viên khi ốm đau, phúng viếng khi hội viên qua đời.

“Trong kháng chiến, chúng tôi là những người đồng chí, đồng đội, trong cuộc sống đời thường hôm nay, chúng tôi vẫn luôn kề vai sát cánh bên nhau, cùng giúp nhau vượt qua khó khăn, tạo nên nghĩa tình đồng đội thắm thiết”, ông Nguyễn Hữu Quy chia sẻ.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nho-thoi-xe-doc-truong-son-095945.bbg