Nhớ thương tháng Chạp quê nhà

Cả năm mải mê xuôi ngược, đếm đong cho cuộc sống mưu sinh, trong tôi vẫn vẹn nguyên niềm nhớ thương tháng Chạp quê nhà. Những ngày tháng Chạp nắng hắt vàng bãi sông lên những vồng cải đang dập dờn như muôn vàn cánh bướm, soi bóng mẹ gầy gánh từng thùng nước tưới cho cây và bóng cha cần mẫn với những đường cày để kịp vụ lúa Đông Xuân...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những ngày tháng Chạp có lẽ là những ngày bận rộn nhất của những người nông dân như ba mẹ tôi. Mẹ lúc nào cũng sấp ngửa, chân ống thấp ống cao lo từ việc trong nhà tới việc ngoài ruộng, chẳng bao giờ được nghỉ ngơi. Bởi ngoài công việc thường ngày, mẹ còn phải chuẩn bị lo cái Tết cận kề. Mẹ chạy vô nhà mở nắp chum xem bao nếp nương đã thật sự khô khén, trọng lượng đã đủ để cuối năm ba gói bánh chưng, bánh tét hay chưa? Rồi thì kiểm tra đỗ xanh, bột bắp, bột nếp đến Tết còn làm dăm chiếc bánh ít, bánh lá để cúng đêm giao thừa.

Hai anh em tôi được ba mẹ giao nhiệm vụ đi nhặt nhạnh củi cành, củi gộc từ ngoài vườn vào sân phơi khô, đặng cuối năm còn nấu nướng. Tháng Chạp nhiều khi đỏng đảnh có cơn mưa phùn lất phất, thế nên, nếu không chuẩn bị củi trước thì không có gì để đun nấu. Những năm đầu tiên của thập niên 1990, quê tôi vẫn chưa có bếp gas, bếp điện nên củi được mọi người dự trữ cẩn thận. Có những lần mải chơi, quên nhiệm vụ, mưa xuống ướt hết củi, hai anh em bị ba mắng cho một trận nhớ đời. Kể từ đó, ba mẹ dặn dò bất cứ việc gì, tôi cũng không dám lơ là. Và cũng từ đó, mỗi lần tháng Chạp, ba mẹ tôi lại nhắc nhớ câu chuyện củi ướt năm xưa.

Những ngày tháng Chạp khiến tôi nhớ đàn gà trong chuồng vô cùng. Đàn gà được mẹ nuôi bé xíu từ đợt ra Giêng và “gửi gắm” với rất nhiều hi vọng. Tận dụng từ cơm thừa, canh cặn, thóc lép, thóc rơi, giun, dế ngoài vườn, cuối năm, tới tháng Chạp, khi chúng lớn lên sẽ được mẹ mang ra chợ bán. Tiền bán gà một phần dùng để sắm sanh cho Tết, một phần dành cho việc học hành của các con. Dĩ nhiên, mẹ cũng sẽ để lại một vài con gà làm cỗ tất niên cúng chiều 30 Tết, cho con cái được ăn chính đàn gà mình chăm sóc. Nhìn cách mẹ hy vọng, đong đếm khi chỉ vào từng con gà, thấy thương vô cùng những lo toan của những bà mẹ quê vất vả. Cả một năm làm lụng sớm khuya, người nông dân như mẹ chỉ biết trông chờ vào hạt lúa, đám hoa màu và con gà, con vịt trong chuồng.

Tháng Chạp, tôi nhớ cùng mẹ lên tận rừng xa, tới ven suối đi chặt những cây chít về làm chổi. Những bông hoa chít cao chĩa lên trời, phất phơ trong gió Đông, ít ai nghĩ lại có thể làm được những chiếc chổi với nhiều hữu dụng. Chổi chít dùng để quét nhà, quét sân thật bền, có cái phải dùng cả năm trời mới hỏng. Và nó cũng chính là “cây kinh tế” giúp người dân quê tôi có đồng ra, đồng vào. Người dân chắt chiu bẻ từng bông chít, về nhà tỉ mẩn kết chổi rồi mang ra chợ bán. Và tôi luôn nhớ về tháng Chạp quê nhà, nhớ những mùa chổi chít đượm màu khó nhọc, nơi bóng dáng mẹ tôi lam lũ chắt chiu từng bông chít từ rừng xa.

Những ngày tháng Chạp quê nhà cứ thế rồi cũng lùi xa. Anh em chúng tôi trưởng thành và chọn cho mình những ngã rẽ riêng thì ba mẹ cũng đã trở thành người thiên cổ. Mỗi khi tháng Chạp trở về, nhìn khoảng sân trước nhà, càng nhớ vô cùng bóng dáng ba mẹ thuở nào. Mỗi lần nhớ quê, tôi lại nhớ câu nói: “Cha mẹ còn, cuộc đời vẫn còn nơi ta để đến. Cha mẹ mất, đời này chỉ còn lại lối về”. Và lối về của tôi hôm nay mãi là lối ký ức ngọt ngào để tôi yêu hơn nguồn cội, nhớ những yêu thương ngọt ngào bên ba mẹ thân thương.

Mai Thị Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nho-thuong-thang-chap-que-nha-post485662.html