Nhớ trận đánh lịch sử bảo vệ cầu Rạch Chiếc

Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động được Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập vào đầu năm 1974, nhằm gấp rút chuẩn bị cho những trận đánh có tính chất quyết định, trong đó có trận đánh chiếm, bảo vệ cầu Rạch Chiếc để đón đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.

Cầu Rạch Chiếc năm xưa. Ảnh tư liệu

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động, tiếp chúng tôi tại căn nhà trong hẻm đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Kể về những năm tháng tham gia chiến đấu, đặc biệt là về trận đánh lịch sử bảo vệ cầu Rạch Chiếc cách đây 49 năm với chất giọng sang sảng ít ai có thể nghĩ rằng ông đã ở tuổi 96.

Đại tá Tư Cang kể, Lữ đoàn 316 là Lữ đoàn đặc công - biệt động được Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập vào đầu năm 1974, nhằm gấp rút chuẩn bị cho những trận đánh có tính chất quyết định. Cấp trên giao cho Lữ đoàn 316 đánh chiếm, bảo vệ những cây cầu huyết mạch xung quanh thành phố để mở đường cho các cánh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, trong đó có cầu Rạch Chiếc. Chiếm giữ được cây cầu này sẽ tạo thuận lợi cho ta mở cửa áp sát thủ phủ của địch; đồng thời chọc thủng khu vực phòng thủ vòng ngoài của chúng. Xác định rõ tầm quan trọng của cầu Rạch Chiếc nên địch bố trí phòng thủ rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, sẵn sàng phá hủy cầu khi có tình huống xấu.

Sau khi nhận lệnh từ cấp trên, dù thời gian gấp rút, chỉ còn 2 ngày để nghiên cứu mục tiêu mới, nhưng đơn vị Z23, Lữ đoàn 316 đã khắc phục mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ. Nửa đêm 26/4/1975, đơn vị đã tiếp cận cầu Rạch Chiếc và 3h sáng 27/4 đồng loạt nổ súng, xung phong lên chiếm cầu.

Đánh chiếm nhanh mục tiêu đã chỉ định là sở trường của đơn vị đặc công Z23, nhưng để bảo vệ được cây cầu, ngăn không cho địch phá trong thời gian dài thì khó khăn trăm bề.

Đơn vị chủ công Z23 chỉ với hơn 70 tay súng, được trang bị vũ khí, như: tiểu liên AK và súng B40, B41, thủ pháo, lựu đạn, bởi vậy sau khi nổ súng đánh chiếm, đơn vị phải đánh giằng co với địch, bảo vệ cây cầu trong suốt những ngày sau đó. Các chiến sĩ đặc công anh dũng bám trụ bảo vệ cầu, ngâm mình trong bùn nước, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Đến hừng sáng ngày 30/4, khi các đơn vị của ta vượt qua cầu tiến vào Sài Gòn, Lữ đoàn 316 mới hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ cầu Rạch Chiếc.

“Tại sao chúng ta phải đánh chiếm cầu ngày 27/4 và đánh giằng co với địch suốt 3 ngày sau đó? Sau này, tôi được biết vì cấp trên thấy cánh Quân đoàn II từ hướng Đông Nam (hướng thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai) tiến lên dũng mãnh, lại có Lữ đoàn 203 xe tăng mở đường nên ra mệnh lệnh như vậy. Và quân địch khi rút chạy đã phá sập cầu Sông Buông, cây cầu nằm giữa Long Thành và ngã ba Long Bình, dài chừng 10m nhưng lòng sông sâu, xe tăng không qua được, phải đợi công binh sửa gấp mất mấy ngày. Do đó, trong trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc, cán bộ, chiến sĩ Z23 suốt mấy ngày đêm không rời trận địa, 52 đồng chí đã bị thương và hy sinh”, Đại tá Tư Cang bùi ngùi kể lại.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động.

Trong trận đánh này, đặc công nước Nguyễn Đức Thọ thuộc Z23 được phân công giữ khẩu B40 và phát súng B40 đã bắn sập tháp canh, đồng thời là phát súng lệnh cho toàn mặt trận. Là nhân chứng lịch sử trong trận đánh chiếm, bảo vệ cầu Rạch Chiếc, khi chúng tôi gợi lại câu chuyện hào hùng năm xưa, ký ức ùa về với cựu chiến sĩ đặc công Nguyễn Đức Thọ. Ông chia sẻ: “Với hệ thống kênh rạch, bãi lầy chằng chịt, anh em chiến sĩ vô cùng vất vả, ngâm nước, lội sình tiến về ấp Bình Trưng, huyện Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) đóng tại chốt 4, cách cầu Rạch Chiếc gần 1km về phía Đông. Trưa 25/4, Z23 nhận được lệnh của cấp trên tập trung toàn bộ lực lượng cùng với Z22, D81 đánh chiếm giữ cầu Rạch Chiếc đón đại quân vào giải phóng Sài Gòn. Ngay khi nhận được lệnh, đồng chí Trần Kim Thinh, Phó Tham mưu trưởng Z23, người trực tiếp chỉ huy trận đánh cùng với tổ của đồng chí Đỗ Xuân Quang đã tiến hành trinh sát cầu Rạch Chiếc. Do vị trí quan trọng của cầu, từ đầu năm 1975, địch đã tăng cường phòng thủ, tăng cường một liên đoàn biệt động và một cụm pháo 105 ly ở Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức. Lực lượng giữ cầu thường trực gồm một tiểu đoàn bảo an hơn 400 tên, được trang bị súng chống tăng, M79, cối 60 ly.

19h ngày 26/4, các đơn vị xuất phát tiếp cận mục tiêu, nhờ kênh rạch lại có dừa nước che khuất nên việc tiếp cận mục tiêu rất nhanh chóng. 23h, các đơn vị đã áp sát mục tiêu đúng dự kiến, nằm chờ đến giờ nổ súng. Tranh thủ lúc địch quét đèn pha, anh em quan sát kỹ mục tiêu. Giờ G đã điểm, tôi đưa súng ngắm bắn tháp canh, đạn trúng mục tiêu, tháp canh đổ nghiêng một bên, khẩu đại liên của chúng bị tiêu diệt. Cùng lúc, các mũi đồng loạt nổ súng, thủ pháo, lựu đạn ném cấp tập vào các lô cốt, công sự của địch. Do bị tấn công bất ngờ, dồn dập, địch không kịp phản ứng, số bị tiêu diệt, số bỏ chạy ra ngoài, ta bắt sống được 7 tên”.

Đặc công Nguyễn Đức Thọ kể tiếp: “Sáng 27/4, địch dùng trực thăng đổ quân ở vòng ngoài, triển khai đội hình, kết hợp với xe tăng, tàu chiến phản công để chiếm lại cầu. Ta lợi dụng công sự, lô cốt đánh trả quyết liệt. Cứ mỗi lần tấn công không thành, chúng lại lùi ra xa dùng máy bay trực thăng, pháo bắn phá dữ dội vào các vị trí ta chốt giữ. Sau nhiều lần tấn công không thành, địch chuyển sang dùng pháo chụp, gây rất nhiều khó khăn cho ta, đã có những hy sinh, mất mát.

Cựu chiến sĩ đặc công Nguyễn Đức Thọ bồi hồi nhớ lại trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc.

Ngày 29/4, nhận được lệnh tiếp tục chiếm giữ, bảo vệ cầu Rạch Chiếc, không để cho địch phá, chờ đón đại quân của ta vào giải phóng Sài Gòn, anh em khẩn trương tổ chức lại lực lượng, trang bị lại vũ khí. Lúc này, hai đơn vị Z22 và Z23 còn 29 chiến sĩ trực tiếp chiến đấu được.

5h ngày 30/4/1975, toàn bộ đơn vị đồng loạt nổ súng. Cuộc tiến công bất ngờ và ở khoảng cách quá gần khiến quân địch mất tinh thần, hoảng loạn. Mấy chiếc xe chỉ huy vội vã nổ máy tháo chạy, đám lính cũng chạy theo, vừa chạy vừa bắn loạn xạ. Anh em nhanh chóng từ dưới nước vọt lên bám sát chân cầu nổ súng quyết liệt, chiếc tàu sắt trực chiến của địch dưới chân cầu cũng nổ máy tháo chạy ra sông Sài Gòn.

Khoảng 7h cùng ngày, phát hiện xe tăng Quân đoàn có cắm cờ giải phóng tiến đến cầu Rạch Chiếc, qua kính quan sát, anh em đã nhận ra lực lượng của ta nên không bắn nữa. Khi đoàn xe đến đầu cầu Rạch Chiếc, mọi người ùa ra reo mừng”, cựu chiến sĩ đặc công Nguyễn Đức Thọ nhớ về thời khắc của trận đánh quyết liệt cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đại Lánh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/nho-tran-danh-lich-su-bao-ve-cau-rach-chiec-156947.html