Nhớ Trung thu xưa

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, năm nay tỉnh quyết định dừng tổ chức Lễ hội Thành Tuyên. Mặc dù đường phố sẽ thiếu sự đông đúc, tấp nập như mọi năm, nhưng Trung thu này sẽ là một khoảng lặng để người dân có thể nhớ về những Trung thu xưa, thời mà phá cỗ, trông trăng chỉ diễn ra quanh làng xóm.

Hoài niệm nghề truyền thống

Trước đây, khi thấy những xe hàng rong chở đầy những mẹt hồng ngâm, hồng mọng chín đỏ kèm những quả ổi găng vàng ruộm thì không ai bảo ai đều ngầm mặc định là thu đã về. Mùa thu về sẽ có cái Tết mà trẻ con mong đợi nhất - Tết Trung Thu. Cái tết rộn ràng, náo nức, ngập tràn tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo của trẻ nhỏ cùng chiếc đèn ông sao trên tay.

Ông Nguyễn Xuân Liễu, tổ 11, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) là một trong số ít những người còn giữ được nghề làm đèn trung thu truyền thống với gần 50 năm ông sống với nghề. Ngót nghét một nửa thế kỷ làm đèn với ông khá nhiều kỷ niệm. Ông bảo làm đèn thứ nhất là một cái nghề để mưu sinh, nó nuôi sống gia đình ông qua nhiều năm tháng khó khăn. Chỉ với một "mùa trăng", gia đình cũng đã gần đủ thu nhập để trang trải cuộc sống trong suốt cả năm dài. Điều thứ 2 mà ông muốn chia sẻ đó là tình yêu với chiếc đèn ông sao truyền thống đã giữ ông với nghề. Năm nào khi đèn được chở đi bán ông cũng dõi theo phản ứng của những đứa trẻ, thấy chúng dùng ánh mắt chăm chú, cười tươi khi chọn đèn là ông vui lắm. Cho dù ngày nay, đèn chạy pin được bày bán khắp nơi, những mô hình khổng lồ diễu khắp phố phường thì chiếc đèn ông sao nho nhỏ vẫn có sức cuốn hút mãnh liệt với thiếu nhi.

Gia đình bà Trần Thị Hương, tổ 17, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) làm bánh nướng, bánh dẻo chuẩn bị cho Trung thu.

Gia đình bà Trần Thị Hương, tổ 17, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) làm bánh nướng, bánh dẻo chuẩn bị cho Trung thu.

Bà Nguyễn Thị Nhung, vợ ông chia sẻ, đèn ông sao truyền thống là một món quà dân dã, làm ra nó chỉ cần đến tre nứa, bột hồ, giấy bóng kính, nhưng cái đẹp lại ở chính những điều đơn giản ấy. Đến tận bây giờ bà vẫn tự mình vẽ, cắt dán hình các con vật chứ không dùng hình dán có sẵn bởi muốn giữ được nét thủ công. Ai cũng nghĩ làm đèn chỉ 1, 2 tuần là xong nhưng gia đình bà phải mất ngót nghét đến cả năm, Tết Nguyên đán xong thì mua tre, nứa về ngâm cho dẻo dai, chống mối mọt, khi rảnh rỗi thì ngồi cắt dán họa tiết trang trí, giấy bóng kính, chẻ nứa, làm khung… Bà vui vì các con, các cháu thường xuyên phụ giúp ông bà, nếu không với sức khỏe như hiện tại khó mà theo được nghề trong thời gian tới.

Không như gia đình ông Liễu, gia đình bà Trần Thị Hương, tổ 17, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) có nghề làm bánh kẹo gia truyền. Tuy nhiên, đến đời bà, bánh kẹo làm ra chỉ để phục vụ nhu cầu của người thân trong gia đình và một số bạn bè thân thiết. Trung thu nào bà cũng tự tay làm bánh nướng, bánh dẻo để cả nhà thưởng thức.

Bà Hương chia sẻ, một chiếc bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm truyền thống có sự góp mặt của hơn 20 loại nguyên liệu khác nhau, đặc biệt trong công thức của bà có cả mứt vỏ cam, mứt quất, mứt sen, thịt gà quay xá xíu… Đây đều là các nguyên liệu bà tự làm vào các dịp khác nhau trong năm, có thể từ chính những thứ mà mọi người thường bỏ đi như vỏ cam nhưng từ đó lại cho ra hương vị khác biệt. Bà bảo: “Điều tôi chú trọng nhất là ngon và sạch, không dùng hóa chất gì cả, bánh cũng chỉ để được khoảng 5 ngày mà thôi. Truyền thống của nhà tôi là bánh nướng hình vuông, bánh dẻo hình tròn tượng trưng cho trời đất, khi mẻ bánh ra lò, chờ 2 ngày cho xuống dầu là có thể cùng mọi người trong gia đình tập trung lại cắt bánh, phá cỗ, trông trăng.”

Tết đoàn viên

Tết Trung thu cũng mang ý nghĩa giống với Tết Nguyên đán đó chính là dịp cả gia đình đoàn tụ, quân quần bên nhau chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Đây cũng là ngày mà mọi gia đình đều dành nhiều thời gian cho những đứa trẻ, tặng cho chúng những chiếc đèn ông sao và một mâm cỗ với nhiều loại hoa trái thơm ngon của mùa thu.

Ông Nguyễn Xuân Liễu, tổ 11, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cùng vợ làm đèn ông sao truyền thống.

Ông Nguyễn Xuân Liễu, tổ 11, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cùng vợ làm đèn ông sao truyền thống.

Chị Trần Hoàng Oanh, tổ 10, phường Phan Thiết (Tp Tuyên Quang) có 2 con nhỏ, con gái lớn 6 tuổi, còn cậu con trai năm nay vừa tròn 3 tuổi. Chị Oanh cho biết, các năm trước, hoạt động rước mô hình diễn ra nhộn nhịp và tấp nập. Từ chập tối là bọn trẻ đã đòi bố mẹ cho ra đường xem mô hình. Trung thu năm nay, vì dịch bệnh mà hoạt động lễ hội không được tổ chức nên chị đã suy nghĩ làm thế nào để con được vui chơi, tận hưởng không khí trung thu.

Nhớ lại ngày còn bé, được đi rước đèn và bày mâm ngũ quả, vợ chồng chị đã cùng với các con đi mua hoa quả, dạy các bé cách sắp xếp mâm cỗ thật đẹp với hồng, bưởi, nho, cam… Các bé đều rất thích thú và cười nói vui vẻ, còn tranh nhau học xếp để được mẹ khen. Chị cho rằng, dù trung thu năm nay thiếu vắng những hoạt động đường phố nhưng vợ chồng chị đã thành công khi hướng cho con biết và hiểu về một trung thu truyền thống với những nét đặc trưng riêng có, đặc biệt là có được giây phút cả nhà bên nhau thật đầm ám, hạnh phúc.

Chị Vi Thu Dịu, thôn Khuôn Ráng, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) có trong tay nghề làm bánh trung thu sau một thời gian đi học hỏi ở một số cơ sở trong tỉnh. Hiện nay chị đang bán bánh trung thu handmade (bánh làm thủ công) trên mạng xã hội. Với chị việc làm bánh đem lại khá nhiều niềm vui vì đấy là sở thích, nhưng còn một niềm vui lớn hơn chính là nhận được sự ủng hộ của chồng và con gái. Tối nào hai bố con cũng giúp chị nhào bột, sên nhân.

Chị Dịu tiết lộ: “Động lực giúp tôi đi học làm bánh là vì muốn có thêm thời gian cả gia đình bên nhau, bởi trước đây mỗi khi tôi cặm cụi làm một món ăn mới đều được 2 bố con cổ vũ, động viên mà giờ làm bánh trung thu thì được 2 bố con làm cùng luôn. Con gái tôi cũng bộc lộ ra năng khiếu khi có thể làm ra những chiếc bánh rất rất đẹp và đúng kỹ thuật. Đồng thời con cũng đã hiểu hơn về Tết Trung thu, con còn mang những phần bánh mình làm đến chia cho các bạn trong lớp nếm thử. Thấy con như vậy chị biết con mình đã trưởng thành hơn, biết yêu thương và chia sẻ yêu thương”.

Ông Ngô Hữu Chỉnh, thôn Phúc Lộc A, xã An Khang (TP Tuyên Quang) năm nay đã hơn 80 tuổi. Ông quê gốc ở tỉnh Nam Định, một địa phương ở trung tâm đồng bằng sông Hồng phì nhiêu với truyền thống làm nông nghiệp lâu đời. Ông kể lại, theo quan niệm dân gian, Trung thu còn là dịp người dân ngắm trăng tiên đoán mùa màng. Nếu trăng thu màu vàng thì sẽ trúng mùa tằm tơ, màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, mưa bão, nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

Ngày bé, vào mỗi dịp trung thu là cha của ông lại xếp chõng ra sân, ngồi ngắm trăng, anh em ông thì cầm đèn chạy quanh chờ mẹ bưng mâm ngũ quả ra phá cỗ. Cứ năm nào trăng vàng trong sáng thì cha vui lắm, bảo rằng năm tới lại no ấm rồi, thói quen ấy của cha lại truyền cho ông và năm nay ông quyết định sẽ gọi các cháu nội ngoại của mình về chơi, kể cho chúng nghe câu chuyện về trăng rằm tháng 8 để chúng biết được những nét văn hóa của dân tộc. Đây cũng là dịp để ông tặng cho chúng những phần quà nho nhỏ vì đã có thành tích tốt trong năm học vừa qua.

Tết Trung thu dù là xưa hay nay thì những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc vẫn luôn được trân trọng, gìn giữ. Bất cứ ai trong những ngày này đều thấy rộn ràng khác lạ bởi xung quanh đầy ắp những niềm vui, những nụ cười rạng rỡ như trăng rằm.

Phóng sự: Minh Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nho-trung-thu-xua-137288.html