Nhớ về cha !

Tuổi thơ của cha trôi qua bên dòng Linh Giang êm đềm nhưng trăm bề thiếu thốn. Dưới nếp nhà tranh xiêu vẹo, cha đã lớn lên trong cơ hàn, đói rét, nhọc nhằn cùng những bữa cháo rau, buổi giá lạnh thì tím bầm thịt da, ngày nắng nóng thì mái tóc cháy sém...

-Minh họa: LÊ DUY

-Minh họa: LÊ DUY

Con thương cha vô cùng. Tuổi đôi mươi, theo tiếng gọi non sông cha khoác ba lô lên đường đánh Mỹ. Bao núi đèo cha đã đi qua, ba lô trĩu nặng trên vai, chân phồng rộp đường hành quân gian khổ. Gác tình nhà lo nợ nước, cha gửi lại tuổi thanh xuân cho những cánh rừng Lào xạc xào lá đổ và gầm rú tiếng đạn bom... Thanh xuân của cha có mùi thuốc súng, có lảnh lót chim rừng, có róc rách dòng suối nhỏ...có cả làn điệu ngọt ngào, say đắm của ca khúc Hoa Chăm Pa.

Đất nước im tiếng súng, cha khoác chiếc ba lô trở về. Con lúc đó là một cô bé bướng bỉnh vừa tròn ba tuổi, vừa quay lưng chạy, vừa khóc, dứt khoát không cho ba chạm vào (kể cả chạm vào váy áo).

Sau này cha vẫn hay nói rằng hồi đó để được một cô bé 3 tuổi chấp nhận gọi một tiếng cha chắc còn vất vả hơn cả những tháng ngày lội suối, băng rừng trên đất nước Triệu voi.

Con thương cha những năm tháng một mình trên đất Huế, gặp mẹ và ba chị em con bằng những cánh thư và mỗi năm vỏn vẹn chỉ có hai lần gặp mặt. Tuổi thơ của chị em con là những tháng ngày nhớ ba, khóc rấm rứt.

Trong ký ức của con, tiếng còi tàu phía xa xa trở thành một thanh âm quen thuộc, vừa gợi lại niềm vui gặp mặt nhưng cũng vừa nhắc đến nỗi buồn biệt ly. Mệ đón cha bằng nụ cười lấm lem bùn đất và tiễn cha bao giờ cũng giàn giụa nước mắt.

Có đôi lần, con vừa khóc vừa chạy theo cha ra đến bến sông. Khi cha bước xuống thuyền, con đã nức nở gọi và đòi đi theo. Rồi cứ đứng nhìn theo bóng con thuyền dần xa như thế, đến khi nào nó chỉ còn là một chấm nhỏ trên mặt sông thì con mới lặng lẽ quay về. Con biết mỗi lần như vậy, cha lại quay đi giấu chúng con những nỗi buồn.

Cha đã làm tròn trọng trách của mình. Những tưởng đến khi được nghỉ hưu cha sẽ có thời gian để nghỉ ngơi và đi đây đó thăm bạn bè, người thân nhưng oái ăm thay, vừa cầm được sổ hưu thì cha đổ bệnh-căn bệnh chưa có thuốc nào chữa được. Con đã khóc rất nhiều hằng đêm và chỉ biết cầu mong ông trời rủ lòng thương cha, thương cả nhà mình. Thuốc thang mười lăm năm cũng chỉ đem lại cho cha, cho con một sự thất vọng ...Rồi vô vọng. Con biết cha rất buồn.

Lần đi viện cuối cùng cha còn hẹn ngày ra viện sẽ ghé nhà con chơi vài tháng. Con chờ. Con mong. Nhưng thực lòng không hiểu sao khi đó con đã thấy trong lòng mình đã có một dự cảm chẳng lành.

Những lúc bên cha trên giường bệnh, con đặt tay lên ngực cha, canh chừng giấc ngủ. Con nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc mặc cho nước mắt cứ thế rơi... Con mân mê từng vết thương đã thành sẹo mà lòng trào dâng một cảm xúc khó tả.

Và chỉ mấy tháng sau, một ngày cuối đông, cha đã rẽ tầng mây, nhẹ cánh bay về nơi tiên cảnh. Những năm cuối đời, bệnh tật hành hạ nhưng chưa bao giờ cha thôi yêu đời, lạc quan và hy vọng. Mỗi dịp gặp lại bạn bè, cha cũng vẫn hòa vào điệu lăm vông tha thiết. Những bước chân khó nhọc của cha lúc đó làm tim con nhói buốt. Điệu lăm vông buồn hơn! Hương Chăm Pa vẫn vậy- dịu ngọt nhưng sao con thấy chênh chao lạ lùng!

Phút cuối, con đã hôn lên má cha, vừa lạnh lẽo của nỗi đau sinh tử, vừa ấm áp sâu nặng tình phụ tử-để muốn được gửi theo người xuống suối vàng-mãi hồng tươi một niềm kính yêu vô tận.

Thiên Lam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/nho-ve-cha/180029.htm