Nhớ về mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Mít

Một nhà đầy dũng khí/ Bảy con đã ra đi/ Thêm chồng và cháu nội/ Treo chín bằng liệt sĩ/ Tang tóc không nản lòng/ Gieo neo vẫn lạc quan/ Ngọt bùi luôn chia sẻ/ Xứng danh mẹ anh hùng. Những câu thơ viết về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Trần Thị Mít, xã Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị, khắc trên tấm bia trước sân là hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp khi bước vào nhà Mẹ…

Cái duyên run rủi, 21 năm trước, lần đầu tiên tôi có dịp thăm mẹ Mít. Ấn tượng khắc sâu trong lòng người đến bắt đầu từ con đường vào. Giữa một biển lúa xanh ngát, nhà mẹ Mít hiện lên như một ốc đảo trong chuyện cổ tích. Năm ấy, mẹ vừa 100 tuổi tròn. Trong ngôi nhà nhỏ dột nát tranh sáng, tranh tối, mẹ vẫn ngồi, mắt dõi về miền xa xăm. Phải chăng, ấy là nỗi đau, niềm nhớ về người chồng, những người con, người cháu đã dâng hiến cuộc đời cho mùa xuân của đất nước.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Mít, năm 2000. (Ảnh: Hoàng Hòa Đăng)

Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Mít, năm 2000. (Ảnh: Hoàng Hòa Đăng)

Bà sống tốt lắm, thảo lắm!

21 năm, những hình dung trong tôi về con đường vào nhà mẹ Mít đã trở thành quá khứ. Cánh đồng lúa giờ đã thành nhà cửa san sát. Con đường lầy lội vào nhà mẹ năm xưa nay đổ bê tông thẳng tắp. Từ Quốc lộ 1A trên địa phận xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, hỏi thăm nhà mẹ Mít ai cũng biết. Mẹ đã trở thành niềm tự hào của người dân địa phương!

Nhà mẹ Mít cũng hoàn toàn khác trong trí nhớ của người từng một lần đến. Giữa khoảng vườn rộng, rợp bóng cây, hiện lên trước mắt chúng tôi là ngôi nhà ba gian khang trang, sạch sẽ. Thấy khách, chị Nhung, chắt nội của mẹ, sống ở ngôi nhà bên cạnh, lấy chìa khóa, mở cửa.

Dường như cảm được nỗi băn khoăn của khách, chị giải thích: “Hồi cố còn sống thì nhiều cơ quan, đoàn thể đến thăm hỏi. Từ ngày cố mất, hầu như không có ai qua lại nên những lúc nhà vắng người thì phải khóa cửa nhà lại.”

Mẹ Mít mất năm 2005, thọ 105 tuổi. Nhưng đến tận năm 2015, con cháu họp nhau đóng góp lại và được sự giúp đỡ của Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Trị, Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế La Lay, mới sửa lại được nhà của mẹ như hiện tại.

Những nén nhang thắp lên trong niềm kính cẩn. Chợt lòng dâng cảm giác bâng khuâng. Cả đời mẹ hy sinh đã muôn vàn, khi thác xuống vẫn trong ngôi nhà dột nát. Giờ nhà mới khang trang, dẫu hơi muộn màng, âu cũng là chút lòng thành của các thế hệ sau tưởng nhớ đến mẹ.

Bà mẹ VNAH Trần Thị Mít có 12 người con. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, cùng với hàng triệu bà mẹ của dân tộc Việt Nam, mẹ đã hiến dâng cho đất nước chồng, sáu người con trai, một người con dâu và một cháu nội. Nhắc đến bà của mình, chị Luyến (cháu nội của mẹ Mít) kể: “Hàng xóm ai cũng quý mến bà vì bà sống tốt lắm, thảo lắm. Nhà nghèo nhưng có cái gì là bà lại cho các cháu với hàng xóm hết”.

Di nguyện của mẹ Mít là sau khi mất, được thờ cùng chồng và các con tại chính ngôi nhà của mẹ. Vì vậy, từ khoảng sân, khu vườn, đến căn bếp nhỏ và giếng nước vẫn được các cháu giữ nguyên vẹn.

Mất mát không kể xiết

Anh Nguyễn Năng Hóa, cháu nội của mẹ Mít (con trai của ông Nguyễn Năng Ban) năm nay 67 tuổi. Mắt đỏ hoe, dường như, những hình ảnh từ thời thơ ấu của anh về người bà đáng kính và những hy sinh mất mát của cả gia đình đang dội về, dù không còn được nguyên vẹn. Anh kể: “Đời bà khổ lắm! Nhà đông con, không đủ ăn nên rất cực để nuôi được các con khôn lớn. Đến khi con lớn lại lần lượt theo cách mạng và hy sinh. Mất mát của bà chẳng gì kể xiết!”

Ở vùng quê nghèo nhưng đầy truyền thống anh hùng, cả gia đình mẹ Mít đã sớm theo cách mạng. Người con thứ tư của mẹ là Nguyễn Năng Phàn, trong một lần đang diễn văn công phục vụ bộ đội và nhân dân, đã bị giặc bắt. Không khai thác được gì từ người chiến sĩ trung kiên ấy, chúng chặt đầu anh, treo ngoài đường.

Lòng mẹ Mít đứt từng khúc. Thế nhưng, mẹ chỉ dám khóc thầm mà không dám mang xác con về chôn. Bởi nếu làm thế, địch sẽ phát hiện ra mẹ theo kháng chiến. Hơn thế, ngôi nhà của mẹ - nơi nuôi giấu bộ đội sẽ không còn an toàn.

Sau khi anh Phàn hy sinh, không chùn bước, lần lượt chồng, những người con khác của mẹ Mít đều tham gia cách mạng. Con gái kế út của mẹ là chị Nguyễn Thị Tiếp khi mới 19 tuổi đã trở thành một o du kích. Trong một lần về lấy gạo, cơm cho bộ đội, o bị giặc bắt, giết. Bọn chúng dã man buộc dây xích vào cổ o rồi cho xe kéo đi dọc đường. Nước mắt mẹ Mít như cạn khô vì mất mát, đau thương quá lớn.

Con trai và con dâu thứ sáu của mẹ hy sinh, để lại hai người con thơ còn chưa nhớ mặt bố mẹ. Mẹ vừa làm bà, vừa làm mẹ nuôi hai cháu thay con.

Tất cả trong mẹ Mít đã dồn nén thành lòng căm thù giặc. Giữa bom đạn, giữa những cuộc càn quét của địch, mẹ vẫn âm thầm nuôi giấu cán bộ cách mạng. Có những lần, địch đến khám nhà, mẹ nhanh trí giấu bộ đội vào trong bồ thóc. Chồng và các con vắng nhà, mẹ vẫn cày, cấy tới hai mẫu ruộng để có thêm lương thực tiếp tế cho bộ đội.

Nhiều đêm, mẹ thức thâu canh đào hầm. Giặc bắt giam, tra khảo, đánh đập bao lần nhưng mẹ nhất quyết không khai. Mỗi lần từ tay địch trở về, mẹ như đã chết chín phần. Thế nhưng, lòng căm thù lại nhanh chóng giúp mẹ hồi phục để tiếp tục chiến đấu. Mẹ đã trở thành một người lính!

Ông Ban, con trai thứ ba của mẹ, cũng tham gia cách mạng. Những năm 1962-1963, ông bị địch bắt, tù đầy, tra tấn đến phù thũng cả người. Thương con, mẹ lần hồi đi kiếm cám gạo, rang lên, rồi tìm cách gửi vào cho ông ăn để bớt phù.

Con trai cả của ông Ban, anh Nguyễn Năng Thành cũng theo chân bố, ông nội và các bác, các chú trong gia đình đi đánh giặc. Anh Thành cũng đã hy sinh anh dũng.

Anh Hóa, từ khi mới 10 tuổi cũng đã góp sức cho cách mạng. “Ngày đó, tôi còn nhỏ nên được giao nhiệm vụ làm cảnh giới bên ngoài nhà. Nếu tôi treo miếng vải hay áo màu trắng trên hàng rào, tức là đang trong tình thế nguy hiểm, bộ đội không được vào.”- anh Hóa nhớ lại.

Nhà mẹ Mít khi đó, không chỉ là một cái nôi sản sinh ra những con người yêu nước, mà còn là căn cứ, nơi nuôi dưỡng những chiến sĩ cách mạng trong vòng vây của địch.

Ngôi nhà mẹ Mít giờ đã khang trang. (Ảnh: Hoàng Hòa Đăng)

Ngôi nhà mẹ Mít giờ đã khang trang. (Ảnh: Hoàng Hòa Đăng)

Lòng hào hiệp vang lừng

Đất nước thống nhất, nhưng nỗi đau, nỗi nhớ chồng, con của mẹ vẫn luôn thường trực trong tim. Trong ký ức của anh Hóa, vẫn còn nguyên hình ảnh những lần bà nội đứng trước bàn thờ mà khóc: “Các con hy sinh vì đất nước, mẹ tự hào bao nhiêu thì mẹ cũng đau khổ bấy nhiêu. Bao công lao nuôi nấng con khôn lớn mà đến lúc con chết mẹ cũng không được nhìn mặt lần cuối.”

Gạt vội những giọt nước mắt trên khuôn mặt sạm nắng, anh Hóa nghẹn ngào kể lại. Chồng, các con, cháu của mẹ hy sinh, có người không kịp để lại một tấm ảnh thờ, có người còn chưa thấy mộ.

Những năm cuối đời, mẹ vẫn đau đáu một ước nguyện làm sao tìm lại được mộ người con út – Nguyễn Thành, là bộ đội thông tin hy sinh ở chiến khu Ba Long. Cho đến tận hiện tại, gia đình đã mất bao công sức đi tìm nhưng vẫn chưa thấy mộ anh.

Di nguyện của mẹ Mít là sau khi mất, được thờ cùng chồng và các con tại chính ngôi nhà của mẹ. Vì vậy, từ khoảng sân, khu vườn, đến căn bếp nhỏ và giếng nước vẫn được các cháu giữ nguyên vẹn. “Ngày còn sống, bà thích thơ lắm. Bà thích nhất là nghe anh Hóa ngâm bài thơ của bác Trần Kim Hồ tặng bà”- chị Luyến kể.

Trầm ngâm giây phút, anh Hóa cất tiếng: “Nuôi Đảng, nuôi quân, nuôi cán bộ/ Lòng hào hiệp vang lừng khắp đây đó/ Thơm cửa, thơm nhà, thơm làng nước/ Sử chói ngời tên tuổi cháu, chồng, con”.

Những câu thơ ngân lên bởi chất giọng miền Trung trầm ấm, sâu lắng, giữa một vùng trời xanh, đầy nắng!

Hoàng Hòa Đăng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nho-ve-me-viet-nam-anh-hung-tran-thi-mit-143741.html