Nhớ về mùa xuân đại thắng

Tháng Tư, ngày 30, năm 2021 có gì mới? Tôi cứ bâng khuâng tự hỏi. Lòng chợt gọi về những ký ức của mùa xuân 46 năm trước, ngày lá cờ cách mạng của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên Cột cờ Dinh Độc Lập.

Thời khắc thiêng liêng ấy, đơn vị công binh chúng tôi đang ở ngay cửa ngõ Sài Gòn, nơi trước đây từng thao thiết trông về “cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó”. Niềm xúc động đến nghẹt thở. Nhưng tin tức không nhanh như bây giờ. Nó chỉ đến với chúng tôi qua lời phổ biến nghẹn ngào vì xúc động của chính trị viên đại đội: “Sài Gòn giải phóng. Miền Nam giải phóng rồi các đồng chí ơi!”.

 Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Đồng chí trung úy, chính trị viên còn nói thêm, sau 21 năm, cả đất nước bền gan, kiên cường chiến đấu, từ nay miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải. Chúng ta sẽ thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Bác Hồ: Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Giờ đây, lời Bác dặn vẫn như vang bên tai chúng ta. Đất nước bước sang thập niên thứ ba thế kỷ XXI với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế vô cùng sáng đẹp. Đó là hành trang đi tới. Trên chặng đường tới với nhiều thời cơ lớn, nhưng thách thức không hề nhỏ, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định những cột mốc quan trọng để phấn đấu. Trong đó, quan trọng nhất là đến giữa thế kỷ này, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, điều mà người dân thường nói mộc mạc rằng, đất nước sẽ hóa Rồng, trở thành quốc gia giàu có, thịnh vượng.

Tiền đề để trở thành giàu có, thịnh vượng bắt đầu từ hôm nay. Từ khi chúng ta bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những thay đổi vô cùng nhanh chóng, cũng có thể nói là thần tốc, theo ngôn ngữ quân sự trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bức điện của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!” là mệnh lệnh, là hồi kèn xung trận, nhưng chứa đựng trong đó thông điệp của cả non sông, của toàn dân tộc chúng ta. Đó là lệnh nhưng là văn. Năm cánh quân như năm dòng thác lớn tràn tới trung tâm thành phố Sài Gòn. “Những binh đoàn ta sáng nay từ bốn ngả/Đang trở về trong biển tay reo” (Nguyễn Trọng Oánh).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nghệ thuật quân sự và chiến tranh nhân dân Việt Nam đã phát triển tới đỉnh cao. Lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong suốt mấy nghìn năm lịch sử từng có những trang hào hùng như thế. Ở những thời điểm cam go nhất lại xuất hiện những tình thế quyết định, với những “Hội nghị Diên Hồng”, huy động lòng dân, trí dân, sức dân, quyết đè bẹp quân xâm lăng. Cuộc đối đầu lịch sử của quân đội ta, nhân dân ta tại Điện Biên Phủ năm 1954 cũng tương tự như thế. Chúng ta đã thắng ở cái thế tưởng như khó có thể thắng. Nhưng rồi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc, chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu cũng là nhờ ở cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại.

Nay cả nước bước vào thời kỳ chính quyền số, nền kinh tế số. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ với những thành tựu nhảy vọt, cho phép một nước đang phát triển có thể đi tắt, đón đầu và giành những thắng lợi quyết định. Điều đó là hiện thực, chứ không chỉ là những lời động viên, khích lệ. “Năm covid thứ nhất”, rồi “năm Covid thứ hai”, Việt Nam thật sự là điểm sáng trên bản đồ thế giới về chống dịch hiệu quả.

Điều thế giới ghi nhận là, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa không khép kín giao lưu, hội nhập kinh tế, vẫn bảo đảm sản xuất phát triển. Mặc dù phải chống chọi với “làn sóng Covid thứ 3” không kém phần dữ dội, tăng trưởng kinh tế quý I/2021 vẫn đạt kết quả tích cực, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 4,48%, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.

Đáng mừng là sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%; nhập khẩu đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3%.

Các nhà kinh tế đã phân tích nhiều chiều, đã lưu ý những khó khăn, hạn chế, khuyết điểm, không sa vào “bệnh thành tích”, nêu lên những nguyên nhân của thành tựu. Nhưng bao trùm vẫn là, chúng ta đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Mọi người, mọi nhà, cộng đồng vào cuộc.

Có lẽ hiếm có nơi đâu trên thế giới này có chuyện “giải cứu nông sản” như ở Việt Nam. Người dân Hà Nội dạy từ sớm tinh mơ, xếp hàng để “giải cứu” cho những cây cải bắp, su hào, cà-rốt, hành tím, con gà, con lợn… Họ nói rằng: Thương lắm. Giọt mồ hôi nào cũng mặn và cũng nặng!

 Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975). (Ảnh tư liệu TTXVN)

Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975). (Ảnh tư liệu TTXVN)

Đến đây chúng tôi liên tưởng tới những câu chuyện cảm động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - câu chuyện lòng dân. Lòng dân kiên trung. Lòng dân dũng cảm, chịu đựng mọi hy sinh, gian khổ. Khi Mỹ - Diệm lê máy chém khắp miền Nam vào năm 1959; khi chúng rào làng lập ấp chiến lược; khi chúng rải chất độc hóa học xuống các cánh rừng, thôn làng miền Trung -Tây Nguyên… vẫn không thể nào khuất phục được lòng dân ta. Địa đạo Củ Chi với những căn hầm, những chiến hào sâu trong lòng đất là biểu tượng tuyệt vời của ý chí cách mạng, của thế trận lòng dân.

Phương ngôn có câu: “Dựng nhà cần nhiều người, đánh giặc cần nhiều sức”. Tất cả cho tiền tuyến là khẩu hiệu vang lên trên khắp ruộng đồng, nhà máy ở hậu phương lớn. Ở miền Bắc, thế trận lòng dân thể hiện ở sức mạnh tổng hợp của hậu phương lớn. Đó là những phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”; những khẩu hiệu hành động vừa là lương tâm vừa là sức mạnh chiến đấu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua nhà không tiếc”.

Đó là con đường Hồ Chí Minh trên đất liền và trên biển - một kỳ tích Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong mưa bom bão đạn của kẻ thù, đồng bào miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất, tiếp tục tăng cường lực lượng cho tiền tuyến lớn. Trong 10 năm, từ 1965 đến 1975, miền Bắc đã động viên hơn hai triệu thanh niên tham gia lực lượng vũ trang.

Nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ chiến tranh cũng tăng đáng kể, chỉ tính riêng ngành giao thông vận tải, vào năm đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt nhất, năm 1968, đã có trong biên chế chính thức khoảng 120 nghìn người, chưa kể hàng trăm nghìn thanh niên xung phong được huy động trên các tuyến đường.

Bây giờ chúng ta thường nói tới cụm từ : Ý Đảng - Lòng Dân. Thật sự thì cụm từ này đã hình thành từ khi Đảng ta ra đời, biểu hiện càng rõ nét qua các cao trào cách mạng, qua các cuộc kháng chiến giữ nước và xây dựng đất nước. Và hôm nay, trước những nhiệm vụ to lớn của thời kỳ mới, càng cần thiết hơn bao giờ hết việc phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sự gắn bó, hòa quyện giữa lòng Dân - ý Đảng.

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành T.Ư tại Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Dân làm, dân thụ hưởng là nội dung mới trong đường lối của Đảng. Đây không đơn giản là việc bổ sung câu, chữ. Đây là nhận thức mới, yêu cầu mới trong thời kỳ mới, để người dân thật sự làm chủ trong đời sống xã hội.

Chào mừng ngày 30/4, ngày chiến thắng, ngày thống nhất đất nước, thêm một lần chúng ta cùng nhau nhớ về một trang sử vẻ vang của đất nước, dân tộc. Thêm một lần ghi nhớ công ơn của các thế hệ người Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhất là những Anh hùng, liệt sĩ, những người chiến sĩ, anh giải phóng quân. Họ sống mãi cùng đất nước, dân tộc, cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc từng tấc đất, sải biển thiêng liêng của đất nước Việt Nam ngàn lần yêu quý!

Hải Đường

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/357880/nho-ve-mua-xuan-dai-thang.html