Nhớ về những người mẹ Việt Nam Anh hùng
Chúng tôi tìm về xã Thái Phúc (Thái Thụy,Thái Bình) trong những ngày tháng 4 lịch sử. Có thể nói đây là một trong những xã đặc biệt nhất cả nước, khi mà có tới 53 bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hơn 430 liệt sĩ.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Tàm lúc sinh thời
Trong không gian bao la của làng quê Thái Phúc, nơi chỉ có những con đường đất đỏ, lối đi bình dị nhưng chất chứa bao ký ức, chúng tôi có mặt tại nơi mà mỗi viên gạch, mỗi ngọn cỏ đều lưu giữ một phần máu xương của những người con ưu tú đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Chúng tôi bồi hồi nhớ lại, mấy năm trước chúng tôi cũng đã có mặt tại Thái Phúc và được gặp mẹ Hoàng Thị Bập. Dù tuổi cao, nhưng khi ấy mẹ vẫn còn đủ minh mẫn để kể lại với chúng tôi. Mẹ từng tiễn con trai duy nhất ra chiến trường và mãi mãi không được gặp lại anh. “Con tôi đã hy sinh vì Tổ quốc, tôi không tiếc nuối gì, nhưng nỗi đau thì cứ âm ỉ mãi chẳng thể nào hết được” - mẹ nói, giọng nghẹn ngào. Tôi chỉ biết nắm đôi tay của mẹ - bàn tay gầy guộc, từng chai sạn vì một đời lam lũ, đã nuôi nấng, chăm bẵm đứa con mình nên người, rồi lại đưa tiễn con ra đi vì độc lập của Tổ quốc.
Nhắc đến hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, một trong những địa danh mà chúng tôi không thể quên là Bến Lở (thôn Kỳ Nha) và Cầu Sắt (thôn Nha Xuyên). Những nơi này không chỉ là những điểm chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn là chứng nhân cho những nỗi đau tột cùng mà người dân nơi đây phải gánh chịu.
Cựu du kích Phạm Văn Kiêu, là một trong những người đã sống qua những ngày tháng đau thương đó. Cụ Kiêu dẫn tôi đến khu Bến Lở, đứng bên cây hương mới được trồng, nhìn xuống dòng Sông Trà, cụ nói với tôi trong giọng nghẹn ngào: “Nơi này linh thiêng lắm. Những năm 50 của thế kỷ XX, không mấy ngày nào mà chúng ta không phải chứng kiến những người con ưu tú của quê hương bị giặc Pháp hành hình và hất xuống sông”. Nỗi đau ấy, đến nay vẫn còn in hằn trong ký ức của những người dân nơi đây.

Đoàn đại biểu Văn phòng Quốc hội thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Bập tại xã Thái Phúc khi mẹ còn sống
Cũng từ năm 50, thực dân Pháp chiếm đóng xã Thái Phúc và xây dựng bốt Cầu Sắt tại thôn Nha Xuyên. Bốt Cầu Sắt cao 4 tầng kiên cố là biểu tượng của sự tàn ác, là nơi giặc Pháp kiểm soát phong trào cách mạng của xã. Nhưng quân dân Thái Phúc đã không chịu khuất phục. Họ kiên cường chiến đấu.
Mảnh đất này, nơi từng là bãi chiến trường, giờ đây đã trở thành một xã nông thôn mới, với những con đường bê tông rộng rãi, những ngôi nhà khang trang và một nền kinh tế phát triển. Nhưng dẫu có phát triển đến đâu, Thái Phúc vẫn không bao giờ quên những người đã hy sinh, những bà mẹ đã mất con, những chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc...
2. Trở lại lần này, chúng tôi cảm thấy vô cùng hụt hẫng khi Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Lưu bộc bệch: “Các mẹ Việt Nam Anh hùng của xã đã về với tổ tiên, nhưng tinh thần cách sống của các mẹ vẫn luôn hiện diện trong từng người dân, trong mỗi bước đi của xã Thái Phúc. Họ đã để lại cho chúng tôi một di sản vô giá, không chỉ là những tấm gương sáng về sự hy sinh, mà còn là những bài học về lòng kiên trung, tình yêu nước và trách nhiệm với thế hệ sau”.
Gặp lại những người dân, cán bộ xã ở Thái Phúc, chúng tôi được nghe lại những câu chuyện hết sức xúc động về các mẹ. Cuộc đời mẹ Hoàng Thị Tàm (thôn Xuân Phố) là những tháng ngày dài đằng đẵng của đau khổ và thiếu thốn. Mẹ sinh 8 lần, nhưng chỉ giữ được 6 con, gồm 4 trai, 2 gái. Cuộc chiến đã cướp đi 2 người con trai của mẹ, Phạm Hữu Dũng và Phạm Hữu Dụng…

Một góc xã Thái Phúc hôm nay
Sinh thời, mẹ thường kể rằng, nhà nghèo đẻ xong mấy ngày đã phải gượng dậy đi cày cấy, giã gạo, nhưng mỗi bữa cơm chỉ có một bát gạo, còn mẹ phải cõng thêm rau muống, hai ba ôm mới đủ cho cả gia đình. Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ khô con ngủ, miếng độn mẹ ăn, miếng cơm nhường con…
Lúc anh Dũng, anh Dụng đi khám tuyển để nhập ngũ, mẹ không hề hay biết. Chỉ khi biết kết quả các anh mới khai thật với mẹ. Mẹ nhớ mãi anh Dụng, trước khi lên đường, thức trọn đêm giã giúp mẹ mấy cối gạo, đỡ cha mấy bó cói manh. Bát cháo rau muống vội vàng trước khi anh đi, mẹ vẫn còn băn khoăn không biết nó có đủ ấm lòng cho chặng đường xa phía trước.
Ngày anh Dụng về phép, trong bộ quân phục chỉnh tề, lon thiếu úy sáng lấp lánh trên cầu vai. Anh chỉ vào mấy người đồng đội, dặn mẹ: “Em đi mà chửa về, nếu có chuyện gì thì các anh cứ về ghé thăm thầy bu em!”. Rồi anh quay lại động viên mẹ: “Thôi bu ở nhà, con đi nhớ! Bao giờ con về sẽ đón bu lên Hà Nội chơi một chuyến cho thỏa”.
Khi nhận được tin báo tử của anh Dũng, mẹ như chết lặng, chỉ hy vọng anh Dụng may mắn còn sống để trở về. Nhưng rồi một ngày, mẹ lại nhận tin anh Dụng mất. Kể từ đó, mẹ sống mà như thể đã chết. Đêm đêm mẹ thường mơ thấy các anh trở về, nhẹ nhàng mở màn, gọi khẽ hai tiếng “Bu ơi”. Mẹ thức dậy thì các anh đã biến mất. Mẹ tìm quanh quẩn, chỉ còn thấy nụ cười, gương mặt các con trong di ảnh.
Ngoài 90 tuổi đôi chân đã chậm, mắt đã mờ, mẹ Tàm đi lại trong nhà chỉ theo trí nhớ. Thương mẹ, người con trai út đã dành dụm tiền đưa mẹ đi mổ mắt. Nhưng kể từ khi mắt sáng lại, mỗi ngày mẹ đều vào buồng nhìn các tấm ảnh của các con. Các anh cười với mẹ bằng ánh mắt trẻ mãi tuổi xuân xanh. Mẹ thì thầm chuyện trò: “Lúc các con đi, mẹ không có cơm mà ăn, quanh năm chỉ mong đến mùa hợp tác để được chia một ít thóc. Lúc đói có mẹ có con, giờ no lại vắng con mất rồi…”.
Chúng tôi đến nghĩa trang Thái Phúc vào một buổi chiều nắng muộn. Những tia nắng vàng đổ dài trên từng ngôi mộ, như các anh vẫn kiêu hãnh đứng đó, chung một đội hình duyệt binh. Tôi bước đi trong im lặng, nhẩm đếm có 179 ngôi, mỗi ngôi mộ là một câu chuyện, một cuộc đời dũng cảm đã cống hiến cho Tổ quốc.
Ngoài những ngôi mộ đã quy tập được cốt, còn rất nhiều ô đất vuông vắn, như những vòng tay rộng mở, đang chờ đón các anh trở về. Cỏ xanh ngút ngàn phủ kín trên những ô đất ấy, màu xanh ấy như sắc áo của những người lính đã ra đi. Nhưng những người lính ấy, giờ đang nằm đâu? Bao giờ các anh mới trở về với mẹ, để vơi bớt nỗi nhớ thương, để đất mẹ có thể ôm trọn các anh vào lòng lần nữa?
Rời Thái Phúc, chúng tôi mang theo trong lòng một nỗi niềm khó tả, vừa nghẹn ngào, vừa trân trọng. 50 năm đã trôi qua, kể từ ngày im tiếng súng - những vết tích chiến tranh dường như đã dần phai mờ dưới sự đổi thay của cuộc sống - nhưng trong mỗi ngôi nhà, mỗi con đường, mỗi bóng cây, bóng cỏ vẫn còn vương vấn những câu chuyện về những người đã hy sinh cả đời mình cho Tổ quốc.
Năm 1950, thực dân Pháp chiếm đóng xã Thái Phúc và xây dựng bốt Cầu Sắt tại thôn Nha Xuyên. Bốt Cầu Sắt kiên cố là một biểu tượng của sự tàn ác, là nơi giặc Pháp kiểm soát phong trào cách mạng của xã. Nhưng quân dân Thái Phúc đã không chịu khuất phục. Họ kiên cường chiến đấu.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nho-ve-nhung-nguoi-me-viet-nam-anh-hung-726668.html