Những người không được đến Sài Gòn

Nắng ấm, trên những vòm cây xanh râm ran tiếng ve, nhắc tháng 4 đã đến. Đâu đó đã nghe bàn tính sẽ 'bốc' vé vô TP. Hồ Chí Minh xem duyệt binh kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Phải. Bây giờ, chỉ bấm điện thoại, rồi đến sân bay Phú Bài, hơn một tiếng đồng hồ sau đã có thể đứng trước Dinh Độc Lập…

 Đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên đoạn đường dưới chân đèo Mụ Giạ

Đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên đoạn đường dưới chân đèo Mụ Giạ

Vậy mà lại có những người không được đến Sài Gòn, nhiều, nhiều lắm, đến nay vẫn chưa có con số chính xác; những con người đó chưa biết đến địa danh TP. Hồ Chí Minh. Họ là những liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên những con đường ra trận, dưới các tầng đất ở Thành cổ Quảng Trị, trên vùng cao A Lưới và ngay tại Đại Nội Huế... Còn những người đã tham dự cuộc chiến trường kỳ của dân tộc hẳn đều nhớ trước hết đến đồng đội chung một chiến hào, một mặt trận…

Riêng tôi, làm sao quên được những đồng đội đã hy sinh tròn 60 năm trước, cũng trong tháng 4 này, trên các “tọa độ lửa” dưới chân đèo Mụ Giạ (tỉnh Quảng Bình) - con đường huyết mạch vượt Trường Sơn duy nhất có thể đưa xe pháo vào mặt trận lúc đó…

Không quân Mỹ biết rõ tầm quan trọng của tuyến chiến lược này, nên sau trận “quyết chiến” liền hai ngày 3 và 4/4 cũng tròn 60 năm trước, hòng đánh sập cầu Hàm Rồng, hàng trăm phản lực Mỹ dồn dập ném bom các cây cầu trên đường lên đèo Mụ Giạ. Trận mở đầu ngày 14/4/1965, mục tiêu là cầu Bãi Dinh. Xin chép lại một đoạn nhật ký từ 60 năm trước:

“… Chiều 14, đang đứng đầu mố cầu, theo dõi công nhân Đội “Thống nhất” đắp đất thì nghe tiếng thét “máy bay!”. Chúng sà thấp “dưới” núi nên không nghe tiếng. Mình vừa nhào xuống đường thì nghe tiếng nổ, đá tung xuống rào rào. Một mảnh bom lớn dài hơn một mét rơi đánh thịch bên cạnh. Tiếp đó, bom và rốc-két nổ liên tiếp, xen với vài tiếng súng trường đì đùng của dân quân…

Liệt sĩ TNXP Đại đội 759 Anh hùng Hoàng Thị Minh Thú

Liệt sĩ TNXP Đại đội 759 Anh hùng Hoàng Thị Minh Thú

Xong trận bom, thấy cầu còn nguyên, mừng quá, nhưng phía lán thì khói bốc lên nghi ngút. Toàn bộ khu lán đã cháy trụi! Một quả bom nổ dưới suối đã làm cô Duy và Dinh bị thương rất nặng. Sang phía đầu cầu, trên tuyến đá, một cô gái bị thương... Chập tối, theo xe chở anh chị em bị thương về xuôi… Hơn 10 anh chị em bị thương nằm chật trên xe, người bê bết máu... Đi chưa được chục km, Duy chết…”.

Chúng tôi đã ngồi sát cạnh một xác chết suốt mấy chục km mà chẳng ai sợ hãi…

3 giờ sáng, tôi lại theo xe chở nhu yếu phẩm lên Bãi Dinh trợ giúp hai đội công nhân bị cháy hết đồ đạc. Đến nơi mới biết thêm hai đồng đội nữa cũng đã chết…

Đây là các đồng đội đầu tiên của tôi hy sinh, nhưng trên con “đường giáp mặt trận” này, cuộc chiến đấu đến sớm hơn; chỉ khác, trận đánh khốc liệt ấy diễn ra bên kia đèo Mụ Giạ, thuộc đất Lào, nên hồi ấy phải tuyệt đối giữ bí mật. Đó là một đêm mưa rét cuối năm 1964, tất cả thanh niên ở công trường vùng Bãi Dinh được huy động lên vùng đồi gần đó giúp một đơn vị bộ đội chôn cất các liệt sĩ vừa hy sinh trong trận chiến ác liệt phía bên kia đèo Mụ Giạ. Lần đầu tôi giáp mặt với cái chết, có rất nhiều liệt sĩ được gói trong bao ni lông... Đây cũng là lần đầu tôi biết đến sự hy sinh của các chiến sĩ không phải bao giờ cũng được tuyên dương trong cờ hoa đưa tiễn của người thân, của đồng bào, mà nhiều lúc hết sức thầm lặng. Cả đến mấy ngày sau - ngày 18/11/1964 - người anh hùng liệt sĩ nổi tiếng Nguyễn Viết Xuân cũng hy sinh bên kia đèo Mụ Giạ, cũng đưa về an táng trên triền đồi gần Bãi Dinh này, vẫn phải che giấu, mãi về sau mới công bố hết sự thật…

Tôi nhắc đến liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân không chỉ vì anh là người anh hùng đầu tiên của bộ đội phòng không Việt Nam trong cuộc trường chinh lần thứ hai với câu khẩu hiệu có tính lịch sử “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”, mà còn do tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân đã phải đương đầu với cuộc không kích dữ dội nhất trên tuyến Trường Sơn. Đó là trận đánh vào vùng cầu Ca Tang - Khe Núng ngày 16/4/1965 – chỉ hai ngày sau trận đầu ở Bãi Dinh. Ca Tang là trọng điểm vượt sông khó khăn nhất trên đường Trường Sơn lúc đó. Chính vì thế, sau trận đánh lịch sử vào cầu Hàm Rồng ngày 3 và 4/4/1965 mà tỉnh Thanh Hóa vừa long trọng kỷ niệm 60 năm chiến thắng, không quân Mỹ tập trung trên 200 lượt phản lực, đánh liên tục suốt ngày 16/4 vào vùng Ca Tang. Lúc đó, lực lượng phòng không của ta còn hạn chế, nên đối đầu với đàn phản lực siêu âm “đông như ruồi” chỉ có một tiểu đoàn pháo 37 ly mang tên Nguyễn Viết Xuân. Các nòng pháo bắn đến đỏ rực, cả đến công nhân cầu đường cũng xông lên tiếp đạn thay cho pháo thủ phải rời trận địa. Không có thông tin bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh. Chỉ biết, đến chập tối, 6 phản lực bị bắn rơi (theo Đài Tiếng nói Việt Nam) trong khi ba nhịp cầu bị đánh sập (Cầu Ca Tang, Khe Núng, La Khê) thì cả mấy ngọn đồi đặt trận địa pháo, tan hoang, vài khẩu pháo còn lại khó khăn lắm mới có đường kéo đi sơ tán...

Tròn 60 năm đã qua, từ các trận chiến mở đầu ác liệt đó. Những đoàn xe pháo và bộ đội vẫn liên tục theo con đường này tiến về phía nam. Vào Quảng Trị, Thừa Thiên, Tây Nguyên hay xa hơn nữa? Bí mật quân sự! Chỉ biết bom đạn dội xuống bất kể ngày đêm và danh sách liệt sĩ cứ mãi nối dài. Vượt qua 10 năm như thế, với không biết bao nhiêu là xương máu đổ xuống trên cả hai miền Nam - Bắc, những chiếc xe tăng “Quân Giải Phóng” mới mở thông đường tiến thẳng vào Dinh Độc lập.

Tháng 4 này, đi giữa TP. Huế ngời ngời cờ đỏ sao vàng, chợt nghe từ một quán cà phê ven đường tiếng hát vút cao “… Ơi em gái tiền phương /Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn!...”. Ca khúc mượn lời thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi viết sau chuyến vào Trường Sơn từ hơn 50 năm trước. Không ai biết được ước vọng của nhà thơ có trở thành hiện thực hay không?... Chỉ biết Nghĩa trang Trường Sơn có hơn một vạn ngôi mộ liệt sĩ và khoảng 20 vạn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt đang nằm rải rác trên các chiến trường; trong đó, có tuyến “Đường giáp mặt trận” mà tôi đã sống và chiến đấu tròn 60 năm trước. Tất cả những người con ưu tú đó của dân tộc đã không có may mắn đến Sài Gòn như lời hẹn của nhà thơ…

Vào những ngày tháng 4 lịch sử này, tôi nhắc lại các trận mở đầu ở hai phía đèo Mụ Giạ từ 60 năm trước không chỉ vì đó là những ký ức không thể nào quên mà còn bởi một chuyện có thể gọi là “linh ứng”. Đúng vào sáng ngày kỷ niệm 50 năm Huế giải phóng, tôi thấy ba cuộc gọi nhỡ. Đoán là có việc gấp, tôi gọi lại, ai ngờ đầu dây là nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mễ. Ông vừa đọc xong tiểu thuyết “Đường giáp mặt trận” mượn ở thư viện. Cuốn tiểu thuyết in lần đầu năm 1976 (đến nay đã tái bản lần thứ 4 và đã được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2012). Cuốn tiểu thuyết đã mượn bối cảnh cuộc chiến đấu quanh vùng cầu Bãi Dinh và Ca Tang 60 năm trước. Và chính trên con đường này, gần 140 năm về trước, những cận vệ phò vua Hàm Nghi đã chiến đấu tới cùng, cho đến khi nhà vua bị phản bội. Cũng thật là kỳ diệu, chính vào những ngày tháng 4 này, công chúng khắp ba miền Tổ quốc như được gặp lại nhà vua yêu nước tại triển lãm tranh của vua Hàm Nghi lần đầu được trưng bày tại Kiến Trung Lâu... Tôi không kịp nhắc lại với anh Mễ mối “liên hệ” kỳ thú này, chỉ biết cảm ơn vị độc giả đặc biệt và “tiết lộ” rằng, nguyên mẫu nhân vật Bí thư Đảng trong tiểu thuyết là bác Lê Đình Mỹ, từng là Huyện ủy viên Huyện ủy Hương Thủy từ thời chống Pháp…

Bác Mỹ không có may mắn được trở về Huế, chứ nói chi Sài Gòn xa ngái. Tuy vậy, bác cũng như các cô gái và chiến sĩ Trường Sơn không đến được Sài Gòn, nhưng họ vẫn sống mãi trong ký ức nhiều thế hệ và trong những trang sách viết về cuộc chiến trường kỳ thần thánh của dân tộc…

Nguyễn Khắc Phê

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhung-nguoi-khong-duoc-den-sai-gon-153107.html