Nhớ vị anh hùng Nguyễn Trung Trực

Một người bạn ở Rạch Giá (Kiên Giang) trong lần lễ hội anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực năm qua có rủ tôi về quê anh chơi. Rất tiếc vì lý do bệnh mới hết tôi không thể đi được dù rất muốn, đành hẹn lại dịp khác. Năm nay, giỗ ông đã gần đến, bạn nhắc lại lời mời cũ. Tôi đã đi Rạch Giá nhiều lần nhưng chưa từng đến ngay dịp lễ hội của một nhân vật lịch sử được mọi người, đặc biệt người dân Kiên Giang rất kính mến.

Ông Nguyễn Trung Trực gốc người tỉnh Bình Định, sau gia đình vô sinh sống ở phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Ông từng chỉ huy nghĩa quân đốt tàu L’Espérance của quân Pháp. Ngày 19/9/1868, ông sa vào tay giặc. Chúng chiêu dụ đầu hàng nhưng không đạt được mục đích. Ông bị xử chém tại chợ Rạch Giá ngày 27/10/1868 (nhằm ngày 12/9 năm Mậu Thìn).

Từ ngày ông mất, nhân dân miền Tây lập nơi thờ phụng kín đáo ông ở nhiều nơi. Tấm lòng của người dân đối với sự hy sinh của người anh hùng luôn bất tử. Ở Rạch Giá, ngôi đình thờ ông sau này được xây dựng rất khang trang. Lần nào đi Kiên Giang tôi cũng đến viếng. Ban quản trị đình có tổ chức nhiều hoạt động rất hữu ích cho xã hội, nơi đây còn là một địa chỉ từ thiện có tiếng ở địa phương.

Buổi chiều tôi dạo chơi ở trung tâm thành phố Rạch Giá, đến công viên Nguyễn Trung Trực ở đường Phạm Hồng Thái có bức tượng của ông. Nhiều người đã tới đây đốt cho ông một nén nhang với tất cả lòng thành kính. Tôi thật xúc động trước tấm lòng của người dân với một vị anh hùng dân tộc.

Một người địa phương từng nhắc lại với tôi sự kiện đáng lưu ý. Bằng mưu kế độc, giặc đã bắt mẹ ông để kêu gọi ông ra đầu hàng. Vì chữ hiếu ông đã liều thân ra cứu mẹ. Một con người trung hiếu như vậy đã làm lay động biết bao lòng người. Ông được nhân dân yêu thương và kính mến một phần cũng vì yếu tố đó. Tinh thần “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần” như câu đối viếng của chí sĩ Huỳnh Mẫn Đạt thật hào hùng trong trang sử của dân tộc.

Tôi vẫn còn nhớ ngày còn thơ học tiểu học, thầy tôi trong giờ dạy sử giảng rất hay về các anh hùng dân tộc. Câu chuyện về người anh hùng chài lưới thầy giảng thật sống động. Giọng thầy chùng xuống khi tới đoạn ông ra nộp mình để cứu mẹ. Lúc ấy, tuổi của lứa học trò còn nhỏ dại, nhưng kỳ lạ bài giảng của thầy vẫn còn trong trí nhớ suốt những tháng năm dài.

Có không ít người thắc mắc, ông mất ngày 12/9 (âm lịch) nhưng từ trước đến nay có nơi người ta làm giỗ không đúng ngày, có khi trước hoặc sau ngày mất. Lý giải điều này, một vị trong ban quản trị đình thần cho biết, lúc ông bị hành quyết đâu ai dám thờ công khai, việc cúng giỗ cũng vậy phải làm ngày khác để họ khỏi chú ý. Tuy vậy, bà con nhân dân không chú tâm nhiều lắm đến việc này, ngày tháng có xê dịch chút cũng không ảnh hưởng gì lớn, việc tưởng nhớ cốt ở tấm lòng.

Ngày nay, Rạch Giá là một thành phố sầm uất, phát triển mạnh mẽ nằm trong tốp đầu ở miền Tây. Du khách đến đây không khỏi ngỡ ngàng khi đi dạo trong khu lấn biển Phú Cường. Thật thú vị bên bờ biển có một khu đô thị mới mọc lên thật đẹp mang lại diện mạo mới cho thành phố Rạch Giá. Tôi đi giữa trời đất bao la và lòng rộn ràng khi nghe văng vẳng đâu ca khúc rất quen thuộc với người dân nơi đây: “Chiều xuống đứng bên cầu nghe sóng biển/ Nắng thu vàng chiếu rạng bến bờ/ Kiên Giang mình đẹp làm sao…”.

TUẤN BA

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/nho-vi-anh-hung-nguyen-trung-truc-59243.html