Nhớ vị tết xưa
Trong 'Thương nhớ mười hai', nhà văn Vũ Bằng miêu tả tết xưa rất sinh động: 'Đất thì lầy lội, người thì đông, chen chúc xô đẩy ồn ào, mình mệt đứt hơi mà cứ phải đi theo xách làn mây lẽo đẽo, lắm lúc muốn thở hắt ra đi về. Nhưng nghĩ thế mà thôi, chứ chợ tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi, để xem thiên hạ mua bán, để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, để đi xem... chợ tết'.
Những ngày cuối năm yên bình, dường như ai cũng muốn “chạy trốn” nhịp sống xô bồ nơi phố thị để trở về với gia đình, thu mình vào một góc nhỏ để cùng người thân gói bánh chưng xanh. Phố thị nhộn nhịp, đâu đâu cũng cờ hoa rực rỡ, lòng ta lại bồi hồi nhớ vị tết xưa.
Dư vị xưa cũ đó, chỉ cần nhắm mắt lại tôi có thể hình dung rõ mồn một, đủ đầy từng giác quan, nghe tiếng pháo râm ran, ngửi mùi hương trầm thơm nức, nếm vị bánh mứt đậm đà ngon biết bao nhiêu và được ngắm những điều rực rỡ mà chỉ có chợ tết quê mang lại. Đêm giao thừa, lũ trẻ chúng tôi lại hí hửng chạy quanh nồi bánh đang nghi ngút khói để canh lửa phụ giúp ba mẹ, quây quần bên bộ bài tam cúc, ngáp lấy ngáp để nhưng vẫn chờ bằng được khoảnh khắc giao thừa. Bánh chín, ba mẹ tôi cắt ra đĩa rồi xếp ngăn nắp lên bàn thờ tổ tiên cùng với trà nước thành kính khấn vái cầu mong cho gia đình hòa thuận, khỏe mạnh và công việc thuận lợi, hanh thông. Thời khắc giao thừa thiêng liêng ấy, cả gia đình quây quần nghe ba kể chuyện, đọc thơ, những bài thơ khai bút cho một năm suôn sẻ, rồi ba mẹ lì xì cho các con với những lời gửi gắm mà ngày thường ít khi nói được.
Hồi đó, chỉ tới ngày tết chúng tôi mới được mua quần áo mới, dép mới, nên bao nhiêu sự háo hức, chờ đợi cả một năm đều trông chờ vào tết. Mặc tấm áo vừa vặn mẹ mua, chúng tôi chạy quanh khắp xóm làng, đợi được các cô, các bác khen lấy khen để, trong lòng vui sướng vô cùng. Thời đó còn nghèo, cái bánh, cái kẹo là ao ước của những đứa trẻ. Mỗi lần qua nhà hàng xóm chúc tết, đứa nào cũng nhét đầy túi quần những cái kẹo xanh, đỏ, những phong bao lì xì không nhiều nhưng mang giá trị hết sức lớn lao, đó là những lời chúc tốt đẹp nhất mà ông bà, ba mẹ gửi gắm cho con, cháu trong gia đình.
Dư vị tết xưa đẹp lắm, là những ngày phố xá ngập tràn sắc màu truyền thống, mảnh ghép văn hóa rất riêng của tết Việt. Tết xưa luôn níu chân người ta lâu hơn ngoài phố, náo nức nhưng lắng đọng thật lâu trong ký ức mỗi người. Khi mà niềm vui ngày tết là tiếng pháo giòn vang khắp phố, khi mà cả thôn nhỏ kéo về, mỗi người chen vai trong phiên chợ cuối năm. Giờ đây, ngày thường cũng đông như tết, cái gì cũng đủ đầy như tết. Bánh mứt trẻ con không buồn ăn, bóng bay nhiều màu sắc sặc sỡ, quần áo mua hằng ngày, những viên kẹo kén chọn mới ăn. Xã hội phát triển kéo theo sự mai một của những điều xưa cũ. Những gì gọi là tết xưa chỉ còn là ký ức trong sự nuối tiếc khôn nguôi mỗi khi xuân về. Chuyện bánh tét, bánh chưng, dưa kiệu, củ hành… không còn nguyên vẹn ý nghĩa như tết xưa. Nếu cần, phụ nữ ra chợ hoặc siêu thị là có ngay mọi thứ, không cần tốn công, tốn sức, cầu kỳ để thi thố tài nữ công gia chánh như xưa nữa.
Tết này đủ đầy thật tốt, nhưng trong tôi vẫn nôn nao nhớ vị tết xưa. Mùi hương trầm nhà ai ngập tràn con ngõ nhỏ, bay trong gió, tôi hít căng lồng ngực cái hương thơm dịu ngọt ấy như thấy vị tết xưa đang len lỏi trong mình!
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/153639/nho-vi-tet-xua