Nhọc nhằn bước qua lằn ranh sinh tử
Gần 2 năm sau đại dịch, kinh tế vẫn đang hứng chịu nhiều tác động xấu. Cộng đồng doanh nghiệp phải vật lộn với các vướng mắc về thị trường, vốn và pháp lý. Chèo lái con thuyền kinh tế 2024 vượt sóng gió như thế nào, làm gì để ứng phó, giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn... là những thách thức không hề nhỏ.
Năm 2024 đi được quá nửa chặng đường nhưng kinh tế tăng trưởng chậm, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều trở ngại. Nhiều năm sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, để sinh tồn, nhiều doanh nghiệp phải ngậm ngùi chịu mất mát để vượt qua lằn ranh sinh tử, đại phẫu tự cứu mình.
Năm 2020, sau khi cùng nhóm bạn 5 người thành công trong lập một doanh nghiệp, chàng trai tên N (xin phép viết tắt) cùng với cả nhóm đã mang theo khát vọng vươn lên, quyết định lập một doanh nghiệp trong lĩnh vực siêu thị, dịch vụ tại một tỉnh phía Bắc gần Hà Nội. 5-6 điểm siêu thị cùng lúc đã được doanh nghiệp mở ra, tất cả họ đều gieo hi vọng cách làm việc bài bản này sẽ mang về trái ngọt.
Đại dịch COVID-19 ập đến, ban đầu, cả nhóm đều nghĩ đơn giản, rồi dịch sẽ qua nhanh, nhưng tác động xấu cứ ngấm và thấm mãi, sau hơn 2 năm cầm cự, doanh nghiệp không trụ lại được nữa, vì vô số vấn đề phát sinh trong quản trị, trong tư duy khách hàng và rủi ro, doanh nghiệp của nhóm 5 anh em này lâm tình thế nguy ngập. (Hàng không bán được vì giãn cách xã hội, cửa hàng vắng hoe, hàng hỏng, thối giập bỏ đi mỗi tuần cả trăm triệu, kết nối với cơ sở, cũng không dễ bởi tư duy mua sắm chợ quê...). Doanh nghiệp hoạt động được hơn 2 năm, DN phá sản. Cả món tiền lớn mấy chục tỷ gom góp được lại tiêu tán, N bảo: “Nhóm em bị sốc nặng, thậm chí phải thừa nhận đau đớn: Kinh doanh không phải toàn màu hồng như tính toán và lập kế hoạch ban đầu”.
Bất động sản là một trong những ngành kinh doanh gặp nhiều rủi ro, bấp bênh nhất khi nền kinh tế rơi vào vòng xoáy tăng trưởng thấp. Dưới tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt và chủ trương kiểm soát chặt chẽ thị trường trái phiếu trước những biểu hiện lũng đoạn, “hầu bao” tín dụng và trái phiếu không còn rộng mở, niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm, thậm chí “quay lưng” dè chừng với bất động sản. Từ nửa cuối năm 2022, hàng loạt dự án bị ách tắc dòng tiền do vướng mắc pháp lý, thị trường không ghi nhận nguồn cung mới, sức mua và thanh khoản giảm mạnh. Không ít doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh.
Những người như N chịu hậu quả trong đại dịch không khó tìm. Anh H. vốn là một ông chủ từ làng nghề Đồng Kỵ đang phất lên nhờ đầu tư hàng chục tỷ cho nhà xưởng, mua gỗ về chế tác tượng xuất khẩu sang Trung Quốc. Làm ăn phát đạt nhưng một thời gian sau anh H lâm cảnh phá sản. Mọi sự đều do dịch COVID - 19, giãn cách, thị trường xuất khẩu thu hẹp, doanh nghiệp xoay xở không kịp, hàng không bán được. Chuyển sang thị trường trong nước thì giá hàng hóa gần như không còn lãi mà cũng không bán được là bao. Thế là từ người có tất cả, H bị ngân hàng siết nợ trở thành tay trắng. “Sau cú đó, em bị sốc nặng chị ạ. Từ chủ của gần 3 chục nhân viên, có nhà xưởng, nay em phải đi lái xe kiếm sống. Cũng có thời gian em nghĩ quẩn lắm, sau đó mới bình tâm lại. Giờ chỉ mong kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi vợ con thôi”.
Tự đại phẫu
Kể từ giữa năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản gần như bị “trói tay chân” bởi nguồn vốn trên thị trường bị bóp nghẹt. Hơn 500 ngàn tỷ trái phiếu bất động sản đè lên nhiều tập đoàn, không ít công ty lâm vào cảnh khó khăn, bần cùng, thậm chí mất khả năng thanh khoản, không thể duy trì hoạt động. “Tái cấu trúc hay tự chết” là câu hỏi thường trực. Một số đã bị bỏ lại phía sau (hay chính xác là giải phá sản, co cụm lại), số khác đã vận dụng nội lực để cải tổ, thay đổi và bước đầu đạt được những thành quả nhất định. Ít ai biết nhiều rằng, doanh nghiệp đã vượt qua lằn ranh sinh tử trong giai đoạn khủng hoảng về dòng tiền, pháp lý, thanh khoản trong 2 năm qua. Với lĩnh vực bất động sản có cả những doanh nghiệp đã tái cơ cấu, thậm chí là “đại phẫu”.
Công ty Bất động sản Phát Đạt là ví dụ điển hình. Trước nhiều khó khăn, đến lúc doanh nghiệp phải xử lý món nợ trái phiếu đã trót phát hành để mở rộng dự án trước đó với số tiền lên tới 2.500 tỷ đồng. Để tái cấu trúc tài chính, Công ty Phát Đạt vận dụng nhiều giải pháp như tái cơ cấu danh mục đầu tư, đẩy mạnh thu hồi nợ, phát hành cổ phiếu riêng lẻ và thoái vốn ở một số doanh nghiệp; đàm phán để tiếp cận các nguồn huy động vốn cho nhu cầu tái phát triển.
Trong các năm 2022 và 2023, Công ty Bất động sản Phát Đạt phải “cắt thịt” bán công ty con - Công ty Địa ốc Sài Gòn - KL (chủ đầu tư dự án Astral City Bình Dương) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI). Lợi nhuận từ bán 2 công ty lần lượt là 1.895 tỷ đồng và 415 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp bù đắp các khoản nợ, từ đó vực dậy hoạt động, vượt qua nhiều quý liên tiếp, doanh thu cả một tập đoàn lớn chỉ đạt vỏn vẹn vài chục tỷ đồng.
Chia sẻ, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Phát Đạt cho biết: “Trải qua khủng hoảng, tôi thấy dòng tiền là máu. Công ty tập trung nhiều thứ nhưng dòng tiền phải được ưu tiên. Công ty tập trung bán hàng, pháp lý, xây dựng để biến nội lực thành dòng tiền, không cho phép bất cứ khủng hoảng nào có thể tiếp tục xảy ra”.
Tập đoàn Novaland là doanh nghiệp “ngấm và thấm” hơn ai hết khi từng trải qua cơn khủng hoảng về nợ vay và nợ trái phiếu. Năm 2022, Novaland có gần 213.000 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm gần 83% tổng nguồn vốn. Dư nợ trái phiếu vượt hơn 44.000 tỷ đồng, chiếm 68% tổng nợ vay của doanh nghiệp. “Vũng lầy” nợ nần cùng với những đại dự án bị trì hoãn về pháp lý kéo dài từ TPHCM đến Đồng Nai, Bình Thuận khiến nhiều người mua cạn kiệt niềm tin về ngày mà Novaland có thể tự đứng lên.
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland từng vài lần có tâm thư gửi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cả các ông chủ nhà băng để tha thiết xin hoãn, giãn nợ. Vay nợ nhiều, mở rộng nhiều dự án, nên ngay khi ngân hàng cắt nguồn vốn, Novaland đứng trước nguy ngập. “Trong những giờ phút cam go đó, không chỉ lo xoay xở, vật lộn, chúng tôi còn phải đứng trước những quyết định đau đớn phải tự “cắt thịt” mình. Ngoài cắt giảm nhân sự lên tới cả chục ngàn người, Novaland còn chật vật đi tìm khách hàng, xoay đủ cách để bán đi một phần những gì đang có để trả nợ”, vị đại gia này nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc có nhiều dự án ở Hà Nội nhớ lại: “Thời kỳ căng thẳng nhất, tôi không dám về nhà đối diện với vợ con. Hằng ngày, tôi đến công ty là được nghe những khoản nợ nhân viên báo cáo lên. Trong khi đó, các dự án đều gặp khó khăn về pháp lý chưa thể ra hàng được ngay. Lúc đó, tôi chỉ muốn bỏ đi thật xa nhưng nghĩ đến các nhân viên đang cùng tôi vượt khó nên tìm đủ mọi cách xin khất nợ với khách hàng. Cân đối lại dự án để bán cho các đối tác”.
Rút khỏi cuộc chơi
Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) mà vô số các lĩnh vực sản xuất khác như dệt may, xi măng, sắt thép cũng chịu hậu quả. Không thể tiếp tục gồng mình, có doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp rút khỏi cuộc chơi. Cty CP Garmex Sài Gòn, doanh nghiệp dệt may lâu đời tại TPHCM là một ví dụ. Tháng 5/2023, công ty này phải cắt giảm hầu hết lao động tại các khối, phòng ban, nhà máy và tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại. Đơn hàng xuất khẩu không có, chỉ còn các đơn nhỏ lẻ gia công trong nước để duy trì sản xuất dẫn đến doanh thu không đủ bù đắp được chi phí. Tính đến cuối năm 2023, doanh nghiệp này còn 35 người, trong khi trước đó có thời điểm hơn 4.000 nhân viên.
Cung cấp thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh tới Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), bà Nguyễn Minh Hằng, Tổng Giám đốc Garmex Sài Gòn thừa nhận: “Công ty đang tạm ngưng sản xuất, gồm may trang phục và túi vải, do chưa nhận được đơn hàng”.
Trong lĩnh vực du lịch. Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Hanoi Tourism cũng chia sẻ, sau khi đại dịch đi qua, đa phần doanh nghiệp kỳ vọng vào sự hồi phục toàn diện của nền kinh tế nói chung và của ngành du lịch nói riêng. Tuy nhiên, sự hồi phục này gần như không đáng kể so với những thách thức và nguy cơ mới phát sinh. Dù đang là mùa cao điểm du lịch trong năm nhưng các doanh nghiệp gần như “nằm im”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Huy, Khoa Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, nhiều doanh nghiệp có tham vọng lớn nhưng năng lực tài chính, quản trị kém, khả năng gặp khủng hoảng là rất cao. Trong khi đó, nếu biết tính toán, lường trước các rủi ro thì doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn để thành công.
(Còn tiếp)
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhoc-nhan-buoc-qua-lan-ranh-sinh-tu-post1653798.tpo