Nhọc nhằn cứu hộ cây xanh mùa mưa, bão
Mưa, bão kèm theo gió giật mạnh, một số cây xanh bị gãy, bật gốc ảnh hưởng đến an toàn của người dân. Những lúc đó, lực lượng cứu hộ cây xanh đã xử lý kịp thời. Đây cũng là thời điểm nhọc nhằn nhất của những người làm công việc cứu hộ cây xanh.
Đợt bão số 1 vừa qua, cơn mưa đêm kéo dài kèm gió mạnh đã làm một cây xanh trên đường Lâm Quang Ky, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) bị bật gốc ngã chắn ngang đường, gốc to, thân cây khá lớn. Khoảng 23 giờ đêm, nhận được cuộc gọi báo cây xanh ngã, anh Nguyễn Văn Hiểu, quản lý Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng Môi trường xanh (TP. Rạch Giá) cùng 10 công nhân với các thiết bị cần thiết như máy cắt, cưa máy, cưa tay, xe cẩu, dây thừng… đã đến nơi.
Mặc dù trời đang mưa nhưng các công nhân vẫn khẩn trương xử lý cho kịp trước khi trời sáng, để cây không làm cản trở giao thông, trả lại tuyến đường thông suốt cho người dân đi lại thuận tiện.
Anh Hiểu cho biết: “Trung bình mỗi cây gãy đổ, bật gốc sẽ mất khoảng 2 giờ để xử lý, dọn dẹp. Những cây lớn thì thời gian lâu hơn. Cứ có điện thoại báo cây ngã là chúng tôi tranh thủ xử lý ngay, bất kể là ngày hay đêm. Rất may là lần này cây lớn ngã vào ban đêm và không có người dân đi trên đường, không bị vướng vào hệ thống dây điện”.
Phụ trách chăm sóc cây xanh trong các công viên tại TP. Rạch Giá, đội dịch vụ cây xanh Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Kiên Giang ngày thường chăm sóc, cắt tỉa cây xanh. Những ngày mưa dầm, đường ngập sâu kèm gió mạnh, một số cây xanh trong các công viên tại TP. Rạch Giá ngã dù trước đó đã được chằng, chống. 2 xe thang 12m chuyên dụng, cẩu, cưa máy, cưa tay… cùng lực lượng hơn 10 người luôn sẵn sàng có mặt tại những điểm cây gãy, ngã làm cản trở việc đi lại của người dân.
Chị Nguyễn Thị Xuân Đào - đội phó đội dịch vụ cây xanh Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Kiên Giang cho hay: “Phải ưu tiên xử lý trước những cây ngã ở những vị trí làm cản trở việc đi lại của người dân, rồi mới đến xử lý những cây ngã ở các công viên vắng người hơn. Đợt mưa, bão vừa rồi có các cây xanh ngã trên đường Trần Hưng Đạo, đường Tôn Đức Thắng, Trần Quang Khải (TP. Rạch Giá)… May mắn khi cây ngã ngay lúc trời đang mưa dông, gió giật mạnh nên ít người qua lại. Tuy nhiên, trời vừa bớt mưa là tổ cơ động lập tức đến ngay vị trí cây ngã để xử lý”.
“Không kể ngày nghỉ, cứ có cây ngã là phải đi, tranh thủ ăn bánh mì cầm hơi, chạy đua với thời gian. Những ngày mưa dầm, tôi phải tiếp làm cùng các anh em trong tổ cơ động để xử lý cho nhanh. Nguy hiểm nhất là khi cắt những nhánh cây bị gãy một phần ở trên cao. Dù đứng an toàn trên thùng xe cẩu đã được nâng lên cao, nhưng khi đang làm, gió giật làm cho cẩu đung đưa thì tôi cũng hơi run”, anh Đỗ Anh Vũ - lái xe của tổ cơ động đội dịch vụ cây xanh Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Kiên Giang chia sẻ.
Kinh nghiệm của anh Vũ là quan sát kỹ trước khi tiến hành xử lý. Đặc biệt cẩn thận với những nhánh cây vướng vào đường dây điện, chia cắt các nhánh cây ra khỏi dây điện rồi mới xử lý đến thân cây. Không chỉ vậy, công nhân làm ở trên cao còn phải quan sát có tổ ong hay không, nếu có thì phải xử lý tổ ong xong rồi mới cắt cành.
Những người làm công việc cứu hộ cây xanh mùa mưa bão rất vất vả, họ phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với gió, mưa, kèm nguy cơ cây gãy, ngã. Việc cứu hộ cây xanh trong mùa mưa, bão không chỉ giúp duy trì vẻ đẹp cảnh quan đô thị mà còn trả lại không gian thông thoáng cho các phương tiện lưu thông và sự an toàn cho người dân.
Bài và ảnh: KIỀU DIỄM