Nhọc nhằn đi đòi tiền chủ hụi

Việc người dân tổ chức hụi (họ, bêu, phường...) nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ nhau về vốn trong cuộc sống được pháp luật bảo vệ, xã hội ghi nhận.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) giải đáp thắc mắc cho người dân xã Núi Tượng (H.Tân Phú) về tranh chấp hụi tại một buổi tuyên truyền pháp luật. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) giải đáp thắc mắc cho người dân xã Núi Tượng (H.Tân Phú) về tranh chấp hụi tại một buổi tuyên truyền pháp luật. Ảnh: Đ.Phú

Điều cần cảnh báo đối với người tổ chức và tham gia hụi là phải đăng ký đúng quy định, không được lợi dụng việc chơi hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo, chiếm dụng vốn của người khác.

* Chủ hụi “trời ơi”

Mới đây, một số người dân ở P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) làm đơn gửi ngành chức năng tố cáo bà K.L. (ngụ cùng địa phương) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo phản ảnh của những người chơi hụi này, họ đã bị bà L. “quỵt” mỗi người từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng khi tham gia các dây hụi do bà L. tổ chức từ năm 2021-2022.

“Lãi suất trong hụi có lãi do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lãnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi, nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi. Nếu vượt quá mức lãi suất trên thì phần lãi suất vượt quá bị vô hiệu” - luật sư NGUYỄN ĐỨC (Hội Luật gia tỉnh) cho biết.

Bà N.N.T. (ngụ P.Thống Nhất) cho biết, bà tham gia 3 dây hụi do bà L. làm chủ hụi. Dây hụi thứ nhất, bà T. tham gia 4 phần, mỗi phần 5 triệu đồng/tháng, thời gian chơi 16 tháng. Dây hụi thứ 2, bà tham gia 3 phần, mỗi phần 2 triệu đồng/tháng, thời gian chơi 12 tháng. Dây hụi thứ 3, bà tham gia 3 phần 2 triệu đồng/tháng, thời gian chơi là 12 tháng. Do cần tiền, tháng 1-2022, bà T. hốt một trong 4 phần hụi của dây hụi 5 triệu đồng/tháng và chỉ được bà L. trả nhiều lần với số tiền 24 triệu đồng, còn thiếu 60 triệu đồng. Đến nay, tổng số tiền hụi bà L. còn thiếu bà T. là hơn 203 triệu đồng.

Bà T. và những người chơi hụi không khỏi lo lắng khi được cơ quan chức năng hồi đáp, việc tranh chấp chơi hụi giữa các bên không có dấu hiệu tội phạm theo đơn thư tố giác, đó chỉ là tranh chấp dân sự, các bên cần khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi.

Bà T. cho hay, bà L. không chỉ “quỵt” hụi của bà và nhiều người khác mà còn thách thức, đe dọa những người chơi hụi khi đến đòi lại tiền. Do đó, mọi người rất bức xúc nhưng không biết cách nào lấy lại tiền khi vướng vào những chủ hụi “trời ơi” như bà L..

* Khởi kiện ra tòa án

Trao đổi về vấn đề nêu trên, luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) hướng dẫn, do đơn thụ lý tố giác tội phạm của những người chơi hụi được cơ quan có thẩm quyền (công an, viện kiểm sát) tiếp nhận và trả lời đó chỉ là tranh chấp dân sự, không có dấu hiệu tội phạm nên có 2 hướng giải quyết: thứ nhất, có đơn yêu cầu UBND phường nơi bà L. sinh sống, tổ chức dây hụi hòa giải; thứ hai, khởi kiện vụ việc tranh chấp ra tòa án để giải quyết.

“Người chơi hụi phải bình tĩnh xử lý vấn đề cho đúng quy định pháp luật thì mới được pháp luật bảo vệ. Mọi người không vì quá bức xúc mà có hành vi cưỡng đoạt tài sản của chủ hụi để trừ nợ hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe chủ hụi” - luật sư Cao Sơn Hà lưu ý.

Cũng theo luật sư Cao Sơn Hà, Nghị định 19/2019/NĐ-CP ngày 19-2-2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường có quy định, việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi. Không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đồng thời, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức từ 2 dây hụi trở lên.

Căn cứ vào quy định hiện hành, luật sư Cao Sơn Hà hướng dẫn thêm, mặc dù việc tranh chấp hụi giữa chủ hụi L. và các bên là dân sự, không phải là hình sự nhưng chính quyền địa phương cũng có thẩm quyền xử phạt hoặc đề xuất cấp trên xử phạt hành chính nếu xét thấy chủ hụi L. tổ chức chơi hụi vi phạm Điều 16 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12- 2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình.

Cụ thể: phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi không lập sổ hụi; không giao các phần hụi cho thành viên lãnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi. Phạt từ 5-10 triệu đồng đối hành vi không thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; không thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức từ 2 dây hụi trở lên. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật...

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202302/nhoc-nhan-di-doi-tien-chu-hui-3156229/