Nhọc nhằn đường về quê nhà

Trong mấy ngày qua, mỗi ngày có hàng nghìn người từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam tiếp tục rồng rắn bằng xe máy về khu vực Tây Nguyên, miền Trung.

Một đoàn xe với khoảng 300 người tại cầu 110 chờ qua tỉnh Gia Lai Ảnh: Đình Văn

Tại chốt kiểm soát dốc Cai Chanh (xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông), giáp Bình Phước, trung úy Nguyễn Văn Quỳnh (đội CSGT Công an huyện Đắk R’lấp) cho biết, mưa liên tiếp, song mỗi ngày vẫn có khoảng 2.000 người đi xe máy qua đây về quê.

Trung úy Quỳnh nói đa số người về là công nhân, lao động nghèo, thất nghiệp, buộc phải tìm đường về quê. Theo anh Quỳnh, ngày 26/7, một phụ nữ trong khi đi xe máy qua huyện Bù Đăng (Bình Phước) bị ngã gãy chân. Người này được lực lượng y tế ở chốt Cai Chanh sơ cứu, sau đó chuyển xuống bệnh viện huyện Đắk R’lấp điều trị.

Một thành viên của chốt kiểm dịch COVID-19 ở cầu 110 (xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai) nói đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh éo le. “Một thanh niên 20 tuổi (trú huyện Chư Pưh, Gia Lai) cùng người cậu chạy xe máy về quê, bị tai nạn ở huyện Ea Hleo (Đắk Lắk). Nguyên nhân là do quá mệt, buồn ngủ nên ngã. CSGT phải điều xe chở vào bệnh viện điều trị. “Vết rách ở đầu, nguy cơ rạn nứt hộp sọ rất cao”, một CSGT nói.

Anh A Su (SN 1999, người dân tộc thiểu số, trú huyện Sa Thầy, Kon Tum) chở vợ là Y Thơm (SN 2000) địu con gái 18 tháng tuổi, đã chạy một mạch 15 giờ bằng xe máy từ Bình Dương về tới Gia Lai lúc 8h ngày 27/7. Hai mắt đỏ hoe, dính đầy bụi đất, anh nói phải chạy xuyên đêm. Trước đó, anh Su vào Bình Dương làm công nhân giày dép, lương tháng 7 triệu đồng. Vợ ở phòng trọ chăm con. Nhà máy đóng cửa 3 tháng nay, anh tìm việc khác nhưng không được, tiền hết. “Mình có nghe thông tin tỉnh sẽ điều xe khách chở người dân vùng dịch về. Ngồi chờ hơn 2 tuần không thấy ai thông báo, hai vợ chồng không còn gì ăn nữa, quyết định chạy xe về”, anh A Su ngậm ngùi.

Anh Phạm Văn Quốc (SN 1999, quê Thừa Thiên Huế) cũng chở theo một người bạn trên chiếc xe máy Future cà tàng từ TP.HCM về quê. Quốc làm công nhân may mặc, nhà máy bị phong tỏa vì COVID-19, 2 tháng chưa được trả lương, thất nghiệp. Với nỗi lo sợ COVID-19, Quốc và bạn chạy xe máy về quê. “Chỉ có về quê mới tiếp tục sống qua ngày được. Tụi em đi liên tục, ban đêm ngủ ngoài đường”, Quốc nói. Hỏi sao không chờ xe của tỉnh nhà vào đón, Quốc nói, mình thanh niên, khó đến lượt, dịch COVID-19 lây lan dữ quá, buộc phải “tháo chạy”.

Tỉnh muốn đón nhưng khó khăn đủ bề

Sau khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam công bố lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, một số tỉnh Tây Nguyên đã họp bàn, lên phương án đón người dân có nhu cầu về quê tránh dịch. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có Gia Lai đón được 192 người dân về bằng máy bay trong kế hoạch đón 1.000 người của tỉnh này. Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng đến chiều 28/7 vẫn chưa thể chốt được phương án cụ thể đón người dân.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Công Tự, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông nói người dân tỉnh này vào Nam chủ yếu lao động tự do, không có hội đồng hương ở các tỉnh, thành phố lớn nên rất khó tập hợp, rà soát.

Theo ông Tự, hiện sở đã đề nghị UBND tỉnh gửi văn bản yêu cầu các huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng con, em đang sinh sống, làm việc ở TP.HCM và các tỉnh có dịch có nhu cầu về để lên phương án đón nhưng chưa có báo cáo. “Bình Dương có văn bản động viên công nhân, người lao động các khu công nghiệp ở yên tại chỗ để họ kiểm soát, ngăn chặn dịch. Còn TP.HCM là đầu tàu kinh tế, họ đang lo dập dịch chưa xong nên chưa thể kết nối, Đồng Nai cũng vậy”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông nói. Ông Tự cho biết, đã có 1.900 người Đắk Nông tự đi xe máy về quê.

Bà H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh này cho biết, đến nay ở TP.HCM có 700 người, Đồng Nai trên 500 người đăng ký về Đắk Lắk tránh dịch. Do Đồng Nai có nhiều công nhân khó khăn hơn, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số đang bị thất nghiệp nên theo bà H’Yim, sau cuộc họp chiều 27/7, tỉnh ưu tiên đón 200 người ở Đồng Nai, 300 người ở TP.HCM, nâng tổng số đón là 500 người theo kế hoạch ban đầu đã đề ra. Sau đó, tỉnh sẽ tính tiếp phương án đón những người dân còn lại.

TUẤN NGUYỄN - ĐÌNH VĂN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhoc-nhan-duong-ve-que-nha-post1360637.tpo