Nhọc nhằn mưu sinh từ rác
Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình có hơn 10 nữ công nhân làm việc với đủ loại rác 8 tiếng mỗi ngày. Còn ở bên ngoài nhà máy, trên những 'núi rác', cũng có nhiều người dân làm việc cật lực, gom các phế thải để mang đi bán. Điểm chung giữa họ là đều làm việc trong môi trường độc hại.
“Sống” cùng rác
Tại Nhà máy xử lý chất thải rắn lớn nhất tỉnh Ninh Bình, dù xuân hay hè, thu hay đông, ngày nắng hay ngày mưa thì có một thứ mùi “đặc trưng” luôn tồn tại được tạo ra trong quá trình hoạt động xuyên suốt gần 10 năm của nhà máy. Lần đầu tiên vào đây, thứ mùi này đã khiến chúng tôi ngộp thở trong thung lũng rộng lớn ở phường Đông Sơn, TP Tam Điệp.
Phần việc mà một công nhân phải làm trong nhà máy là họ phải phân loại và tiếp xúc hàng chục tấn rác trong 8h mỗi ngày. Ở đây, rác thải được tiếp nhận và xử lý bằng 2 phương pháp, phân loại rác để sản xuất phân vi sinh và chôn lấp. Khu sản xuất phân vi sinh có số lượng nhân sự khá lớn với hơn 10 công nhân, trong đó đa phần là phụ nữ.
Chị P.T.C. (một nữ công nhân tại nhà máy) cho biết: Sau khi rác thải khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh được tập kết về đây, máy xúc sẽ đổ rác lên băng chuyền, sau đó các nữ công nhân sẽ đứng 2 bên để phân loại.
“Mục đích nhằm tái sử dụng lại rác thải sinh hoạt, giảm thiểu chôn lấp. Mặc dù khối lượng công việc không quá lớn nhưng mức độ độc hại phát ra từ mùi hôi và chất thải dính trong rác thì tiềm ẩn rất nhiều nguy hại đối với sức khỏe” chị C chia sẻ và cho biết, ban đầu, khi mới đến làm, mọi người đều không ngửi nổi mùi rác, có người mới làm được vài tiếng đã nôn mửa, ói ngay tại chỗ và xin nghỉ việc. Đối với những người ở lại, sau khoảng thời gian dài “chịu đựng”, cơ thể dần thích nghi, công việc cũng quen dần nên có người làm ở đây tới nay là đã gần 10 năm.
Còn với chị Đ.T.L. (một công nhân đã 5 năm làm việc tại nhà máy) ngoài vấn đề thu nhập, thì phải rất yêu nghề chị mới có thể nỗ lực làm cho tới nay được. “Trước kia, cũng từng nghĩ mình không làm được vì mỗi ngày tiếp xúc đến hàng nghìn loại rác với đủ thứ mùi… khiến bản thân bị say, suốt ngày nôn ói làm cơ thể suy nhược đi rất nhiều. Nhưng rồi cứ cố gắng cho đến nay, thấm thoát cũng gần 5 năm rồi. Đôi lúc, chị em cứ trêu nhau rằng, hôm nào không được ngửi mùi rác là lại thấy khó chịu trong người”- chị L. cười nói.
Kiếm tiền từ rác
Ở bên trong nhà máy là như vậy, còn ở bên ngoài, bãi rác lộ thiên được chất cao như núi với mùi hôi nồng nặc. Dù trông khá “ớn” nhưng hàng ngày, vẫn có những con người lầm lũi nhặt rác để mưu sinh qua ngày.
Bà Phạm Thị Thu Hà (trú phường Đông Sơn, TP Tam Điệp), là một trong những người có thâm niên nhặt rác gần 7 năm tại đây cho biết: Với độ tuổi đã ngoài 40, khi các công ty không còn mặn mà trong việc tuyển dụng lao động thì nghề nhặt rác là một lựa chọn khả dĩ.
“Thật sự, ai cũng muốn có một công việc tốt nhưng khi nhìn lại mình, đã luống tuổi rồi nên không còn ai nhận nữa. Cuộc đời vẫn phải sống, bản thân còn con cái vẫn phải lo nên việc gì kiếm được tiền mình vẫn phải làm thôi. Cho dù nhặt rác là cái nghề bị nhiều người coi thường nhưng mỗi ngày nếu cố gắng tôi cũng có thể gom nhặt, bán được từ 300 - 500 nghìn đồng. Đối với người dân ở quê, đó đã là số tiền rất lớn rồi”- bà Hà chia sẻ.
Ông Lã Phú Dũng - Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình cho biết: Đơn vị đi vào hoạt động năm 2014, mỗi năm tiếp nhận và xử lý khoảng 125.000 tấn rác, trong đó, số rác được xử lý bằng cách phân loại sản xuất phân vi sinh là 12.000 tấn. Hiện nay, công nhân trong nhà máy đa phần là phụ nữ, người trẻ nhất hơn 20 tuổi, còn người già nhất, ngoài 40 tuổi. Đa phần họ đều là lao động phổ thông, xin vào đây làm vì gần nhà, tiện đi lại, chăm sóc gia đình.
“Đối với những công nhân làm trong nhà máy, chúng tôi thấu hiểu những vất vả trong công việc của chị em nên luôn tạo điều kiện để sau khi phân loại rác, những đồ phế thải có thể được gom để chị em tùy ý lựa chọn mang bán. Còn với bà con nhặt rác, họ đa phần là những hộ dân sống ngoài bãi rác, trước kia họ đã nhường đất canh tác, đất sản xuất để xây dựng nhà máy. Vì vậy, từ trước đến nay, nhà máy không thu bất kỳ một chi phí gì, nếu bà con có nhu cầu thì cứ vào nhặt, chỉ cần đảm bảo an toàn cho bản thân khi hành nghề tại đây là được”- ông Dũng chia sẻ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhoc-nhan-muu-sinh-tu-rac-5742538.html