Nhọc nhằn nghề muối và mong ước của diêm dân ( Bài 1): Bấp bênh nghề muối
Bao đời nay diêm dân ở nhiều xã miền biển Hậu Lộc, Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) đã gắn bó với nghề làm muối truyền thống đầy nhọc nhằn, 'sáng cấy, chiều gặt', càng nắng càng phải lao ra đồng muối. Những tưởng cứ vất vả, yêu nghề thì sẽ mang lại trái ngọt, nhưng với diêm dân thời gian gần đây 'đời muối' của họ càng trở nên mặn đắng hơn bởi giá cả bấp bênh, số người gắn bó với nghề ngày càng giảm.
Mặn hơn cả muối
Những ngày này Thanh Hóa đang bước vào thời điểm nắng nóng gay gắt. Với nhiều người, tìm nơi tránh nắng là giải pháp giảm nhiệt trong ngày hè, nhưng với những diêm dân, nắng càng gắt thì càng phải lao ra đồng, hối hả làm nên những hạt muối trắng tinh khiết.
Bao đời nay diêm dân nhiều xã miền biển của xứ Thanh đã gắn bó với nghề mà ông cha để lại. Ảnh: Hoàng Đông
Chúng tôi về xã Hòa Lộc, là 1 trong 2 xã của huyện Hậu Lộc có nghề làm muối lâu năm. Hòa Lộc có 2 cánh đồng muối là Trương Xá và Nam Tiến với hơn 400 hộ gắn bó với nghề làm.
Trên cánh đồng muối Trương Xá, nắng trải dài, vàng ruộm, hàng chục diêm dân đang hối hả làm việc mặc cho sức nóng dưới mặt đất bốc lên oi nồng.
Ông Lê Văn Thuần, 66 tuổi ở thôn Tam Hòa 2, xã Hòa Lộc cho biết: Nghề này vất vả lắm, càng nắng càng phải làm. Nghề “sáng cấy, chiều gặt”, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà không hết vất vả. Hiện nay chỉ còn người già, trung tuổi gắn bó với nghề muối, còn thanh niên trong thôn chủ yếu đi làm công nhân ở các công ty. Nghề muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết, muối làm quanh năm nhưng thường tập trung cao điểm sản xuất trong mùa nắng. Bởi vậy, tranh thủ những ngày nắng nóng cực điểm, mọi người vẫn lao ra đồng để làm muối.
Với người dân nơi đây, họ chẳng bao giờ thử đo nhiệt độ cánh đồng muối, chỉ biết rằng mồ hôi càng đổ xuống, nắng càng rát mặt thì càng thu hoạch được nhiều. Trung bình mỗi ngày, một người có thể làm ra được 1 tạ muối, với giá bán tại ruộng muối là 1.400 đồng/1kg. Nghề muối cũng là nghề thu nhập chính cho nhiều người, tuy nhiên nghề làm muối một năm chỉ làm được khoảng 5 tháng mùa nắng, giá lại lên xuống theo thời vụ khiến đời sống diêm dân luôn bấp bênh.
Ông Đào Văn Sử (75 tuổi), thôn Tam Hòa 1, xã Hòa Lộc gắn bó với nghề làm muối từ khi còn thiếu niên. Ông cho biết, nghề làm muối vất vả nhưng là nghề ông cha truyền lại nên khó bỏ.
Vừa chang nước vào ruộng muối, đưa tay quệt những giọt mồ hôi lăn trên trán, ông Đào Văn Sử (75 tuổi) ở thôn Tam Hòa 1, xã Hòa Lộc cho biết, ông gắn bó với nghề làm muối từ khi 13-14 tuổi, nghề muối vất vả nhưng đây là nghề chính nuôi sống gia đình, nuôi các con ăn học, trưởng thành cũng là nghề ông cha truyền lại nên dù vất vả nhưng khó bỏ. Hiện nay gia đình còn hai ông bà già gắn bó nghề, chỉ mong giá muối cao hơn để bù lại sự vất vả, nhọc nhằn của người làm muối.
Vì sao diêm dân không mặn mà với nghề?
Chia tay cánh đồng muối Trương Xá, dưới ánh nắng chiều liêu xiêu, theo chân anh Lê Văn Kiên, Phó Giám đốc Hợp tác xã muối Tam Hòa, chúng tôi đến thăm cánh đồng muối Nam Tiến.
Bác Đỗ Thị Hoa, thôn Tam Hòa 1, xã Hòa Lộc đang thoăn thoắt dùng bàn cào để xới muối tại các ô muối cho kịp vận chuyển muối vào kho. Muối được vun lên từng đống, lấp lánh dưới ánh nắng chiều, những giọt mồ hôi tuôn rơi trên khuôn mặt.
Bác Hoa cho biết, nghề làm muối vất vả lắm, nhưng không làm muối thì biết làm gì bởi cả đời bác đã gắn bó với nghề. Với việc giá cả hiện nay thì “chỉ lấy công làm lãi”, tranh thủ nhất vào những tháng hè để muối cho sản lượng cao nhất. Vất vả lắm nhưng bà con mong muốn giá muối cao hơn, Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ bà con làm muối để giữ nghề.
Trên cánh đồng muối Nam Tiến, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc), một số ô muối cỏ mọc um ùm do không có người làm, số còn lại diêm dân vẫn cần mẫn làm nên hạt muối tinh khiết. Ảnh: Ngọc Huấn
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng muối, anh Lê Văn Kiên, Phó Giám đốc Hợp tác xã muối Tam Hòa chia sẻ, bà con ở Hòa Lộc chủ yếu sản xuất muối thô bằng phương pháp phơi cát, cung cấp muối cho các công ty, chế biến nước mắm trên địa bàn huyện Hậu Lộc và các vùng Nga Sơn, Hoằng Hóa, các tỉnh ngoài như Hưng Yên, Hà Nam…
Những năm qua, giá muối thấp nên đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn, hầu hết các hộ làm muối đều ở mức trung bình. Do nguồn vốn lưu động của hợp tác xã thấp nên không thể đứng ra thu mua cho hộ dân mà chỉ có vai trò cầu nối, liên kết với công ty, thương lái đến thu mua tại kho cho bà con; hàng năm thực hiện dịch vụ thủy lợi phí.
Thương lái đến thu mua muối tại cánh đồng muối Nam Tiến với giá 1.400 đồng/kg. Những năm qua giá cả bấp bênh, muối làm ra chủ yếu tự tiêu thụ nên người dân không còn mặn mà với nghề. Ảnh: Ngọc Huấn
Hiện nay Hòa Lộc có 400 hộ theo nghề diêm dân, trong đó hợp tác xã có hơn 100 thành viên, diện tích đất sản xuất muối chỉ còn 41,64ha. Số hộ làm muối ngày càng giảm dần, nguyên nhân là do thời tiết mưa nhiều, bà con không sản xuất được muối, giá vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất muối tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm muối gặp khó khăn, giá muối ngày càng giảm. Từ những khó khăn đó dẫn đến các thành viên, người lao động không chú ý đến đồng ruộng, tài sản thiết bị không được đầu tư. Nhiều hộ đã chuyển sang nghề dịch vụ, kinh doanh, tham gia làm việc ở các công ty trong và ngoài huyện. Hầu hết những người còn gắn bó với nghề hiện nay là người già, phụ nữ, những lao động phụ trở thành lao động chính. Nếu như năm 2016 tổng sản lượng muối của HTX Tam Hòa đạt 4.249 tấn, thì đến năm 2020 chỉ còn 2.724 tấn.
Đem câu chuyện giá muối thấp và vấn đề bao tiêu sản phẩm cho diêm dân trao đổi với ông Nguyễn Tác Lư, Giám đốc Công ty Cổ phần Visaco (Khu CN Lê Môn, TP Thanh Hóa) - một trong các doanh nghiệp chế biến muối trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ông Lư cho biết Thanh Hóa có 3 vùng muối là Hậu Lộc, Tĩnh Gia (thị xã Nghi Sơn) và Quảng Xương.
Cách đây khoảng 15 năm, Quảng Xương đã chuyển toàn bộ diện tích muối sang nuôi trồng thủy sản, chỉ còn lại các huyện Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn còn đồng muối nhưng diện tích ngày càng thu hẹp. Những năm qua, công ty liên kết với các hợp tác xã muối Tam Hòa, Hải Lộc (Hậu Lộc) tiêu thụ muối cho nông dân. Tuy nhiên, chất lượng muối ngày càng giảm, cơ sở hạ tầng đồng muối xuống cấp, không được tu bổ, cải tạo. Cùng với đó, giá muối mặt bằng chung của cả nước không cao, năm 2021 so với 20 năm về trước giá muối tương đương nhau nên đầu tư, thu nhập không cân đối, dẫn đến chất lượng muối càng kém nên nhiều người chuyển đi làm công việc khác ở các doanh nghiệp, cánh đồng muối chỉ còn người già gắn bó, canh tác dẫn đến năng suất thấp, thu nhập thấp.
“Công ty luôn sẵn sàng bao tiêu sản phẩm, giá mua cao hơn vì chúng tôi đã gắn bó với diêm dân hàng chục năm nay, nhưng với điều kiện chất lượng sản phẩm phải được như công ty mong muốn. Trước đây muối sạch đẹp ở Thanh Hóa đem xuất khẩu nhưng bây giờ thì chịu. Thanh Hóa không còn đồng muối, diện tích thu hẹp, không có đầu tư, năng suất thấp, chất lượng thấp. Lâu nay công ty cũng thu mua nhưng nay chỉ còn 1/10 so với trước kia. Hiện tại, muối của công ty chủ yếu được nhập từ các tỉnh phía Nam và nhập khẩu Ấn Độ, Úc… nếu không khai thác vùng khác thì nhà máy đóng cửa, công ty dừng hoạt động”, ông Lư nói.
Giá cả bấp bênh, cơ sở vật chất không được đầu tư, diện tích đồng muối đang dần thu hẹp, người dân không còn mặn mà với nghề… đó không chỉ là vấn đề riêng của xã Hòa Lộc mà còn là thực trạng ở các địa phương có nghề làm muối như Hải Lộc (Hậu Lộc) hay Hải Châu (thị xã Nghi Sơn).
(Còn tiếp...)