Nhọc nhằn nghề 'phơi nắng'

Dưới cái nắng chói chang của tháng năm, cháy bỏng da thịt, trong khi nhiều người tìm đủ mọi cách để tránh nóng thì những người lao động làm nghề phơi quế thuê ở vùng cao Bình Liêu (Quảng Ninh) lại mong nắng kéo dài mãi, bởi với họ, có nắng đồng nghĩa với có nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình; Những người chọn nghề phơi quế ở vùng cao Bình Liêu vẫn thường nói đùa với nhau rằng đây là nghề 'phơi nắng' ra tiền.

NDĐT - Dưới cái nắng chói chang của tháng năm, cháy bỏng da thịt, trong khi nhiều người tìm đủ mọi cách để tránh nóng thì những người lao động làm nghề phơi quế thuê ở vùng cao Bình Liêu (Quảng Ninh) lại mong nắng kéo dài mãi, bởi với họ, có nắng đồng nghĩa với có nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình; Những người chọn nghề phơi quế ở vùng cao Bình Liêu vẫn thường nói đùa với nhau rằng đây là nghề “phơi nắng” ra tiền.

Từ bao đời nay, cây quế trên địa bàn huyện Bình Liêu đã trở nên quen thuộc, không chỉ giúp phủ xanh đất trống, đồi núi trọc mà còn là cây chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao, từng bước giúp người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, để đưa ra thị trường, đến tay người tiêu dùng những sản phẩm quế vừa đẹp về mẫu mã lại đảm bảo chất lượng, thì đằng sau đó là cả một câu chuyện dài thẫm đẫm biết bao mồ hôi, công sức của những con người ngày ngày miệt mài “đội nắng” trên vai để làm nghề phơi quế; Chính họ là những người góp công sức để những sản phẩm vỏ quế được khô đều và bảo đảm đủ thời gian phơi để vỏ quế để được lâu và giữ được mùi thơm truyền thống.

Ngay từ năm giờ sáng, các chị em trong thôn Chang Nà đã í ới gọi nhau đi làm. Tiếng gọi nhau râm ran của các chị em làm cả một góc rừng Đông Bắc cũng bừng thức giấc. Theo chân chị Hiền, một người có kinh nghiệm phơi quế thuê khá nhiều năm tại các bến bãi ở cửa khẩu Hoành Mô, chúng tôi có mặt tại khu vực đất trống ngay đằng sau nhà văn hóa thôn Cửa khẩu, xã Hoành Mô. Được biết nơi đây thường xuyên có gần 100 người hằng ngày làm công việc bốc vác, vận chuyển, phơi và cạo vỏ quế thuê.

Chỉ mới tám giờ sáng, mà ánh nắng đã khá gay gắt như đang giữa trưa. Ai nấy đều cảm nhận được cảm giác rát da mặt, da tay bởi sức nóng cùng mùi cay nóng của quế cộng thêm cái nắng như đổ lửa khiến cho không khí càng thêm ngột ngạt. Mặc cho cái nắng như thiêu đốt, mọi người vẫn tập trung cao độ vào từng công việc, người nào, người nấy tay, chân thoăn thoắt phân chia quế ra từng loại: loại thanh nhỏ chưa cạo vỏ, loại cạo vỏ được cắt thành từng đoạn ngắn, loại quế vụn…. Chúng tôi để ý có những chị trang bị nón, mũ, bịt khẩu trang rất kĩ để làm bớt đi cái nắng, nhưng phần lớn đàn ông cứ phơi mặt, phơi lưng ra giữa trời, thậm chí có những người da đen bóng nhẫy vì cháy nắng, đôi tay chai sần, chắc khỏe, mặt lấm lem mồ hôi, đầu trần vẫn miệt mài tay cào, tay xúc, bê từng bó quế to di chuyển liên tục giữa các sân phơi nóng ran, bất chấp cái nắng cháy da, cháy thịt đang chiếu vào người.

Lau vội những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, chị Trần Thị Hiền ở Thôn Chang Nà, xã Tình Húc chia sẻ: “Do không có bằng cấp, không có công việc ổn định, nên tôi chọn nghề này. Mỗi ngày làm từ tám đến mười tiếng, vất vả cả ngày dưới cái nắng như thiêu như đốt tôi kiếm được khoảng 250 nghìn đồng, với số tiền này cũng đủ để trang trải cho cuộc sống hằng ngày của gia đình. Chúng tôi vẫn thường gọi vui với nhau rằng chúng tôi đi làm nghề “phơi nắng”, vì trời càng nắng thì càng phơi được nhiều quế, mà phơi càng nhiều quế thì càng có nhiều tiền. Chúng tôi chỉ mong trời đừng mưa, vì ngày nào mưa là ngày đó không có thu nhập”.

Do nghề phơi quế là nghề sợ mưa ưa nắng nên tất cả các lao động làm thuê ở đây bắt buộc phải làm ngoài trời nắng, nắng càng to thì quế phơi càng đạt chất lượng. Nếu chẳng may có những ngày trời mưa giông bất chợt, họ lại phải dồn sức vào làm, khuân vác gấp đôi. Dẫu gian nan, vất vả là vậy nhưng nếu không bám trụ để làm thì không có nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình.

Chị Hoàng Thị Trình, thôn Chang Nà, xã Tình Húc tâm sự: “Tôi làm nghề này đã được năm năm nay, tôi thấy đây là một nghề rất vất vả. Có những ngày làm việc đến 12 giờ mới được nghỉ để ăn cơm. Thậm chí có những hôm, vừa cầm được bát cơm lên, chưa kịp ăn thì trời đổ mưa, tất cả chúng tôi lại phải bỏ hết chạy ra sân thu gom quế vào để che đậy. Quế khi phơi thường rất nóng, nhiều người không chịu nổi vị cay, nóng của quế đã bỏ về, nhiều người cố gắng bám thì nổi mụn khắp người, khắp mặt và bị ốm”. Chị Trình cho biết thêm, dẫu vất vả là vậy, nhưng do gia đình có ít ruộng để cấy, lại không có đất trồng rừng nên chỉ biết bỏ công, gắng sức làm để các cháu được học hành đàng hoàng, sau này có công việc ổn định, không phải đi làm thuê vất vả như bố mẹ.

Đã thành thông lệ, từ tháng ba đến tháng năm hàng năm là mùa khai thác quế của các hộ gia đình trên địa bàn huyện Bình Liêu. Do đó, thời gian này các cơ sở thu mua quế cần thuê nhiều lao động nhất. Dẫu công việc vất vả, nhưng thu nhập khá mà cũng trong khoảng thời gian này, nhiều người dân sau khi cấy xong, là khoảng thời gian nông nhàn, nên họ chọn nghề phơi quế để trang trải cuộc sống gia đình. Nhiều công nhân ngoài việc phơi quế thuê, họ còn nhận thêm việc chấm công và trong coi quế về đêm.

Nghề phơi quế thuê có mặt trên địa bàn huyện Bình Liêu từ nhiều năm nay và xuất hiện chủ yếu ở các xã Húc Động, Tình Húc, Vô Ngại, Đồng Văn, Hoành Mô. Nghề này không yêu cầu kỹ thuật cầu kỳ, “dụng cụ” lao động chính là sức khỏe và đôi bàn tay và nghề phơi quế đã góp phần giúp các gia đình khó khăn trên địa bàn huyện có có hội vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.

Lau vội những giọt mồ hôi trên má, chị Trình vẫn nở nụ cười rạng rỡ, ánh lên niềm tin và nói với chúng tôi rằng họ luôn mong muốn dù có vất vả, khó khăn đến đâu nhưng không bao giờ từ bỏ nghề “phơi nắng” bởi vì đây cũng chính là cuộc sống mưu sinh mà những người dân vùng cao nơi đây đã chọn.

QUANG THỌ - LÀNH GÁI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/40930502-nhoc-nhan-nghe-%E2%80%9Cphoi-nang%E2%80%9D.html