Nhọc nhằn những phụ nữ rời quê đi làm trang trại
Rất nhiều phụ nữ từ các miền quê đã lên huyện ngoại thành Gia Lâm, Hà Nội để thuê đất làm trang trại, cuộc sống ở vùng bãi sông Đuống còn nhiều gian nan vất vả, nhưng vì mưu sinh họ vẫn phải chấp nhận, để tạo dựng một cuộc sống tương lai tốt hơn cho con cái và gia đình.
Rời quê vì thiếu đất canh tác
Chúng tôi ghé thăm mô hình trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Hà, ở dốc Lời, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, trong căn lều nhỏ, chưa đến 20m2, là nơi cư trú của 2 vợ chồng chị. Hàng ngày, anh chị tất bật với công việc trên diện tích gần một ha, trồng các loại cây như cam, bưởi, chuối, rau xanh và chăn nuôi thêm cả ngan, gà, vịt.
Chị Hà chia sẻ: “Do ở quê ít ruộng, nên vợ chồng tôi lên đây thuê đất canh tác, tuy cuộc sống ở khu vực khuất nẻo này còn nhiều khó khăn vất vả, chỗ ở bé nhỏ, thiếu thốn đủ thứ. Nhưng cũng may là kéo được đường điện ra, nên cũng đỡ buồn và tiện nghi hơn xưa kia. Lên đây thuê được diện tích đất lớn hơn, nên canh tác cũng đỡ, đủ việc làm và cũng tăng thêm thu nhập khá hơn so với ở dưới quê”.
Kế bên cạnh nhà chị Hà, là khu trang trại nhà chị Tâm. Chị Tâm cũng là người ở Hưng Yên, vợ chồng chị đã có thâm niên cả chục năm canh tác trồng trọt ở khu vực này. Với gần gần 1 ha đất bãi, gia đình chị Tâm trồng đủ loại, từ rau củ quả, đến ổi, chuối, cam. Mỗi năm gia đình chị có nguồn thu lên tới hàng trăm triệu đồng.
Chị Tâm cho hay: "Chấp nhận đi làm trang trại xa quê là vất vả rồi, nhưng vì mưu sinh thì phải chấp nhận hết. Lúc chăm sóc cây cối hoa màu đã vất vả rồi. Nhưng đến lúc thu hoạch còn vất vả hơn, nếu thị trường thuận lợi thì còn đỡ, vụ nào mà mất giá thì oải lắm. Có lúc ổi chỉ 5 nghìn đồng/kg. Bỏ thì tiếc, mà vặt đi bán thì chả đủ tiền công. Nên làm nông nghiệp nhiều gian nan lắm".
Cả xóm bãi này có hơn chục cặp vợ chồng quê ở Hưng Yên, Bắc Ninh, lên thuê đất làm trang trại, cùng cảnh xa quê nên họ cũng rất đoàn kết.
Anh Hoàng Văn Toán, quê ở Hưng Yên, chia sẻ: "Các gia đình ở đây cũng đùm bọc, hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất, nhà nào bận thì lại xúm vào giúp đỡ lẫn nhau theo kiểu đổi công nên cũng rất đoàn kết. Vào những ngày lễ như mùng 8/3, 20/10, anh em cũng tổ chức ăn uống để động viên cho chị em, nên cũng khá vui vẻ".
Góp phần tạo việc làm cho phụ nữ người thiểu số vùng cao
Với những mô hình trang trại theo kiểu "mùa nào cây nấy", gồm cả cây ngắn ngày lẫn dài ngày, để duy trì nguồn thu bền vững. Nên lượng công việc khá là nhiều. Cũng nhờ đó, mà các trang trại đã tạo thêm việc làm cho những người ở các tỉnh vùng cao.
Nhà chị Hà thường xuyên thuê từ 3 -4 người lao động là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi về làm việc, với mức thu nhập dao động từ 200-250 nghìn đồng/người/ngày.
Chị Lù Thị Chá, người dân tộc Mông ở huyện Yên Minh, Hà Giang, chia sẻ: "Ở quê ít việc nên tôi đi về đây xin việc làm để kiếm thêm tiền nuôi con. Làm công việc ở đây lương không cao quá, nhưng mình thấy quen công việc này hơn, vì nó cũng giống như mình làm ruộng nương ở quê".
Chị Vàng Thị Chư, ở xã Xín Cái, Mèo Vạc, Hà Giang, cho hay: "Tôi làm việc cho nhà chị Hà nhiều rồi, mỗi năm làm vài tháng. Khi bào chị Hà cần người thì gọi điện thoại cho mình xuống, mỗi lần làm vài tháng, cần thêm người thì mình lại tìm người xuống làm ở đây. Cứ làm đến lúc về thì chị Hà trả tiền một lần, nên mình thấy thuận lợi hơn. Ngày phụ nữ 8/3, thì cũng được thưởng thêm tiền ".
Những người phụ nữ phải rời xa quê đi làm kinh tế trang trại vì thiếu đất sản xuất. Họ phải vượt qua nhiều gian nan vất vả. Nhưng trong công cuộc mưu sinh, họ cũng góp phần tạo ra việc làm và thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở vùng cao, đó là những giá trị đẹp, thể hiện tinh thần tương trợ nhau cùng phát triển vô cùng ý nghĩa.