Nhọc nhằn ở bản Vui
Chưa có nhà văn hóa, công trình nước sinh hoạt tập trung xuống cấp, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, giao thông đi lại không thuận lợi do bị chia cắt bởi dòng sông Mã... là điều dễ nhận thấy ở bản Vui, xã Phú Xuân (Quan Hóa).
“Lụy đò”
Chỉ cách trung tâm xã Phú Xuân chừng 8km, nhưng phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới có mặt ở bản Vui - 1 trong 4 thôn, bản đặc biệt khó khăn của xã vùng cao này. Không ngoa khi nói rằng, nơi đây được ví như “ốc đảo” thu nhỏ, gần như tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Bởi, người dân muốn ra trung tâm xã làm việc, xin giấy tờ, giao thương, buôn bán, xây dựng, con trẻ đi học chỉ có một con đường duy nhất là đi qua đò vượt sông Mã. Chưa hết, con đường dẫn vào bản cũng gập ghềnh, chông gai với nhiều đoạn đường đất, dốc cao, qua nhiều con suối nhỏ, mỗi khi mùa mưa xuống, phương tiện không đi lại được vì đường sình lầy, trơn trượt. Từ xưa đến nay, người dân đều lựa chọn di chuyển bằng đò qua sông. Cuộc sống “lụy đò” đã ảnh hưởng toàn diện đến đời sống người dân. Thế nên, bà con thường sống khép kín, quanh quẩn với mô hình “tự cung, tự cấp”, đói nghèo, lạc hậu cứ thế như một vòng luẩn quẩn bám riết.
Theo Bí thư kiêm trưởng bản Hà Văn Tuấn: Bản Vui là nơi sinh sống của gần 600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mường, hệ thống giao thông bất tiện, cuộc sống mưu sinh của người dân khó khăn trăm bề, thu nhập chính vẫn phụ thuộc vào ít lúa, vầu, sản vật núi rừng như măng, mật ong. Ngoài ra, nuôi thêm gà, ngan, vịt, lợn nhưng chủ yếu là để dùng chứ không bán được do cách trở, cô lập. Còn, nếu tự vận chuyển ra trung tâm xã, huyện thì tiền bán được cũng chẳng bù lại tiền xăng, công sức bỏ ra. Rồi mọi chuyện lớn nhỏ từ ma chay, cưới hỏi, ốm đau, bệnh tật... người dân phải trông chờ vào chiếc đò nhỏ, nên thường rất bị động. Bản có 114 hộ, nhưng còn 37 hộ nghèo.
Đã hơn 4 năm làm nghề lái đò đưa người qua sông đi làm, đi học, bất kể trời mưa hay nắng, mùa hè hay những ngày đông giá rét, với những cơn mưa phùn gió bấc cắt da cắt thịt, ông Hà Văn Inh (xã Phú Xuân) vẫn ngày đêm cần mẫn, miệt mài đưa người dân và học sinh có việc qua sông một cách an toàn. Để phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con, ngoài giờ đưa đò từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, ai có nhu cầu hoặc công việc muốn qua sông ông đều nhiệt tình phục vụ. Có thời điểm giữa đêm cho đến tận sáng sớm, nhận được nhiều cuộc điện thoại cầu cứu của người dân, dù vất vả nhưng ông đều làm công việc bằng cái tâm, lòng nhiệt huyết của mình. Cứ như vậy, đều đặn hàng ngày, ông cũng không nhớ hết đã đưa bao nhiêu lượt thuyền đưa người qua sông.
Gian nan sự học của con trẻ
Ở bản Vui có hai điểm trường lẻ ở bậc mầm non và tiểu học với tổng gần 45 học sinh, đối với các cháu bậc THCS, THPT nếu muốn đến trường phải hàng ngày đi qua sông, vào mùa mưa bão hoặc khi Nhà máy Thủy điện Trung Sơn xả lũ, mực nước sông Mã dâng cao, chảy xiết khiến các cháu gặp vô vàn khó khăn để đến trường. Do cuộc sống khó khăn, một số phụ huynh phải bỏ nhà, bỏ bản làm ăn khắp nơi, con cái phó mặc hết cho ông bà ở nhà chăm sóc nên việc học của con trẻ sa sút, ảnh hưởng đến việc phát triển tâm sinh lý, nguy cơ sa ngã vào các tệ nạn xã hội.
Hơn 10 năm công tác ở điểm trường bản Vui (Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân) hơn ai hết thầy giáo Hà Văn Tùng hiểu rõ về nỗi nhọc nhằn của bà con. Điểm trường có 32 học sinh/5 lớp, dù chỉ cách nhà chừng hơn 10km, thế nhưng thầy cùng đồng nghiệp thường xuyên phải sống xa gia đình. Theo thầy Tùng, vì giao thông cách trở, đi lại bất tiện nên thầy cô phải ở lại nhiều ngày, gặp mưa gió có khi cả tuần mới được về. Vất vả nhất là các em đang theo học ở các trường THCS, THPT, mỗi khi đi học phải dậy từ rất sớm rồi ra đợi bến đò, nhiều lúc đò hư hỏng thì các em phải nghỉ học vì không còn con đường nào khác. Công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục... của địa phương vì thế hết sức nan giải.
Chia sẻ về điều này, ông Cao Hồng Được, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết: Mặc dù hàng năm cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tranh thủ các nguồn lực, thực hiện chế độ, chính sách cho Nhân dân, nhưng do đặc thù địa hình cách trở bởi dòng sông Mã nên về mùa mưa, lũ là nơi này bị cô lập hoàn toàn. Điều này cản trở rất nhiều đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con. Bất cập nhất không chỉ đến từ đi lại, giao thương mà liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt khi các hộ dân có ý định sửa sang, xây dựng nhà phải chờ thời điểm nắng nóng, mưa ít khiến mực nước sông cạn đáy, ô tô gầm cao mới có thể chở vật liệu sang được, còn không cứ phải trông chờ cả vào con đò nhỏ. Chính quyền cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành quan tâm xây dựng cầu treo. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách còn hạn chế, nên ước mơ từ bao đời nay của người dân vẫn còn đang dang dở.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhoc-nhan-o-ban-vui/30590.htm