Nhồi máu cơ tim - bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,5 triệu người chết do bệnh nhồi máu cơ tim. Trong đó, 25% bệnh nhân tử vong trong giai đoạn cấp tính của bệnh.
PGS-TS-BS PHẠM THỌ TUẤN ANH, Chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch lồng ngực Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim (Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh), nhấn mạnh nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh do mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn đột ngột. Khi cơ tim hoàn toàn không được cung cấp máu thì cơ ở vùng cơ tim đó sẽ bị hoại tử, gây triệu chứng đau ngực dữ dội. Tùy theo bao nhiêu cơ tim bị hủy mà bệnh có thể nhẹ hoặc nặng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh nhồi máu cơ tim
Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, xin chuyên gia cho biết dấu hiệu nhận biết một người bị nhồi máu cơ tim?
Thời gian “vàng” để cứu người bệnh nhồi máu cơ tim là trong vòng 2h đồng hồ kể từ khi bệnh nhân khởi phát triệu chứng của bệnh.
- Nhồi máu cơ tim dẫn tới 3 hệ quả chính là: rối loạn nhịp tim (có thể gây đột tử), tổn thương cơ tim, hoạt hóa thần kinh hormone, về lâu dài sẽ dẫn tới suy tim và tử vong. Thi thoảng chúng ta thấy có một cầu thủ đang đá bóng trên sân bỗng gục xuống hoặc một người đang làm việc, đang ngồi bỗng lấy tay ôm ngực trái rồi gục xuống, ngất đi. Đó là dấu hiệu đặc trưng của người bị nhồi máu cơ tim.
Biểu hiện thường gặp nhất là đau thắt ngực trái dữ dội có khi kèm vã mồ hôi, khó thở, không dám vận động nặng vì sẽ làm gia tăng cơn đau, thậm chí ngất lịm đi. Ngoài ra, một số người bệnh khó thở nhẹ hoặc thấy mệt mỏi khi vận động mà không bị đau ngực. Đó là lý do vì sao trong cuộc sống hàng ngày, có những người chỉ mới nói bị mệt trước đó vài giờ đồng hồ nhưng sau đó đột ngột tử vong.
Nguyên nhân nào dẫn tới bệnh nhồi máu cơ tim, thưa ông?
- 90% bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim là do xơ vữa động mạch vành. Mảng xơ vữa tiến triển dần gây hẹp lòng động mạch vành và cuối cùng gây tắc hẳn. Một số ít trường hợp nhồi máu cơ tim do người bệnh gặp tai nạn dẫn đến chấn thương ngực, ảnh hưởng trực tiếp đến các mạch máu lớn trong tim; bất thường động mạch vành bẩm sinh, bệnh hồng cầu, tiểu cầu…
Những yếu tố nguy cơ nào có thể dẫn tới mắc bệnh nhồi máu cơ tim?
- Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh nhồi máu cơ tim có thể liên quan đến một số yếu tố nguy cơ không thể phòng được.
Tuổi cao là yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạch vành. Những người trên 60 tuổi có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn nữ giới. Bệnh mạch vành có thể di truyền được. Nếu gia đình có người bị bệnh tim mạch thì có nguy cơ bị bệnh cao gấp 3-4 lần người trong gia đình không có người mắc bệnh.
Bên cạnh đó, những yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa được gồm: hút thuốc lá, lối sống thụ động, ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh…
Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch vành cao hơn nhiều so với người không hút thuốc. Nồng độ cholesterol cao cũng là nguyên nhân của 56% bệnh thiếu máu cơ tim, gây nên tử vong của khoảng 4,4 triệu người mỗi năm. Người ít vận động, béo phì, ăn nhiều thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, uống nhiều rượu bia, thức uống có ga, bị bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, môi trường ô nhiễm, căng thẳng kéo dài, sang chấn tinh thần… cũng là các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim.
Bệnh nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ hóa
Ông lý giải ra sao khi ngày càng có nhiều người trẻ mắc và tử vong do nhồi máu cơ tim?
- Rất nhiều người trẻ hiện nay có lối sống ít vận động, không thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh béo phì và các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp ngày càng tăng. Thói quen sử dụng thức ăn nhanh, thức ăn đường phố hay uống nhiều rượu bia, nước có ga… cũng là một trong những lý do khiến ngày càng nhiều người trẻ mắc và tử vong vì nhồi máu cơ tim.
Mặt khác, hiện nay người dân dễ tiếp cận với các dịch vụ y tế hơn trước, thăm khám nhiều hơn nên cũng phát hiện nhiều ca bệnh hơn.
Tim được tạo thành từ mô liên kết, tim hoạt động (đập) liên tục nên rất hiếm khi gặp ung thư tim. Phần lớn u ở tim được phát hiện là do các khối u ở các bộ phận khác trong cơ thể di căn đến tim. Phẫu thuật là phương pháp hữu hiệu nhất để loại bỏ khối u ở tim.
Phòng ngừa nhồi máu cơ tim bằng cách nào, thưa ông?
- Ngoài những yếu tố không thể thay đổi được như tuổi, giới tính, di truyền, người dân cần có lối sống lành mạnh. Nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày; ăn những thực phẩm sạch, hạn chế ăn thức ăn chiên, nướng, nhiều dầu mỡ; hạn chế tối đa rượu bia, không hút thuốc lá; bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp, hạn chế tình trạng căng thẳng, mệt mỏi…
Những người xung quanh cần phải làm gì khi bắt gặp người bị nhồi máu cơ tim?
- Việc cần làm ngay là gọi xe cứu thương bằng số điện thoại khẩn cấp 115. Song song đó, nếu người bệnh còn tỉnh, cho họ ở tư thế ngồi hoặc tư thế nào thoải mái nhất với họ. Nếu người bệnh bất tỉnh nhưng còn thở bình thường, đặt họ nằm nghiêng một bên. Nếu người bệnh bất tỉnh, thở bất thường hoặc không còn thở thì lập tức ép tim ngoài lồng ngực và thổi oxy. Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được điều trị kịp thời.
Xin cảm ơn ông!