Nhóm Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro có Chủ tịch mới
Nổi tiếng là người thận trọng, ông Donohoe được cho là người sẽ thích hợp để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Eurogroup.
Bộ trưởng Tài chính Cộng hòa Ireland, ông Paschal Donohoe ngày 9/7 đã được bầu là tân Chủ tịch Eurogroup, nhóm quy tụ Bộ trưởng Tài chính của 19 nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong thời điểm khu vực này đang đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử vì đại dịch Covid-19.
Ông Paschal Donohoe, Bộ trưởng Tài chính Cộng hòa Ireland, được bầu làm Chủ tịch Eurogroup sau khi chiến thắng cả hai vòng bỏ phiếu và đánh bại đối thủ nặng ký là Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, Nadia Calvino, người được cả hai nước Đức và Pháp ủng hộ.
Ông Donohoe sẽ thay ông Mario Centeno, Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha, để giữ chức Chủ tịch Eurogroup trong nhiệm kỳ 2 năm rưỡi. Nổi tiếng là người thận trọng, ông Donohoe được cho là người sẽ thích hợp để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Eurogroup trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang đẩy các nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Theo dự báo được Ủy ban châu Âu đưa ra tuần trước, nền kinh tế khu vực Eurozone có thể sụt giảm đến 8,7% trong năm 2020, trong đó nặng nề nhất là các nước như Italy, Tây Ban Nha và Pháp.
Nhiệm vụ của nhóm Eurogroup vì thế được đánh giá là vô cùng nặng nề. Trong quá khứ, vai trò của Eurogroup đã được thể hiện rất rõ trong đợt khủng hoảng nợ công đầu thập kỷ này, khi nhóm này phải xác lập các cơ chế tài chính mới để cứu các nền kinh tế thành viên sụp đổ.
Phát biểu ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Eurogroup, ông Paschal Donohoe thừa nhận, ông ý thức rõ được nỗi lo lắng của người dân châu Âu: “Khi bắt đầu đảm nhận chức Chủ tịch Eurogroup, tôi ý thức sâu sắc được rằng các công dân châu Âu đang nhìn xem nền kinh tế quốc gia mình và nền kinh tế châu Âu đang ra sao, và họ đang trở nên lo lắng và sợ hãi cho tương lai, cho công việc và thu nhập của mình. Đó là thách thức mà tôi cũng như các thành viên Eurogroup hiểu rất rõ”.
Tuy không phải là một thiết chế chính thức của Liên minh châu Âu, nhưng Eurogroup đóng vai trò rất quan trọng trong việc tham vấn và ra các chính sách về tài chính, ngân sách và thuế của Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, nhóm này cũng được xem nơi thể hiện cán cân quyền lực giữa các nước Bắc Âu vốn coi trọng kỷ luật ngân sách, với nhóm các nước Nam Âu vốn thực thi một chính sách linh hoạt, ưu tiên tăng trưởng./.