Nhóm 'cát tặc' vụ công an đứt lìa chân có thể đối diện nhiều tội danh

Liên quan đến vụ công an bị đứt lìa chân khi truy bắt 'cát tặc', theo luật sư, ngoài việc khai thác cát trái phép, nhóm đối tượng còn có thể đối diện với nhiều tội danh.

Khuya ngày 23/11, Cao Văn Huyền (44 tuổi, ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cùng một người tên Khoa sử dụng ghe gỗ khai thác cát trái phép trên sông Hậu. Bị cảnh sát ra lệnh dừng phương tiện, bắn chỉ thiên nhưng hai đối tượng chống đối, bỏ chạy.

Quá trình bỏ chạy, Huyền lao ghe vào tàu tuần tra khiến 4 cán bộ trên tàu rơi xuống sông. Ba người bám được vào ghe, còn riêng đại úy Trần Hoàng Ngôi (cán bộ Công an huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) bị đứt lìa 2 chân nghi do cuốn vào "chân vịt" của phương tiện vi phạm. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu, đã qua cơn nguy kịch còn 2 nghi phạm đang bị tạm giữ để phục vụ điều tra.

Phương tiện khai thác cát trái phép bị cơ quan công an tạm giữ. Ảnh: CACC

Phương tiện khai thác cát trái phép bị cơ quan công an tạm giữ. Ảnh: CACC

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của các đối tượng Khoa, Huyền trong vụ án là hết sức mạnh động, liều lĩnh và nguy hiểm, thể hiện tính côn đồ, hành vi coi thường pháp luật.

Mặc dù các chiến sĩ công an đã nổ súng chỉ thiên để cảnh báo, buộc các đối tượng chấm dứt hành vi chống người thi hành công vụ, nhưng do tâm lý lo sợ bị pháp luật xử lý nên đã quyết tâm thực hiện hành vi chống đối đến cùng, bằng việc dùng phương tiện ghe "va chạm" vào tàu do các chiến sĩ công an đang điều khiển truy đuổi các đối tượng.

Hậu quả của hành vi này đã làm cho 4 chiến sĩ bị rơi xuống sông, mất khả năng truy đuổi các đối tượng và đặc biệt gây ra hậu quả nghiêm trọng làm đại úy Ngôi bị đứt lìa 2 chân.

Do các đối tượng có hành vi, thủ đoạn cản trở người thi hành công vụ thực hiện kiểm tra, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong việc khai thác cát nên hành vi này của các đối tượng có thể cấu thành Tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 330 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức hình phạt cao nhất có thể lên tới 7 năm tù.

Ngoài ra, căn cứ theo lời khai của những người có mặt tại hiện trường, căn cứ diễn biến hành vi phạm tội và tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật, nhân thân người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng Khoa, Huyền có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội Giết người theo quy định tại điều 123 với mức hình phạt cao nhất có thể là tử hình.

Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất có thể là tù chung thân, bởi thực tế hậu quả vụ án đã xảy ra làm đại úy Ngôi bị đứt lìa 2 chân.

Bên cạnh đó, đối tượng Khoa, Huyền bị lực lượng chức năng phát hiện khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản và việc đại úy Ngôi bị thương tích có liên hệ với nhau, hành vi này của các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo quy định tại điều 227 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với khung hình phạt cao nhất có thể tới 7 năm tù.

Đồng thời, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các hành vi vi phạm pháp luật trọng vụ án, đối tượng Khoa, Huyền có trách nhiệm nghĩa vụ bồi thường toàn bộ các tổn thất về sức khỏe bị xâm phạm trong việc đại úy Ngôi bị thương tích theo quy định tại điều 590 Bộ luật dân sự 2015.

Nếu phương tiện giao thông dùng để truy đuổi các đối tượng bị hỏng hóc, mất công năng sử dụng, các đối tượng này có trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường cho Công an tỉnh Vĩnh Long các thiệt hại do tài sản bị xâm phạm theo quy định tại điều 589 Bộ luật dân sự 2015 khi Công an tỉnh Vĩnh Long có yêu cầu.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhom-cat-tac-vu-cong-an-dut-lia-chan-co-the-doi-dien-nhieu-toi-danh-169231128095618523.htm