Nhóm cổ phiếu công nghệ lại giúp nhà đầu tư chiến thắng
Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Năm (7/12), với chỉ số Nasdaq Composite vượt trội khi cổ phiếu Alphabet và AMD tăng mạnh, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu bảng lương chính thức khu vực tư nhân để tìm manh mối về các hành động tiếp theo của Fed.
Cổ phiếu của Alphabet đã tăng vọt 5,3%, khi các nhà đầu tư đặt kỳ vọng cao vào sự ra mắt của mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất của công ty có tên Gemini. Trong khi AMD tăng tới gần 10%, sau khi ước tính giá trị thị trường tiềm năng cho chip AI xử lý trung tâm dữ liệu của họ có thể đạt 45 tỷ USD trong năm nay.
Các cổ phiếu lớn khác liên quan đến công nghệ cũng tăng, với Nvidia và Meta Platforms tăng hơn 2%, Amazon tăng 1,6% và Apple nhích hơn 1%.
Chỉ số bán dẫn Philadelphia tăng 2,8%, và tính từ đầu năm nay đã tăng 48%, phần lớn được thúc đẩy bởi kỳ vọng vào tương lai của AI.
Về vĩ mô, các báo cáo gần đây như bảng lương tư nhân yếu và cơ hội việc làm đã củng cố kỳ vọng Fed nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm tới.
Các nhà giao dịch dự báo khả năng rất cao Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới và có gần 64% khả năng cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 3/2024, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Báo cáo của Bộ Lao động, dự kiến vào thứ Sáu, dự kiến sẽ cho thấy bảng lương phi nông nghiệp đã tăng 180.000 việc làm vào tháng trước sau khi tăng 150.000 trong tháng 10.
Một số liệu riêng cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở mức 220.000 trong tuần kết thúc vào ngày 2/12, thấp hơn ước tính 222.000 của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò.
Kết thúc phiên 7/12: Chỉ số Dow Jones tăng 62,95 điểm (+0,17%), lên 36.117,38 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 36,25 điểm (+0,80%), lên 4.585,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 193,28 điểm (+1,73%), lên 14.339,99 điểm.
Chứng khoán châu Âu điều chỉnh nhẹ sau những phiên tăng gần đây, trong khi dữ liệu ở Đức làm tăng thêm lo ngại rằng lĩnh vực công nghiệp sẽ tiếp tục kéo lùi nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,27% xuống 468,78 điểm sau khi chạm mức cao nhất trong hơn bốn tháng vào thứ Tư. Trong đó, chỉ số DAX của Đức giảm 0,2% sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại trong phiên trước đó.
"Đây có vẻ như là một phiên bán chốt lời, và chúng ta có thể thấy một chút điều chỉnh do đà tăng quá mức trước đó”, Daniela Hathorn, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.com cho biết.
Dữ liệu mới cho thấy lĩnh vực công nghiệp của Đức đang gặp khó khăn khi sản xuất công nghiệp của nước này bất ngờ giảm trong tháng 10, một ngày sau khi dữ liệu về các đơn đặt hàng công nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này cũng bất ngờ giảm trong cùng tháng.
Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat xác nhận ước tính rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khu vực đồng euro giảm 0,1% trong quý III so với quý trước đó.
Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào quý II năm sau, sớm hơn so với dự báo trước đây, khi nền kinh tế khu vực bước vào một cuộc suy thoái nhẹ.
Kết thúc phiên 7/12: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 1,66 điểm (-0,02%), xuống 7.513,72 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 27,45 điểm (-0,16%), xuống 16.628,99 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 7,47 điểm (-0,10%), xuống 7.428,52 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, sau khi Phố Wall yếu đi trong phiên đêm qua trước khi dữ liệu việc làm quan trọng được công bố sẽ cung cấp manh mối về việc Fed khi nào có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,76% xuống 32.858,31 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,14% xuống 2.359,91 điểm.
Trong bối cảnh thiếu động lực, các nhà đầu tư đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ thị trường nước ngoài và tỷ giá, trong khi chờ đợi công bố báo cáo bảng lương phi nông nghiệp hàng tháng của Mỹ vào thứ Sáu, Maki Sawada, chiến lược gia tại Nomura Securities cho biết.
Các cổ phiếu lớn đều giảm với gã khổng lồ thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron giảm 3,59%, tiếp theo là Uniqlo Fast Retailing, giảm 2,06%. Nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest giảm 4,69%.
Chứng khoán Trung Quốc vẫn chịu ảnh hưởng từ việc Moody's cắt giảm triển vọng tín dụng, làm tăng thêm lo ngại của nhà đầu tư về sự phục hồi yếu kém của nền kinh tế nước này.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,09% xuống 2.966,21 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,24% xuống 3.391,28 điểm.
Moody's đã đưa Hồng Kông, Ma Cao và nhiều vùng của Trung Quốc, cũng như các công ty nhà nước và ngân hàng về cảnh báo hạ cấp vào thứ Tư, Sau một động thái tương tự vào ngày hôm trước trên Đại lục.
Dữ liệu kinh tế chưa cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Trung Quốc xuất khẩu tăng lần đầu tiên trong sáu tháng vào tháng 11, trong khi nhập khẩu bất ngờ giảm sau mức tăng của tháng trước.
Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống gần thấp nhất trong 13 tháng, khi các ngân hàng và công ty bảo hiểm Trung Quốc trượt dốc do Moody's hạ triển vọng đối với một số công ty hàng đầu trong ngành.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,71% xuống 16.345,89 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,85% xuống 5.615,80 điểm.
Cổ phiếu China Life Insurance giảm 1% sau khi Moody's hạ triển vọng xuống tiêu cực để phản ánh rủi ro suy thoái của Trung Quốc. Các cổ phiếu ngân hàng khác như China Merchants Bank giảm 2,6%, ICBC và Ngân hàng Xây dựng giảm gần 1%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, sau bình luận của thống đốc ngân hàng trung ương cho thấy chính sách thắt chặt của họ sẽ kéo dài trong một thời gian.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 2,09 điểm, tương đương 0,09%, xuống 2.403,60 điểm.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Rhee Chang-yong cho biết, khả năng lãi suất sẽ ở mức cao trong thời gian dài hơn và cần phải cải thiện hệ thống tài chính để cung cấp thanh khoản tốt hơn trong các trường hợp bất ngờ.
Kết thúc phiên 7/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 587,59 điểm (-1,76%), xuống 32.858,31 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,73 điểm (-0,09%), xuống 2.966,21 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 117,37 điểm (-0,71%), xuống 16.345,89 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 3,31 điểm (-0,13%), xuống 2.492,07 điểm.
Giá dầu thô đang hướng tới tuần giảm thứ 7 khi duy trì đà lao dốc kể từ khi OPEC+ công bố cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024.
Kết thúc phiên 7/12, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,04 USD/thùng (-0,03%), xuống 69,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,25 USD/thùng (-0,40%), xuống 74,05 USD/thùng.