Nhóm cựu lãnh đạo Tổng Công ty Chè Việt Nam chuẩn bị hầu tòa vì gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Tổng công ty Vinatea được Nhà nước giao quản lý, sử dụng tổng cộng 11 cơ sở nhà đất nhưng quá trình sử dụng, dàn cựu lãnh đạo doanh nghiệp các cá nhân liên quan đã có hành vi trái pháp luật, gây hậu quả thiệt hại hàng chục tỷ đồng ở 3 khu đất.
Dự kiến ngày 14/4, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử 8 bị cáo đều là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Hội đồng xét xử gồm 3 người (gồm 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân); 3 kiểm sát viên của Viện KSND TP Hà Nội và Viện KSND Tối cao được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Trong vụ án, các bị cáo Nguyễn Thiện Toàn (cựu Tổng Giám đốc Vinatea), Đặng Ngọc Cầm (cựu Thành viên Hội đồng thành viên Vinatea), Nguyễn Quốc Khánh (cựu Thành viên Hội đồng thành viên Vinatea), Vũ Ngọc Tự (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatea), Trần Thị Hoa (cựu thành viên Hội đồng thành viên Vinatea), Bành Thương Trí (cựu Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Chè - TNHH MTV tại TPHCM, Công ty Chè Sài Gòn), Đặng Văn Tới (cựu Kế toán trưởng Vinatea) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Riêng bị cáo Trần Hồng Điệp (cựu Kiểm soát viên chuyên trách Vinatea) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Hiện có 14 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.
Ngoài ra, Tòa cũng triệu tập 12 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dự phiên.

Hai bị cáo Đặng Ngọc Cầm và Nguyễn Quốc Khánh.
Gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng
Theo cáo trạng, Vinatea được Nhà nước giao quản lý, sử dụng tổng cộng 11 cơ sở nhà đất. Tuy nhiên, quá trình sử dụng, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc Tổng công ty và các cá nhân liên quan đã có hành vi sai phạm liên quan quản lý, sử dụng 3 khu đất tại Hà Nội; TPHCM và Hải Phòng.
Cụ thể, tại khu nhà đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TPHCM), tháng 6/2006, UBND TPHCM ban hành quyết định cho Công ty Chè Sài Gòn, được tiếp tục sử dụng 446m2, hình thức thuê đất, thời hạn sử dụng đến hết năm 2020.
Sở TN&MT TPHCM (cũ) ký hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho Công ty Chè Sài Gòn.
Theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì sau cổ phần hóa, khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa vẫn là đất thuê trả tiền hàng năm, không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; giao cho doanh nghiệp tiếp tục được thuê đất và đứng tên trên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, khi đang thực hiện cổ phần hóa, các bị cáo Nguyễn Thiện Toàn, Nguyễn Quốc Khánh và Đặng Ngọc Cầm ký nghị quyết HĐQT thống nhất chuyển quyền sử dụng đất trong tương lai từ Công ty Chè Sài Gòn cho Công ty GB-TEA.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Thiện Toàn ký giấy ủy quyền cho Bành Thương Trí (Giám đốc Công ty Chè Sài Gòn, Trưởng Tiểu ban cổ phần hóa Công ty Chè Sài Gòn) ký hợp đồng vay 27,9 tỷ đồng của Công ty GB-TEA để nộp tiền thuê đất 50 năm trả tiền một lần. Cùng với đó, cam kết chuyển quyền sử dụng đất thuê cho Công ty GB-TEA.
Ngày 8/12/2015, các bị cáo Nguyễn Thiện Toàn, Đặng Ngọc Cầm và Nguyễn Quốc Khánh, ký ban hành các nghị quyết HĐQT góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cấn trừ số tiền 27,9 tỷ đồng đã vay của Công ty GB-TEA nêu trên. Đồng thời, bị cáo Toàn ký các hợp đồng, văn bản cho phép Công ty GB-TEA đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trên cơ sở đó, Sở TN&MT TPHCM ký Hợp đồng thuê đất và Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận thay đổi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty GB-TEA và công ty này giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này đến nay.
Theo cáo trạng, toàn bộ việc làm trên được thực hiện sau thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đang trong thời gian cổ phần hóa Tổng công ty Chè. Tuy nhiên, bị cáo không hạch toán bổ sung, không xác định tài sản là QSDĐ thuê 50 năm trả tiền một lần vào giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa. Việc này vi phạm quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP.
Trong vụ án, bị cáo Trần Hồng Điệp, cựu Kiểm soát viên Tổng công ty Vinatea bị đánh giá không kiểm tra tính hợp pháp, trung thực Nghị quyết của HĐTV và quyết định của Tổng Giám đốc trong cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp; không thẩm định báo cáo tài chính…
Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 16 tỷ đồng ở khu đất nêu trên.
Còn hai khu đất, diện tích 1.500m2 trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội) và khu đất 11.635m2 đường Chè Hương (Hải Phòng) cũng bị cơ quan tố tụng xác định, thiệt hại hơn 38,3 tỷ đồng khi cổ phần hóa.
Cơ quan truy tố cho rằng, bị cáo Nguyễn Thiện Toàn (cựu Tổng Giám đốc Vinatea) là chủ mưu, chỉ đạo.