Nhôm Đắk Nông - TKV: Đảm bảo công tác an toàn vệ sinh môi trường cho người lao động
Vừa qua, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong BTV Đảng ủy, các đồng chí trong Ban lãnh đạo điều hành Công ty, lãnh đạo các Phòng, Phân xưởng, các đồng chí làm công tác ATVSV tại các bộ phận sản xuất.
Theo Báo cáo đánh giá tại Hội nghị, Cơ cấu tổ chức của Công ty bao gồm: Ban Giám đốc điều hành Công ty, 11 phòng chuyên môn và 11 Phân xưởng sản xuất, tổng số lao động hiện tại: 1013 người, trong đó: lao động trực tiếp: 834 người; lao động gián tiếp: 179 người; Tổng số lao động nữ: 201 người. Tiền lương bình quân ước đạt 16,2 triệu đồng/người/tháng, đạt 112% so với kế hoạch năm 2024, bằng 115% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm DNA Không xảy ra tai nạn chết người; Không xảy ra sự cố thiết bị, công nghệ và môi trường. Có 01 trường hợp người lao động tại phân xưởng Khí hóa than bị tai nạn giao thông trên đường đến nưi làm việc, được coi là tai nạn lao động.
Để tăng cường công tác ATVSLĐ, trong 6 tháng đầu năm Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV chú trọng ban hành và triển khai nhiều quy định, văn bản chỉ đạo về công tác AT-VSLĐ, Tổ chức khám sức khỏe cho các đối tượng lao động làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm độc hại và phát hiện bệnh nghề nghiệp với số lượng 796 người.
Đã triển khai 2 đợt phun diệt côn trùng ngăn ngừa các dịch, bệnh truyền nhiễm; Tổ chức quan trắc môi trường lao động, Công ty thực hiện chi trả bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho 832 CBCNV làm việc trong điều kiện lao động có yếu tố nguy hiểm độc hại, tổ chức đưa, đón người lao động đi làm theo ca sản xuất.
Phối hợp với các đơn vị có chức năng tổ chức các lớp huấn luyện AT-VSLĐ định kỳ cho người lao động. Bổ sung lắp đặt các pano, áp phích tuyên truyền, biển cảnh báo an toàn tại các thiết bị, vị trí sản xuất với tổng số 1569 biển các loại. Hướng dẫn và triển khai công tác đánh giá rủi ro trong công tác AT-VSLĐ đối với 12 đơn vị sản xuất trực tiếp tại công ty và phát hiện 789 các nguy cơ, rủi ro.
Tổ chức lễ phát động tháng hành động AT-VSLĐ và Tháng công nhân năm 2024 với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Tổ chức ký cam kết thực hiện tốt công tác AT-VSLĐ trong Tháng hành động AT-VSLĐ năm 2024: 100% cá nhân đăng ký với tổ, tổ đăng ký với Phân xưởng, Phân xưởng đăng ký với Công ty.
Tổ chức nhiều đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất và kiểm tra chuyên đề. Phối hợp kiểm tra chấm điểm chéo công tác ATVSLĐ nội bộ tại các đơn vị sản xuất thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV. Duy trì hoạt động của đội PCCC & CNCH cơ sở theo quy định.
Bên cạnh đó trong 6 tháng đầu năm Công tác ATVSLĐ tại Công ty Nhôm Đắk Nông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác vệ sinh công nghiệp, chất thải chưa được thực hiện thường xuyên, còn tồn tại nhiều khi vệ sinh công nghiệp gây ảnh hưởng đến mỹ quan môi trường lao động; công tác kiểm soát các yếu tố gây mất an toàn trong thi công của các đơn vị ngoài còn nhiều hạn chế, đặc biệt công tác vận hành các phương tiện vận tải chuyển quặng nguyên khai từ khai trường về nhà máy tuyển có nhiều rủi ro mất an toàn vào ban đêm, trời mưa, trơn trượt.
Một số cá nhân chưa chú trọng công tác an toàn, lơ là, chủ quan khi tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn trong quá trình thi công dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn lao động; Chỉ huy trưởng một số đơn vị thuê ngoài chưa kiểm soát tốt công tác triển khai thi công, vẫn còn để xảy ra các lỗi cơ bản như: trang bị bảo hộ lao động, sắp xếp bố trí người, thiết bị không đủ điều kiện tham gia thi công.
Trong 6 tháng cuối năm để thực hiện các chương trình hành động, các Nghị quyết, Văn bản chỉ đạo của TKV và của cơ quan quản lý nhà nước Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm sau: đảm bảo chất lượng các công trình kỹ thuật an toàn, công trình PCTT - PCMB, cải thiện điều kiện làm việc theo kế hoạch SXKD năm 2024. Rà soát, bổ sung Quy trình - Quy định - Nội quy kỹ thuật an toàn của từng công đoạn sản xuất trong Công ty.
Tiếp tục duy trì công tác kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, đảm bảo chất lượng và theo đúng yêu cầu của Pháp luật; Người đứng đầu các đơn vị sản xuất trực tiếp phối hợp với các phòng chuyên môn nghiệp vụ tăng cường kiểm tra công tác an toàn tại hiện trường kiên quyết đảm bảo an toàn mới cho phép tiến hành công việc. Khi xảy ra các lỗi vi phạm về AT-VSLĐ phải kiên quyết xử lý nghiêm minh, khách quan, công bằng để tạo hiệu quả tích cực trong công tác xử lý kỷ luật đối với người vi phạm cũng như người chưa vi phạm nhằm phòng ngừa tái phạm.
Công tác đánh giá rủi ro tại các vị trí sản xuất yêu cầu các đơn vị sản xuất trực tiếp duy trì nâng cao hơn nữa kỹ năng nhận diện và đánh giá nhằm xác định đúng cấp độ rủi ro để kịp thời đưa ra biện pháp xử lý, phòng ngừa. Phối hợp tốt giữa chuyên môn và Công đoàn, Đoàn thanh niên trong công tác quản lý AT-VSLĐ, đặc biệt phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân ATVSV tại các đơn vị sản xuất.
Tiếp tục đầu tư áp dụng 3 Hóa: Cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa tại những công đoạn/thiết bị sản xuất được đánh giá là có nguy cơ rủi ro mất an toàn cao nhằm loại bỏ nguy cơ mất an toàn cho NLĐ, Cần có cơ chế khen thưởng kịp thời đối với những sáng kiến tiêu biểu về AT-VSLĐ. Tổ chức học tập kinh nghiệm các đơn vị trong và ngoài ngành, hoàn thành tổ chức 2 hội thảo chuyên đề hướng đến nâng cao kỹ năng nhận diện rủi ro cho Trưởng ca, Tổ trưởng để có kiến thức AT-VSLĐ bảo vệ chính mình và đồng nghiệp. Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong lĩnh vực AT-VSLĐ và cải thiện điều kiện làm việc.
Duy trì kiểm tra chuyên đề, đột xuất theo Chương trình hành động của TKV và DNA đã ban hành, đặc biệt là những vị trí có điều kiện đi lại giao thông không thuận lợi như khai trường mỏ bauxit Nhân Cơ, các hồ đập để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm nội quy, quy trình, quy định, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong công các AT-VSLĐ.
Đánh giá nguy cơ rủi ro về AT-VSLĐ đến từng vị trí sản xuất; Người lao động là chủ thể trực tiếp đánh giá rủi ro vị trí làm việc của mình đảm nhận; có dự báo cụ thể và cập nhật phát sinh khi làm việc, chú ý những khu vực thay đổi về công nghệ, thiết bị hoặc đã xảy ra TNLĐ, sự cố để có biện pháp an toàn kịp thời, không để xảy ra tai nạn, sự cố, thiếu sót lặp lại. Chủ động xây dựng các kế hoạch nội bộ về kiểm tra chéo, đào tạo, huấn luyện sát với thực tế đặc thù của đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện công tác AT-VSLĐ.