Nhóm đề thi tổ hợp Khoa học xã hội: Vừa sức sĩ tử

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa kết thúc môn thi tổ hợp Khoa học xã hội sáng nay 10/8. Theo nhận định, nhóm câu hỏi đề thi thuộc các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân đều vừa sức, đủ hấp dẫn, đồng thời phù hợp với tình hình ôn luyện và thi trong bối cảnh dịch Covid-19.

 Một phụ huynh ở Hà Nội chuẩn bị sẵn bó hoa để chúc mừng con gái hoàn thành bài thi. Người mẹ này vui sướng hơn khi biết con mình làm tốt các bài thi. (Ảnh: Phúc Tá/Vietnam+)

Một phụ huynh ở Hà Nội chuẩn bị sẵn bó hoa để chúc mừng con gái hoàn thành bài thi. Người mẹ này vui sướng hơn khi biết con mình làm tốt các bài thi. (Ảnh: Phúc Tá/Vietnam+)

Lịch sử: "Đây là một đề thi hay!"

Cô giáo Lê Thị Thu Hương - Giảng viên ĐH Thủ đô (Hà Nội) - đã nhận định như vậy về môn thi Lịch sử thuộc tổ hợp môn thi Khoa học xã hội, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 diễn ra sáng nay 10/8.

Theo cô Hương, đề thi chủ yếu thuộc kiến thức lớp 12, trong đó có nhiều sự kiện tiêu biểu thuộc chương trình giảng dạy. Đề có những câu hỏi nâng cao, số lượng câu hỏi nâng cao chiếm 25%, kiến thức về lịch sử thế giới chiếm 35% tổng số câu hỏi.

"Đây là đề thi hết sức cơ bản, đáp ứng được yêu cầu của thí sinh trong bối cảnh vất vả chống chọi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đề vẫn đảm bảo được yếu tố quan trọng là kiểm tra kiến thức cơ bản của thí sinh học lịch sử trong cả kỳ thi. Nhìn chung đây là đề thi hay!" – cô Hương nhận định.

Địa lý: Thí sinh không khó đạt điểm 8

Thầy Vũ Hải Nam - Giáo viên Tuyensinh247 - đánh giá chung, đề thi năm nay với học sinh xét tốt nghiệp có thể làm được trên 6 điểm. Học sinh khá có thể làm được trên 8 điểm và 5 câu hỏi lý thuyết cuối có sự phân hóa rõ rệt, mức độ khó tăng làm cơ sở để các trường ĐH - CĐ tuyển sinh.

Đề thi vẫn giữ nguyên 40 trắc nghiệm thuộc khối kiến thức lớp 12 THPT, theo sát cấu trúc đề thi tham khảo lần 2 (ngày 7/5/2020), mức độ khó tương đương, đảm bảo được yêu cầu kiểm tra kiến thức trong chương trình trung học phổ thông mà Bộ GD&ĐT đã nêu trước đó.

Theo thầy, các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kì thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học: 70% mức độ cơ bản + 30% mức độ phân loại cao, vì vậy học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản không khó để đạt điểm 8.

Thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2020 tại Hà Nội. Ảnh: H.H

Thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2020 tại Hà Nội. Ảnh: H.H

Các câu hỏi phân hóa tập trung vào phần Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư - hai chuyên đề này các năm trước chỉ dừng lại ở các câu hỏi nhận biết, thông hiểu. Những câu hỏi phân loại cao khá phức tạp, đòi hỏi học sinh tư duy tốt, có hiểu biết thực tiễn và khả năng phân tích mối liên hệ giữa các đối tượng địa lý tự nhiên và kinh tế - xã hội. Các đáp án dài, nhiều chi tiết dễ gây nhầm lẫn trong việc lựa chọn đáp án chính xác. Trong khi đó chuyên đề ngành kinh tế và vùng kinh tế chủ yếu là mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp.

Kĩ năng sử dụng Atlat tăng thêm 2 câu, ở mức độ nhận biết các đối tượng địa lí và sự phân bố của chúng (3,5 điểm). Kĩ năng làm việc với bảng số liệu và biểu đồ địa lí không có thay đổi, tập trung vào nhận diện biểu đồ, lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp và nhận xét biểu đồ, bảng số liệu, tính toán một số công thức địa lí cơ bản.

Giáo dục công dân (GDCD): Dễ hơn năm ngoái, không đánh đố

Theo cô Đoàn Thị Vành Khuyên - Giáo viên GDCD trường THPT FPT (Hà Nội) - đề thi năm nay với độ khó đạt đúng tiêu chí Tốt nghiệp THPT, đề sát với các đề thi minh họa và đề thi khảo sát của Bộ. So với đề thi THPT Quốc Gia mọi năm thì mức độ dễ nhiều hơn.

Về nội dung, đề chủ yếu tập trung vào chương trình GDCD 12. Đề thi cũng bao gồm vài câu hỏi liên quan tới kiến thức 11. Cụ thể:

- Đề thi tốt nghiệp THPT 2020 có 36 câu thuộc kiến thức lớp 12 (chiếm 90%); 4 câu thuộc kiến thức lớp 11 (chiếm 10%).

- Các câu hỏi nằm trong các chuyên đề quen thuộc của lớp 12 Thực hiện pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội; Quyền tự do cơ bản của công dân;…

- Các câu ở mức vận dụng và vận dụng cao rơi vào các chuyên đề: Thực hiện pháp luật, Quyền tự do cơ bản của công dân, Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội.

"Các câu hỏi tương đối dễ, không đánh đố, không đòi hỏi quá nhiều tư duy" - theo nhận định của cô Vành Khuyên.

D.Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhom-de-thi-to-hop-khoa-hoc-xa-hoi-vua-suc-si-tu-trong-boi-canh-covid-19-20200810145135077.htm