Nhóm đối tượng buôn bán vũ khí xuyên quốc gia phạm nhiều tội danh?

Mức độ nguy hiểm của vũ khí quân dụng là lớn nhất trong các loại vũ khí nguy hiểm nên pháp luật đã nghiêm cấm hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất…

Chân dung 6 đối tượng cầm đầu trong đường dây buôn bán vũ khí xuyên quốc gia (Ảnh: Đức Quang)

Chân dung 6 đối tượng cầm đầu trong đường dây buôn bán vũ khí xuyên quốc gia (Ảnh: Đức Quang)

Mới đây, phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Hà Tĩnh đã triệt phá đường dây mua bán trái phép vũ khí quân dụng, bắt giữ và triệu tập 45 nghi phạm và thu giữ 532 khẩu súng các loại, gần 37.000 viên đạn, 2 quả lựu đạn, 211g ma túy.

Theo CA tỉnh Hà Tĩnh, gần đây, qua trinh sát, đơn vị đã phát hiện một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mua vũ khí quân dụng thông qua mạng xã hội. Quy mô và tính phức tạp của đường dây mua bán vũ khí trên không gian mạng này với hệ thống “chân rết” ở nhiều địa phương trong cả nước. Đường dây này đã bán ra một số lượng đặc biệt lớn vũ khí “nóng” cho các đối tượng cộm cán để gây ra nhiều vụ án hình sự trên toàn quốc.

Ban chuyên án xác định đường dây buôn bán vũ khí này do 6 đối tượng cầm đầu gồm: Vũ Anh Tú (SN 1993) và Vũ Tiến Phát (SN 1997), cùng trú tỉnh Ninh Bình; Mai Văn Đông (SN 1992, trú tỉnh Tây Ninh); Lê Cương (SN 1998, trú tỉnh Đồng Nai); Nguyễn Thanh Tiên (SN 1993, trú tỉnh Hậu Giang); Trần Quốc Cường (SN 2001, trú TP Hồ Chí Minh). Mỗi đối tượng phụ trách các khâu khác nhau, lôi kéo thêm nhiều người khác tham gia.

Ngay khi đủ bằng chứng liên quan, Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Hà Tĩnh đã đồng loạt triển khai 15 tổ công tác đến 15 tỉnh, thành phố, phối hợp với lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an bắt giữ, triệu tập 45 nghi phạm. Quá trình điều tra mở rộng, ngoài thu giữ 532 khẩu súng các loại, 36.824 viên đạn, Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Hà Tĩnh còn thu giữ 211,1 gam ma túy, 2 quả lựu đạn. Đến nay, Cơ quan điều tra xác định đường dây này đã bán hơn 1.000 khẩu súng trên khắp các tỉnh, thành cả nước, thậm chí còn bán sang Lào, Campuchia.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố các bị can về các tội danh “Chế tạo, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; Tàng trữ trái phép chất ma túy”, đồng thời, tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Xem xét dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội viện dẫn, tại Điều 3, Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi 2019 quy định:

Vũ khí quân dụng bao gồm vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ.

Các loại vũ khí quân dụng bao gồm: súng cầm tay, súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu. Vũ khí hạng nhẹ gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân.

Vũ khí hạng nặng gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại điểm này.

Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 của Luật này để thi hành công vụ.

Như vậy theo luật sư Đinh Thị Nguyên, người nào có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 304, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với khung hình phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.

“Như vậy, trong trường hợp này, người có hành vi vi phạm có thể phải đối mặt với tội danh "Chế tạo và tàng trữ súng trái phép” với các mức xử phạt, mức án đã được nêu ở trên. Để xác định cụ thể mức án chính xác cho đối tượng, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào những tình tiết kèm theo hoặc tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ…”, luật sư Nguyên phân tích thêm.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết thêm, trong vụ án này cơ quan điều tra còn khởi tố các bị can tội danh “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, tội này được quy định tại Điều 249, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 15 - 20 năm hoặc tù chung thân.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhom-doi-tuong-buon-ban-vu-khi-xuyen-quoc-gia-pham-nhieu-toi-danh-401287.html