Nhóm học sinh Gia Lai chinh phục Top 3 sân chơi Open Robotics Challenge

Dù tham gia sân chơi Open Robotics Challenge (ORC) lần đầu nhưng các thành viên đến từ Paradise EDUVIET Gia Lai đã vượt qua 40 đối thủ để chinh phục Top 3 sân chơi công nghệ robot.

Sân chơi ORC là giải đấu dành cho học sinh THCS-THPT trên cả nước cùng tham gia thử thách thiết kế, lắp ráp, lập trình và vận hành robot để so tài Robotics. Đây cũng là chương trình đào tạo và thi đấu Robotics phi lợi nhuận, giúp bồi dưỡng và phát triển tài năng công nghệ.

Paradise EDUVIET Gia Lai là 1 trong 2 đội đến từ Gia Lai tham gia vòng thi ORC Online tháng 7-2024. Đội thi có 8 bạn học sinh đến từ nhiều trường THCS và THPT trên địa bàn TP. Pleiku; trong đó, em Nguyễn Phúc Hưng (học sinh lớp 11B, Trường THPT chuyên Hùng Vương) đảm nhiệm vị trí đội trưởng. Ngoài ra, đội còn được thầy Nguyễn Đình Bình-Giám đốc Trung tâm Tin học Ngoại Ngữ EDUVIET Gia Lai làm cố vấn chuyên môn.

Các em học sinh đang kiểm tra và sửa chữa robot. Ảnh: Hoàng Hoài

Các em học sinh đang kiểm tra và sửa chữa robot. Ảnh: Hoàng Hoài

Vì các em là những người mới tham gia thi đấu ở một giải quy mô lớn nên lúc đầu đã gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối và vận hành robot. Khi nhận các linh kiện từ ban tổ chức cung cấp, các em đã dành 1 tuần tập trung làm quen và 2 tuần tiếp theo để có thể lắp ráp, hiểu được nguyên tắc và sử dụng thành thạo con robot.

Trải qua 1 tháng tiến hành điều khiển robot chạy thử nhiều lần, các thành viên đội Paradise EDUVIET Gia Lai đã sáng tạo và bổ sung thêm các linh kiện (bánh răng, bánh xe,...) bằng máy in 3D để tìm ra một thiết kế tối ưu. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa có đơn vị in 3D, do đó các chi tiết nhỏ trên em Hưng phải tự lên thiết kế 3D trên máy tính và gửi vào TP. Hồ Chí Minh nhờ các anh chị đặt in để kịp điều chỉnh robot.

Ngoài kiến thức về cơ khí như động học, động lực học các em còn phải nắm thêm lập trình để robot tự động thực hiện thử thách trên sân thi đấu. Tuy nhiên, với ngôn ngữ khối và Python, Hưng phải mất 2 ngày 2 đêm để hoàn thiện.

Đoạn code bằng phần mềm Ohstem được thực hiện bởi đội Paradise EDUVIET Gia Lai. Ảnh: NVCC

Đoạn code bằng phần mềm Ohstem được thực hiện bởi đội Paradise EDUVIET Gia Lai. Ảnh: NVCC

Em Nguyễn Phúc Hưng (học sinh lớp 11B, Trường THPT chuyên Hùng Vương, TP. Pleiku) chia sẻ quá trình, lập trình tạo ra robot: “Đoạn Code được chúng em viết bằng phần mềm Ohstem của Ban tổ chức, đồng thời sử dụng ngôn ngữ là những khối lệnh và Python. Trong quá trình thực hiện, chúng em gặp rất nhiều khó khăn vì bị lệch thông số giữa các động cơ hay đôi lúc về lượng pin còn quá ít. Vì vậy, không chỉ mất 2 ngày đêm để viết Code mà còn mất thêm nhiều ngày để sửa Code, nhằm tối ưu và khắc phục những lỗi không mong muốn”.

Học Robotis mang lại những trải nghiệm thực tế, những điều các bạn trẻ khó có thể làm ở các giờ học thuần về lý thuyết trên nhà trường. Thực hiện: Hoàng Hoài

Chỉ có 3 tháng để thành lập đội và hoàn thiện robot, nhưng với niềm đam mê môn Tin học và yêu thích công nghệ từ nhỏ, 8 thành viên đã vượt qua hơn 40 đối thủ để tham gia vòng bán kết của ORC Online tháng 7-2024 vào sáng 21-7-2024 vừa qua.

Mỗi trận đấu, các đội có 150 giây để thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó, 30 giây đầu, Robot bắt buộc hoạt động tự động (thông qua lập trình trên phần mềm do Ban tổ chức cung cấp) thực hiện nhiệm vụ đẩy các khối cầu ở 2 vị trí quy ước sẵn vào khu vực ghi điểm; 120 giây tiếp theo, đội thi sử dụng tay cầm điều khiển từ xa để tiếp tục đẩy các khối tròn và vuông ghi điểm trên sa bàn.

Riêng ở vòng thi đấu loại trực tiếp, thời gian phần thi có người điều khiển robot sẽ giảm từ 120 giây xuống còn 90 giây.

Phần thi của đội Paradise EDUVIET Gia Lai tại vòng bán kết. Thực hiện: Bích Ngọc

Mặc dù đội Paradise EDUVIET Gia Lai đã dừng chân ở trận bán kết và giành được Top 3 chung cuộc do kém 6 điểm so với đối thủ, nhưng các em đã mang về những trải nghiệm và bài học quý giá cho chính mình trong lần đầu ra quân.

Mỗi thử thách tại ORC Online tháng 7-2024 không chỉ giúp các em nâng cao kỹ năng lập trình và thiết kế robot mà còn học được cách làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và quản lý thời gian.

Thành công của nhóm Paradise EDUVIET Gia Lai tại ORC không chỉ là kết quả của sự nỗ lực và đam mê, mà còn là minh chứng cho khả năng vượt qua khó khăn và sáng tạo của các em học sinh Gia Lai.

Theo đánh giá của thầy Nguyễn Đình Bình-Giám đốc Trung tâm Tin học Ngoại Ngữ EDUVIET Gia Lai: Dù chỉ mới tham gia lần đầu, các em đã thể hiện tinh thần học hỏi, sự kiên trì và quyết tâm cao độ, đạt được thành tích ấn tượng trong một cuộc thi đầy thử thách. Những trải nghiệm quý giá này sẽ giúp các em phát triển kỹ năng, mở ra nhiều cơ hội và khát vọng mới với ngành công nghệ và robot trong tương lai.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nhom-hoc-sinh-gia-lai-chinh-phuc-top-3-san-choi-open-robotics-challenge-post286101.html