Nhóm học sinh Hàn Quốc đi ăn cắp tiền để đua đòi mua hàng hiệu

Các bậc phụ huynh xứ kim chi đang chịu nhiều gánh nặng vì con cái chạy theo trào lưu mua sắm hàng hiệu đắt đỏ.

Đối với người Hàn Quốc, đồ hiệu đã và đang là món phụ kiện khẳng định đẳng cấp. Tuy nhiên, mua sắm những thiết kế đắt đỏ trở nên nghiêm trọng hơn khi nó dần xuất hiện trong tư duy của giới trẻ.

Hơn nửa số học sinh tại xứ kim chi nói rằng họ đã mua đồ hiệu. Đây như dấu hiệu nhận diện các bạn trẻ thích khoe khoang.

'Mẹ, con muốn mua túi Gucci'

Theo Nate, bà Kim (46 tuổi) - mẹ một học sinh cấp 3 tại Hàn Quốc - đang rất lo lắng về việc con gái muốn mua đồ hiệu: "Gần đây, con tôi đòi một chiếc túi xách của Gucci".

Cô bé nói với mẹ: "Bạn bè của con đều có túi hiệu, con cảm thấy khó hòa nhập khi không đủ giàu có".

Thời gian gần đây, hiện tượng "Flex" khá phổ biến trong giới trẻ xứ kim chi. "Flex" mang nghĩa ám chỉ những bạn trẻ thích khoe khoang và tiêu tiền một cách quá mức. Các chuyên gia nhận định mong muốn thể hiện bản thân của thanh thiếu niên là nguồn gốc cho hiện tượng này.

 Học sinh Hàn Quốc đua nhau dùng đồ hiệu. Ảnh: Yonhapnews.

Học sinh Hàn Quốc đua nhau dùng đồ hiệu. Ảnh: Yonhapnews.

Kim (17 tuổi, học sinh cấp 3) cho biết: "Trong lớp học, có 3-4 người sở hữu các thiết kế đắt tiền. Những người dùng hàng hiệu sẽ tụ lại và chơi theo nhóm".

Phần lớn bạn trẻ than phiền về việc phải chi tiền để có thể hòa nhập. Mặc dù tình hình kinh tế không khá giả, họ vẫn bị thúc đẩy tiêu xài quá mức. Nhiều người xin cha mẹ tiền mua sắm. Số khác cố gắng đi làm thêm để có kinh phí đầu tư vào hàng hiệu.

Qua một cuộc khảo sát với đối tượng là 358 học sinh THCS, THPT vào năm 2019, 56,4% số này đã mua hàng hiệu. Các lý do chi tiền cho món đồ đắt đỏ khá đa dạng. Những người yêu thích thương hiệu sang trọng chiếm 27,4%, một số mua vì từng thấy người nổi tiếng sử dụng rơi vào 13,1%. Số còn lại mua vì bạn bè đều có và không muốn bị xa lánh chiếm 13,1%.

Khi được hỏi làm sao có thể sở hữu các món đồ xa xỉ, những người được cha mẹ mua cho chiếm 39,1% - một con số khá cao. Theo sau đó là các đáp án như tự dùng tiền túi, tiền lương làm thêm. Vấn đề đáng lo ngại là khi thanh thiếu niên không tự chủ tài chính, họ sẽ đòi hỏi cha mẹ.

Hiện tượng 'Flex' dẫn đến con đường phạm pháp

Hiện tượng "Flex" trong năm 2020 đang ngày càng tồi tệ hơn. Nhiều bạn trẻ xin cha mẹ cho mua những món đồ hàng hiệu như giày, túi xách... lên đến hàng triệu won. Điều đáng nói, các bậc phụ huynh thường xuyên than phiền về tình hình kinh tế ngày càng khó khăn.

 Phần lớn người trẻ đòi hỏi cha mẹ để được mua những món hàng xa xỉ. Ảnh: Vogue.

Phần lớn người trẻ đòi hỏi cha mẹ để được mua những món hàng xa xỉ. Ảnh: Vogue.

Một người đã chia sẻ lên mạng xã hội về việc con gái đòi mua giày đắt tiền: "Con tôi thường chỉ đi Nike hoặc adidas. Sau này, nó muốn sở hữu một đôi sneakers giá nửa triệu won (hơn 410 USD). Nhưng tôi khuyên rằng không nên đòi hỏi những món đắt đỏ. Con gái tôi đã khóc và tâm sự bạn của nó đều sở hữu các đôi giày hàng hiệu".

Hiệu ứng "Flex" khiến các bậc phụ huynh gặp khó khăn lại trở nên phổ biến đối với thanh thiếu niên. Thậm chí, nó lan rộng như một xu hướng.

Trong một số trường hợp, các bạn trẻ đã bước vào con đường phạm pháp. Tháng 12/2019, 2 học sinh trộm số lượng áo phao trị giá 1,68 triệu won (1.400 USD) từ cửa hàng ở Gwangju và bị bắt bởi cảnh sát khi cố khoe khoang trên mạng xã hội. Tháng 3/2019, một nhóm học sinh trộm 40 triệu won (33.400 USD) từ ngân hàng. Với số tiền ăn cắp được, họ chi 33 triệu won/tháng (27.500 USD) để mua đồng hồ, quần áo đắt tiền.

Kwak Geum-joo - giáo sư tâm lý học, Đại học Quốc gia Seoul - cho biết: "Trong trường hợp này, các thanh thiếu niên coi sự phán xét và ý kiến của bạn bè quan trọng hơn cha mẹ".

Vì sao giới trẻ sẵn sàng bỏ hàng nghìn USD mua đồ Supreme? Chỉ cần gắn mác Supreme, xà beng hay một viên gạch cũng có thể trở thành hàng xa xỉ.

Cao Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhom-hoc-sinh-han-quoc-di-an-cap-tien-de-dua-doi-mua-hang-hieu-post1109414.html