Nhóm khách gây tranh cãi nhất ở các quán cà phê Hàn Quốc
Người trẻ và dân văn phòng vốn thích kéo đến cửa hàng cà phê, tìm sự yên tĩnh để làm việc riêng. Nhưng với chủ quán, điều này dễ khiến việc kinh doanh của họ đi xuống.
Quán cà phê được tìm thấy ở hầu hết mọi ngóc ngách của Seoul, cũng như những nơi khác trên khắp đất nước. Hình ảnh thường thấy ở các cơ sở này là các cá nhân ngồi vào những chiếc bàn dành cho 4 người, mải mê với các hoạt động trí tuệ, chủ yếu là học tập, với tai nghe cắm vào laptop.
Những cá nhân này được gọi là cagongjok, một sự pha trộn của các từ "cafe", "gongbu" (học tập) và "jok" (bộ lạc). Thuật ngữ này được dịch trực tiếp thành "nhóm người học tại quán cà phê" và những khách hàng này đang là chủ đề tranh luận gay gắt ở Hàn Quốc, theo Korea Herald.
Gần đây, cuộc tranh cãi càng thêm căng thẳng khi một chủ quán cà phê phàn nàn về việc khách hàng không chỉ mang máy tính xách tay mà còn cả máy in đến, biến bàn của quán thành "văn phòng tạm thời".
Văn hóa cà phê của Hàn Quốc
Cảnh quan khu dân cư của các trung tâm đô thị của Hàn Quốc mang đến sự thuận tiện, với các khu phức hợp nhà ở và khu mua sắm được bố trí gần nhau.
Trong môi trường này, các quán cà phê có thể dễ dàng tiếp cận, mang đến cho các cá nhân cơ hội thay đổi không gian xung quanh để tối ưu hóa môi trường học tập và làm việc của họ.
Một nam thanh niên họ Choi, thuê phòng trong một căn hộ studio, thích tách biệt không gian sống với làm việc. Đối với anh, sức hấp dẫn của quán cà phê nằm ở việc không có nhiều thứ dễ phân tâm như ở nhà.
"Khoảng cách cũng là yếu tố quan trọng trong việc chọn quán. Quán gần nơi tôi ở nhất chỉ cách 2 phút đi bộ. Đó là nơi tôi luôn đến học", Choi cho biết.
Một nhân viên văn phòng 20 tuổi họ Kim, người mới chuyển đến một căn hộ studio, lại thấy căn phòng của mình quá ngột ngạt và chật chội cho bất kỳ hoạt động hiệu quả nào.
“Tôi thích ngồi ở một quán cà phê rộng rãi, nơi có thể nuôi dưỡng sự sáng tạo. Xung quanh là những người khác đang học tập và làm việc cũng giúp tôi tập trung hơn", anh giải thích.
Nói cách khác, những người như Choi và Kim thích riêng tư, ở một mình, trong khi đồng thời ở cùng với nhiều người khác có chung mục đích giống họ.
Lee Eun-hee, giáo sư nghiên cứu người tiêu dùng tại Đại học Inha, cho hay: "Quán cà phê đóng vai trò là thiên đường của sự thoải mái cho những người sống một mình, bù đắp cho việc không có sự tương tác trực tiếp giữa các cá nhân. Nhóm khách hàng này tạo ra không gian khép kín của riêng họ, với sự trợ giúp của tai nghe khử tiếng ồn".
Khách đông nhưng chủ quán sợ lỗ vốn
Nhóm người cagongjok hình thành là sự kết hợp của nhiều yếu tố, đáng chú ý là sự phổ biến rộng rãi của các quán cà phê và những tiến bộ trong công nghệ tạo điều kiện học tập và làm việc từ xa.
Theo một cuộc khảo sát năm 2021 do Hankook Research thực hiện, 29% trong số 1.000 người được hỏi đã tham gia vào các hoạt động một mình tại các quán cà phê trong một năm. Đáng chú ý, 60% những người ở độ tuổi 20 cho biết họ đến quán để học là chính.
Khi được hỏi về lý do, gần một nửa số người được hỏi cho biết họ thiếu địa điểm thay thế, trong khi phần lớn những người ở độ tuổi 20 bày tỏ sự thích thú với bầu không khí thoải mái và có sẵn đồ ăn nhẹ, đồ uống.
Một sinh viên mới tốt nghiệp 28 tuổi họ Yoo thường lui tới các quán cà phê từ những năm đại học. Lý do xuất phát từ không gian ấm cúng của quán cà phê, có lợi cho việc học tập và tác dụng kích thích trí não.
Anh thường gọi một tách cà phê có giá 4.500 won (3,5 USD) và dành khoảng 3 giờ ngồi ở cửa hàng.
Nhưng sự tăng trưởng theo cấp số nhân về số lượng của các cagongjok đã đạt đến mức gây ra hiệu ứng ngược cho hoạt động kinh doanh của các chủ quán.
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Công nghiệp Thực phẩm Hàn Quốc năm 2019, các quán cà phê đạt điểm hòa vốn khi khách hàng chi khoảng 4.100 won cho cà phê trong khi ở lại trong khoảng một giờ 42 phút.
Trong khi đó, các chủ kinh doanh hiện phải đối mặt với những thách thức lớn hơn trong việc duy trì hoạt động, cụ thể là giá điện tăng do chi phí năng lượng toàn cầu ngày càng tăng và sự thua lỗ ngày càng tăng của các công ty tiện ích ở Hàn Quốc.
Giáo sư Lee nhấn mạnh nhóm khách hàng cagongjok cần để ý nhiều hơn đến thời gian lưu lại thích hợp so với số tiền bỏ ra để mua dịch vụ.
Một chủ quán điều hành một cửa hàng gần khuôn viên trường đại học ở Seoul bày tỏ lo ngại về mùa hè sắp tới, khi dự đoán phí vận hành sẽ tiếp tục leo thang. Trong kỳ thi giữa kỳ và cuối kỳ, số cagongjok tìm đến quán chắc chắn tăng đột biến, có thể dẫn đến doanh thu giảm.
Park đề cập rằng nếu cần thiết, anh có thể thực hiện một số biện pháp để hạn chế thua lỗ, chẳng hạn như đăng thông báo yêu cầu khách hàng mua đồ uống kèm bánh, đồ ăn nhẹ. Quán của Park hiện bán Americano - thức uống yêu thích của đông đảo người dân Hàn Quốc - với giá khá thấp là 1.900 won.