Nhôm Lâm Đồng và vai trò 'định vị' hạt alumin
Làm chủ sâu về công nghệ, chất lượng sản phẩm alumin đạt loại I theo tiêu chuẩn quốc tế; * Mỗi năm đóng góp hàng trăm tỷ đồng ngân sách địa phương; * Đời sống, điều kiện làm việc của người lao động không ngừng tăng cao.
Kết thúc nửa đầu năm 2019, các chỉ tiêu và các nội dung kế hoạch của Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV (LDA) đều được thực hiện hoàn thành và vượt kế hoạch, trong đó sản lượng từ khai thác, tuyển quặng, alumin quy đổi sản xuất, alumin sau nung và sản lượng tiêu thụ đều được thực hiện rất tốt. Nói như TGĐ Công ty Vũ Minh Thành, thành công của LDA hôm nay là kết tinh từ tâm huyết, bản lĩnh, cùng công sức vun đắp của nhiều thế hệ lãnh đạo, công nhân viên chức Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam và sự nỗ lực không mệt mỏi, đầy sáng tạo của tập thể CBCNV Công ty.
Hoàn thành xuất sắc giai đoạn tiếp quản, làm chủ công nghệ
Theo ước tính, hết tháng 6/2019, LDA sản xuất trên 327 ngàn tấn alumin quy đổi, tiêu thụ 306 ngàn tấn, doanh thu 1.670 tỷ đồng, thu nhập bình quân gần 10 triệu đồng/người-tháng.
Hiện tại, theo đánh giá của các chuyên gia, Nhôm Lâm Đồng đã hoàn thành giai đoạn tiếp quản, làm chủ công nghệ, làm chủ nhà máy một cách xuất sắc. Chất lượng sản phẩm luôn đạt loại I theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, riêng hàm lượng Al2O3 đạt 98,9%, cao hơn thiết kế là 98,6%. Năm 2018, Nhà máy Alumin Tân Rai đã đạt 104% công suất thiết kế tối đa.
Sản phẩm của Nhà máy đạt chất lượng cao, được các khách hàng Ấn Độ, Trung Đông (UAE), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... ưa chuộng. Giá thành vận hành/mỗi tấn alumin đều giảm hàng năm. Nếu giá thành vận hành năm 2014 hết 5.181.000 đồng/tấn alumin thì năm 2018 giảm xuống 4.377.000 đồng/tấn. Điều này đã góp phần quan trọng đem lại hiệu quả kinh tế cho Dự án; tổ chức sản xuất có hiệu quả cao, đảm bảo các điều kiện an toàn - môi trường đề ra. Đến cuối năm 2018, Dự án Tân Rai nộp ngân sách địa phương và Trung ương 2.815 tỷ đồng. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2017, Dự án chuyển sang có lãi, rút ngắn thời gian lỗ kế hoạch 1 năm (năm 2017 lãi 379 tỷ đồng, năm 2018 lãi trên 1.800 tỷ đồng).
2019 và mục tiêu chuẩn hóa, tối ưu hóa các khâu sản xuất, các mặt quản lý
Sang năm 2019, mục tiêu chung của Công ty là đi sâu vào chuẩn hóa và tối ưu hóa các khâu sản xuất, các mặt quản lý nhằm tiếp tục tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, củng cố tốt máy móc thiết bị và các nguồn lực chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới. Cụ thể trong năm 2019, LDA đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 650.000 tấn alumin quy đổi, doanh thu 3.317 tỷ đồng, đóng góp ngân sách 420 tỷ đồng và từ năm 2020 trở đi sản xuất vượt công suất thiết kế (650.000 tấn alumin).
Tổng Giám đốc Công ty cùng các bộ phận kiểm tra công trường Nhà máy Alumin Tân Rai sau các đợt sửa chữa định kỳ
Để đạt được mục tiêu trên, trong 6 tháng cuối năm, Công ty sẽ tập trung vào một số giải pháp như tiếp tục đầu tư cho chương trình 5S (sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng, là một công cụ quản lý hiện đại hiệu quả, tiết kiệm nhân lực, tăng năng suất lao động, tạo động lực làm việc); quan tâm các biện pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức và tuyên truyền, giáo dục đảm bảo đạt mục tiêu an toàn sản xuất, an toàn lao động, an toàn môi trường.
Ngoài ra, Công ty tập trung củng cố, chăm sóc, vận hành tốt máy móc thiết bị; đẩy mạnh chương trình tin học hóa, hiện đại hóa các khu vực. Đồng thời, Công ty cũng tiếp tục công tác nghiên cứu cải tiến các công đoạn trong dây chuyền công nghệ sản xuất alumin để giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu đầu vào, ổn định và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh quản trị chi phí nhằm hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong điều kiện thị trường alumin trên thế giới đang có nhiều biến động. Rà soát, hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật đối với các công đoạn sản xuất từ khâu khai thác đến khâu chế biến khoáng sản. Hoàn thiện mô hình tổ chức, định biên sản xuất, các hệ thống quản lý, các quy định quản lý nội bộ…, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất alumin.
Dự án Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng là một trong hai Dự án sản xuất Alumina thử nghiệm dùng cho luyện kim đầu tiên tại Việt Nam. Cùng với Dự án Alumin Nhân Cơ, những thành công mà Dự án đã chứng minh đóng vai trò đặc biệt quan trọng đến khả năng hình thành và phát triển ngành công nghiệp bauxite - alumin - nhôm của Việt Nam.