Nhóm mạo danh TP Bank làm thẻ ATM, hợp đồng giả lừa đảo hơn 10 tỉ đồng
Nhóm lừa đảo do Thạch cầm đầu, hoạt động từ khoảng tháng 8 đến nay, lừa hàng ngàn người, chỉ riêng ở TP.HCM đã là 600 nạn nhân.
Công an xác định có nhiều nạn nhân không trình báo, né tránh. Trong khi đó, số tiền mà nhóm này chiếm đoạt vào khoảng 10 tỉ đồng trên cả nước.
Thuê 82 người phục vụ việc lừa đảo
Ngày 28-9, Công an quận Tân Phú, vẫn đang phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình Sự (PC02), Phòng An ninh mạng và Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng CNC (PA05) tiếp tục lấy lời khai, mở rộng điều tra đường dây chuyên gọi điện lừa đảo người dân.
Công an xác định Nguyễn Hoàng Thạch (28 tuổi, quê Đồng Nai) là người cầm đầu đường dây, giúp sức tích cực cho Thạch là Trần Văn Quân (23 tuổi, ngụ quận Bình Tân) và Hoàng Anh Tuấn (27 tuổi, ngụ quận Tân Phú). Tất cả hiện đã bị tạm giữ hình sự để phục vụ điều tra.
Khoảng một tháng trước, Thạch sử dụng giấy CCCD của Trần Kiều Quốc Dũng (24 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận) để thuê lại căn nhà ba tầng trên đường Trần Quang Quá (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) đặt làm đại bản doanh với giá 55 triệu đồng/ tháng.
Để hoạt động lừa đảo, nam thanh niên thuê tổng cộng 82 người có độ tuổi rất trẻ. Những người này được sắp xếp làm việc từ tầng một lên đến tầng ba của căn nhà.
Trong số này có 70 người được phân công nhiệm vụ liên lạc tư vấn dẫn dụ khách và 12 người làm nhiệm vụ tổng hợp số liệu bị hại, kiểm tra việc khách thanh toán phí bảo hiểm qua bưu điện.
Ghi nhận, tại các phòng làm việc của các “nhân viên” này đều được gắn camera an ninh để Thạch từ xa theo dõi, quán xuyến công việc.
Tại các tầng, Thạch chia công việc khác nhau cho những người “nhân viên”. Những người này cũng không được tiếp xúc, trò chuyện hay chia sẻ công việc gì với nhau. Thông tin về công việc cũng được kẻ cầm đầu yêu cầu giữ kín, không được nói với gia đình hay bạn bè.
Thạch khai 82 người được tuyển dụng về làm việc tại tầng 1 đến tầng 3 căn nhà. Hằng ngày, Thạch sẽ cung cấp danh sách nhiều cá nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ) và kịch bản được soạn sẵn để liên lạc tư vấn, lừa đảo.
Các nhân viên có nhiệm vụ mạo danh nhân viên ngân hàng TP Bank gọi điện để tư vấn, dẫn dụ khách vay vốn với lãi suất 0%, đồng thời kiểm tra việc khách đóng phí bảo hiểm qua bưu điện.
Đối với những nhân viên chưa quen thì được Thạch bắt tay chỉ việc. Một kịch bản chuẩn bị sẵn được in ra giấy để các nhân viên nhẩm đọc cho quen, trường hợp khách tỏ thái độ băn khoăn hoặc hỏi han thì sẽ trả lời cho ra vẻ chuyên nghiệp.
Ví dụ như khách hỏi: “Sao không chuyển vào thẻ, số tài khoản anh đang xài luôn” thì nhân viên sẽ được Thạch yêu cầu trả lời:
“Dạ không được ạ. Vì thẻ anh xài rất nhiều giao dịch chuyển ra chuyển vô rất khó kiểm soát số dư anh thanh toán mỗi tháng, với quy định của ngân hàng nhà nước thì anh vay bên nào thì phải cấp thẻ bên đó để dễ kiểm soát và đảm bảo quyền lợi của anh nữa ạ. Lỡ anh đóng trễ hoặc bên em đóng dư thì bên em thông báo xử lý cho anh dễ dàng hơn ạ”.
Nhiều câu hỏi khác cũng được đặt sẵn để nhân viên chưa quen việc có thể trả lời lưu loát các thắc mắc của “khách hàng”.
Chỉ tính riêng ở TP.HCM đã có 600 nạn nhân
Theo một nhân viên mới làm việc ở đây được một tuần thì hàng ngày sẽ gọi điện thoại cho khoảng 50 người. Trung bình khoảng 2 đến 3 nạn nhân sập bẫy. Các nhân viên sẽ được trả từ 8 đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, nếu dụ được thì mỗi khách sập bẫy sẽ được trả từ 100 đến 130 ngàn đồng/ nạn nhân.
Khai với công an, có nhân viên thừa nhận tháng đầu làm được 6,5 triệu, nhưng tháng sau đã lên đến 13,5 triệu do dụ được nhiều người sập bẫy lừa.
Công an cũng xác định, dưới sự hướng dẫn của Thạch, các nhân viên sẽ gọi điện, giả mạo là nhân viên ngân hàng TP Bank đưa ra thông tin gian dối về việc ngân hàng cho vay các khoản từ 20 đến 100 triệu đồng với lãi suất 0%.
Nếu khách hàng đồng ý thì phải đóng tiền bảo hiểm từ 1,7 triệu đồng đến 3,9 triệu đồng tùy số tiền vay. Các nhân viên sau đó sẽ lấy thông tin khách rồi chuyển lại cho Thạch để làm giả hồ sơ đồng ý cho vay vốn của ngân hàng TP Bank nhằm lừa đảo.
Khi khách chốt vay, thì các nhân viên yêu cầu làm việc với bộ phận thẩm định và cung cấp các thông tin lý lịch liên quan để làm hồ sơ vay vốn, thẻ ATM. Thạch nắm được các thông tin này thì làm hồ sơ, thẻ ATM giả và thuê dịch vụ chuyển phát nhanh tại bưu cục Minh Phụng (địa chỉ: 277 Hậu Giang, phường 5, quận 6) để giao hợp đồng giả kèm theo một thẻ ATM ngân hàng TP bank giả cho khách, đồng thời nhờ bưu cục thu hộ các khoản phí bảo hiểm tiền vay nói trên.
Khi các nạn nhân nhận được hồ sơ, kiểm tra thấy các giấy tờ hợp đồng vay vốn và thẻ ATM giả. Tưởng là thật, và nộp phí bảo hiểm khoản vay từ 1,7 đến 3,9 triệu đồng thì chính thức bị lừa đảo.
Bước đầu, Công an quận Tân Phú xác định đến thời điểm này, đường dây lừa đảo do Thạch điều hành hoạt động từ khoảng đầu tháng 8-2022 đến nay. Số tiền mà bọn chúng chiếm đoạt của các bị hại trên khắp cả nước lên tới hơn 10 tỉ đồng, riêng số lượng bị hại tại địa bàn TP.HCM là khoảng 600 người.
Tuy nhiên, thực tế là nhiều nạn nhân không trình báo công an. Thậm chí nhiều người còn né tránh khi công an triệt phá đường dây, đề nghị cung cấp thông tin phục vụ xử lý.
Qua vụ việc, Công an TP.HCM cũng kêu gọi các bị hại của đường dây lừa đảo do Thạch cầm đầu, mạnh dạn liên hệ với cơ quan Công an gần nhất để phối hợp, cung cấp thông tin liên quan, phục vụ công tác điều tra được nhanh chóng, chính xác nhằm xử lý đúng người, đúng tội theo quy định.
Công an TP.HCM cũng khuyến cáo người dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng cần phải hết sức cẩn trọng, tìm hiểu thật kỹ các thông tin liên quan và chỉ nên tiếp cận với các giao dịch tín dụng, vay vốn ngân hàng hợp pháp để tránh sập bẫy của bọn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng tương tự như thế này với các phương thức, thủ đoạn tinh vi khác.