Nhóm ngành nào được hưởng lợi khi đẩy mạnh đầu tư công?

Đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025, kéo theo nhiều nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp khi dòng vốn bắt đầu chảy vào các dự án.

Động lực chính từ đầu tư công

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập 7 tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng ban hành Chỉ thị về các giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo mục tiêu GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên.

Theo chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt ít nhất 95% kế hoạch. Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2025 hoàn thành ít nhất 3.000km đường cao tốc, hơn 1.000km đường ven biển, cơ bản hoàn thiện Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài, khởi công bến cảng Liên Chiểu và hoàn thành thủ tục đầu tư cảng biển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM).

Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đặt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên. Theo đó, vốn đầu tư công được bổ sung thêm khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng), cao hơn 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch trước đó.

Đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Ảnh: VGP

Đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Ảnh: VGP

Theo ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu tại Ngân hàng UOB (Singapore), Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt mức tăng trưởng 8% hoặc cao hơn, tương tự như những giai đoạn bứt phá của Singapore và Trung Quốc trước đây.

Nhóm nghiên cứu của UOB cho rằng, đẩy mạnh đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt khi xuất khẩu và sản xuất đang gặp thách thức. Việc đầu tư vào hạ tầng không chỉ duy trì đà tăng trưởng mà còn giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện kết nối kinh tế và thu hút thêm vốn FDI.

Các chuyên gia Chứng khoán MBS cũng nhận định rằng giải ngân đầu tư công năm 2025 có thể tăng 18% so với cùng kỳ, với tỷ lệ thực hiện đạt 90 - 95%. Nhận định này dựa trên việc nợ công/GDP của Việt Nam giảm xuống 36 - 37% vào cuối năm 2024, thấp hơn mức trần 50% do Quốc hội quy định. Điều này tạo dư địa để Chính phủ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thông qua ngân sách và phát hành trái phiếu.

Ngoài ra, nhiều yếu tố khác cũng hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, như cải cách thủ tục nhờ Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật PPP, hay việc thay thế cát tự nhiên bằng cát biển tại một số khu vực để giải quyết tình trạng thiếu nguyên vật liệu trong xây dựng hạ tầng.

Nhóm ngành nào hưởng lợi?

Theo quan điểm của Chứng khoán MBS, các doanh nghiệp xây dựng và phát triển dự án có thể hưởng lợi, đặc biệt là những đơn vị trúng thầu các công trình trọng điểm dự kiến hoàn thành vào năm 2025 như cao tốc Bắc - Nam hay sân bay Long Thành.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2025 - 2028, kế hoạch triển khai thêm một số tuyến cao tốc mới như Hữu Nghị - Chi Lăng hay mở rộng các tuyến hiện hữu như TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận có thể giúp các doanh nghiệp xây dựng gia tăng giá trị hợp đồng.

Với nhóm xây dựng niêm yết, Chứng khoán MBS đánh giá cao các doanh nghiệp sở hữu kinh nghiệm triển khai dự án và backlog lớn, vì điều này không chỉ giúp họ hưởng lợi trực tiếp từ các dự án trọng điểm mà còn nâng cao lợi thế cạnh tranh trong quá trình đấu thầu.

Nhóm doanh nghiệp trúng thầu các dự án trọng điểm sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công.

Nhóm doanh nghiệp trúng thầu các dự án trọng điểm sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công.

Đối với các doanh nghiệp vận hành BOT, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng sẽ giúp gia tăng lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường quan trọng. Điển hình như tuyến BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, sau khi kết nối với tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ, lưu lượng xe đã tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Luật PPP cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình đấu thầu và phát triển các dự án mới, đồng thời hỗ trợ các tuyến BOT hiện hữu.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng như đá, thép, xi măng, nhựa đường cũng được dự báo hưởng lợi khi vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh.

Ở góc nhìn khác, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng bên cạnh nhóm xây dựng, các lĩnh vực như cảng biển, khu công nghiệp và cảng hàng không cũng sẽ nhận được lợi ích từ các dự án hạ tầng.

Việc nâng cấp hệ thống giao thông sẽ thúc đẩy ngành logistics, nâng cao khả năng kết nối giữa các khu vực sản xuất, phân phối và thị trường tiêu thụ trong nước lẫn quốc tế. Cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận hành, rút ngắn thời gian luân chuyển hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực, đồng thời tạo tiền đề cho sự tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, một số ngân hàng quốc doanh có thể hưởng lợi từ việc gia tăng giải ngân tín dụng cho các dự án công, nhờ danh mục tài sản ít rủi ro. Ngành bất động sản cũng có thể được hưởng lợi gián tiếp khi các dự án hạ tầng dần hoàn thiện, thay vì vẫn trong giai đoạn triển khai. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng để xác định các dự án có tiềm năng thực sự.

Thanh Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhom-nganh-nao-duoc-huong-loi-khi-day-manh-dau-tu-cong-192250326110941861.htm