Nhóm người cần cảnh giác với ung thư đường tiêu hóa

Ung thư đường tiêu hóa bao gồm ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản... Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 95%

Ung thư đường tiêu hóa là những tổn thương ác tính ở đường tiêu hóa bao gồm: thực quản, khoang miệng, dạ dày, đại trực tràng, ruột non, ống hậu môn. Bất kể vị trí nào thuộc đường tiêu hóa cũng có thể xuất hiện tổn thương ung thư.

Ai cần tầm soát ung thư đường tiêu hóa?

Để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa chính xác nhất đó là nội soi tiêu hóa. Do ở giai đoạn đầu khi những tổn thương mới xuất hiện trên bề mặt niêm mạc thường chưa hình thành khối u và chưa gây ra những biến đổi ở máu, chức năng khiến người bệnh ít có biểu hiện rõ ràng.

Nội soi đường tiêu hóa là phương pháp duy nhất để các bác sĩ có thể quan sát niêm mạc đường tiêu hóa và tìm ra các biến đổi nếu có. Ngoài ra, các phương pháp như xét nghiệm máu hay những phương pháp khác cũng không thể phát hiện sớm được ung thư đường tiêu hóa chính xác được như nội soi.

 Nội soi đường tiêu hóa là cách duy nhất giúp phát hiện sớm những tổn thương ung thư ở đường tiêu hóa.

Nội soi đường tiêu hóa là cách duy nhất giúp phát hiện sớm những tổn thương ung thư ở đường tiêu hóa.

Không phải đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc và cần tầm soát ung thư đường tiêu hóa. Tuy nhiên, có một số đối tượng sau sẽ có nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa cao hơn và nên tầm soát thường xuyên hơn.

- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư đường tiêu hóa hoặc các bệnh lý di truyền liên quan đến ung thư nói chung.

- Người từ 40 tuổi trở lên: nguy cơ mắc các bệnh lý ung thư đều tăng theo độ tuổi. Dựa trên nghiên cứu của 2 quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc, khuyến cáo những người từ 40 tuổi trở lên kể cả không có triệu chứng gì bất thường vẫn nên tầm soát ung thư với tần suất 2 năm/lần.

- Người mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa kéo dài như: trào ngược dạ dày kéo dài, co thắt tâm vị, viêm dạ dày mạn tính/có vi khuẩn HP, bệnh Cronhn, viêm loét đại trực tràng, đa polyp dạ dày…

- Người có lối sống không khoa học: ăn nhiều đồ chua cay, dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thói quen ít vận động và sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…

Người bệnh có thể kết hợp tầm soát ung thư khi thăm khám sức khỏe hoặc trong trường hợp gặp vấn đề về đường tiêu hóa và được bác sĩ chỉ định nội soi tiêu hóa, lúc này có thể kết hợp thêm tầm soát.

 Ung thư đường tiêu hóa khá phổ biến, với tỷ lệ mắc và tử vong cao trên toàn cầu.

Ung thư đường tiêu hóa khá phổ biến, với tỷ lệ mắc và tử vong cao trên toàn cầu.

Ung thư đường tiêu hóa có chữa được không?

Trong các loại ung thư đường tiêu hóa, thường gặp nhất là ung thư đại tràng, ung thư trực tràng và ung thư dạ dày. Tùy vào tình trạng người bệnh cũng như loại ung thư mắc phải, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị.

Chủ yếu có 3 phương pháp chính khi điều trị ung thư đường tiêu hóa là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Trong đó, phẫu thuật là phương pháp được xem là phương pháp chủ đạo để cắt bỏ các khối u cũng như nạo vét tổ chức hạch xung quanh, giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh…

Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 95%. Tuy nhiên, thường ở giai đoạn sớm bệnh ít có biểu hiện và chỉ có thể phát hiện thông qua tầm soát.

Ở giai đoạn muộn, ung thư đường tiêu hóa sẽ có các biểu hiện như:

- Nuốt nghẹn, nuốt vướng

- Chán ăn

- Gầy, sút cân không rõ lý do

- Rối loạn tiêu hóa

ThS.BS Trần Đức Cảnh - Bệnh viện K / Sức Khỏe & Đời Sống

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhom-nguoi-can-canh-giac-voi-ung-thu-duong-tieu-hoa-post1503813.html