Nhóm người 'cởi truồng' trên đèo Mã Pì Lèng có thể bị xử phạt 50 triệu đồng
Các luật sư cho rằng hành vi của nhóm người này là phản cảm, trái thuần phong mỹ tục và có thể xử phạt lên tới 50 triệu đồng.
Liên quan đến vụ việc nhóm người của hot facebooker Hiếu Orion khỏa thân, livestream trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) đang khiến dư luận phẫn nộ, trả lời PV VTC News, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng hành vi của nhóm người này là phản cảm, trái thuần phong mỹ tục và cần phải được xử lý.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc”.
“Do đó, hành vi này dù được truyền thông dưới bất kỳ thông điệp nào thì cũng cần bị xử phạt nghiêm minh để không thể tiếp diễn các hành động phản cảm với danh lam thắng cảnh”, luật sư Bình nói.
Luật sư Bình cho biết thêm trước đây, tại Điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP có quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh.
Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60 ngàn đến 100 ngàn đồng với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.
Tuy nhiên, Nghị định 73/2010 đã hết hiệu lực kể từ 28/12/2013 và được thay thế bởi Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình.
Điều khoản về hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh không còn xuất hiện trong Nghị định 167.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch nhằm định hướng và nhắc nhở du khách những điều nên – không nên làm khi đặt chân đến mỗi địa danh, trong đó có các quy tắc như xếp hàng theo thứ tự, tuân thủ giờ giấc, trang phục lịch sự, ứng xử văn minh.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ dừng lại ở bộ quy tắc ứng xử mang tính khuyến khích chứ không phải quy định về điều luật xử phạt mang tính chế tài, không có tác dụng ngăn chặn tình trạng này.
Gần nhất, Nghị định 45/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1/8/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, mới có quy định về xử phạt hành vi vi phạm của khách du lịch.
“Các hành vi được nêu ra cũng khá chung chung như: không thực hiện nội quy, quy định của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch; hành vi ứng xử không văn minh hoặc không tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương nơi đến du lịch; hành vi gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam... mà vẫn chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng hơn là những hành vi cụ thể nào.
Vì thế, vụ việc du khách khỏa thân không thể xử phạt. Thế nên dù đã có căn cứ xử phạt như trên, nhưng hành vi “khoe thân” vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng tăng lên”, luật sư Bình cho hay.
Hành vi này dù được truyền thông dưới bất kỳ thông điệp nào thì cũng cần bị xử phạt nghiêm minh để không thể tiếp diễn các hành động phản cảm với danh lam thắng cảnh
Luật sư Diệp Năng Bình
Còn theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội), Điểm g, Khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác...
Tuy nhiên, nếu chụp ảnh khỏa thân của mình rồi đăng lên mạng mà không đến mức xác định là “văn hóa phẩm đồi trụy” thì hiện nay không có chế tài cụ thể để xử lý.
Theo luật sư Cường, trong xã hội có nhiều quy phạm để điều chỉnh hành vi con người trong đó bao gồm quy phạm xã hội và quy phạm pháp luật. Những quy phạm đó hướng đến những chuẩn mực nhất định để mọi người tuân theo (chuẩn mực pháp luật, chuẩn mực đạo đức, xã hội).
Bởi vậy, không phải hành vi nào của con người cũng được điều chỉnh bởi pháp luật, bị chi phối bởi các quy phạm pháp luật mà còn có các quy phạm xã hội khác như văn hóa, tập quán, tín điều tôn giáo...
Nếu hành vi khỏa thân nơi công cộng kèm theo những động tác, hình ảnh phản cảm có tính chất dung tục, khiêu dâm, kích dục tác động xấu đến tâm lý của người khác thì mới bị pháp luật xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự
Luật sư Đặng Văn Cường
“Việc ăn mặc hở hang, khỏa thân nơi công cộng là hành động thiếu chuẩn mực, không phù hợp với văn hóa xã hội nên sẽ bị người đời cười chê, người bình thường thì sẽ thấy xấu hổ nên không cần phải có sự điều chỉnh của pháp luật về hành vi này.
Nếu hành vi khỏa thân nơi công cộng kèm theo những động tác, hình ảnh phản cảm có tính chất dung tục, khiêu dâm, kích dục tác động xấu đến tâm lý của người khác thì mới bị pháp luật xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự”, luật sư Cường nói.
Trả lời VTC News, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng đây là hành động rất phản cảm, cần phải lên án mạnh mẽ để tránh tình trạng có những người lợi dụng những vấn đề xã hội, môi trường để tạo dựng tên tuổi.
"Đúng là trên thế giới, có nhiều phong trào khỏa thân để thu hút sự quan tâm của công chúng đối với những vấn đề nóng, trong đó có những vấn đề về môi trường.
Truyền hình hay các phương tiện truyền thông khác đã đăng tải những sự kiện này như một sự đánh thức nhận thức của mọi người về những vấn đề quan trọng.
Tuy nhiên, câu chuyện ở Mã Pì Lèng lại khác. Đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Các cơ quan quản lý cũng đã vào cuộc, không cần thu hút thêm sự quan tâm của dư luận, công chúng.
Đây là hành động rất phản cảm, cần phải lên án mạnh mẽ để tránh tình trạng có những người lợi dụng những vấn đề xã hội, môi trường để tạo dựng tên tuổi.
Đúng là trên thế giới, có nhiều phong trào khỏa thân để thu hút sự quan tâm của công chúng đối với những vấn đề nóng, trong đó có những vấn đề về môi trường.
Truyền hình hay các phương tiện truyền thông khác đã đăng tải những sự kiện này như một sự đánh thức nhận thức của mọi người về những vấn đề quan trọng.
Tuy nhiên, câu chuyện ở Mã Pì Lèng lại khác. Đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Các cơ quan quản lý cũng đã vào cuộc, không cần thu hút thêm sự quan tâm của dư luận, công chúng.
Vì thế, chúng ta cần phản đối những hành động phản cảm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội như thế này", PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam bày tỏ.