Nhộm nhoạm thị trường rau an toàn: Rau bán trong siêu thị, có thật là rau sạch? (Bài 1)
Chấp nhận bỏ ra số tiền gấp 3, gấp 4 lần so với giá rau trên thị trường để mua rau an toàn trong siêu thị, tuy nhiên người tiêu dùng liên tục ăn 'quả đắng' khi không ít vụ việc rau không nguồn gốc xuất xứ từ chợ đầu mối 'đội lốt' rau 'sạch' nghiễm nhiên nằm trên kệ siêu thị bị phanh phui. Người tiêu dùng đã tỏ ra e dè, cẩn trọng, thậm chí là ngần ngại khi lựa chọn rau an toàn trong các siêu thị. Thị trường rau 'sạch', rau 'bẩn' nhộm nhoạm gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Đâu là rau an toàn?
Dạo một vòng quanh các siêu thị như Winmart, Sói Biển, Bác Tôm…, theo ghi nhận của chúng tôi, nhu cầu tiêu thụ rau sạch của người tiêu dùng vẫn được duy trì. Tuy nhiên, họ tỏ ra e dè, cẩn trọng hơn khi lựa chọn các sản phẩm rau “sạch”. Tại cửa hàng Sói Biển, số 65 phố Trần Nhân Tông sáng 4/10, trên kệ rau, rất nhiều sản phẩm rau hữu cơ, rau an toàn của các thương hiệu như rau hữu cơ Thanh Xuân, rau Đà Lạt... được bày bán.
Chị Thúy Hà, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, rau là mặt hàng thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày của gia đình. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả nhà, chị Hà sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp 3, 4 lần so với ngoài chợ để vào siêu thị mua được rau an toàn, rau sạch.
Chỉ vào bó rau cải của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội, chị Hà chia sẻ: “Với 4 lạng rau cải này, nếu mua ở chợ tôi chỉ mất 5.000 đồng, nhưng mua tại siêu thị giá lên đến 16.000 đồng. Tuy nhiên, giờ tôi phải chú ý đọc các thông tin, xem kỹ sản phẩm hơn, bởi chỉ lo mua phải sản phẩm “dỏm”. Sau khi xem qua xem lại, chị Hà đã quyết định mua 1 bó rau hữu cơ của HTX nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân. “Rau này có ngày tháng đóng gói, số lượng, địa chỉ đơn vị cung cấp rõ ràng và quan trọng hơn là nhìn cằn cỗi, lá rau xấu nên tôi tạm yên tâm”, chị Hà nói.
Tại cửa hàng Bác Tôm, số 50 Lê Đại Hành, sáng 4/10, các nhân viên đang lúi húi sơ chế, đóng gói các sản phẩm rau “sạch”. Theo quan sát của chúng tôi, nguồn cung cấp rau “sạch” cho hệ thống cửa hàng Bác Tôm rất đa dạng, phong phú như rau hữu cơ Đại Ngàn của Công ty TNHH khai thác tiềm năng Thái Hòa, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội; rau sạch của hợp tác xã (HTX) Viên Sơn, Sơn Tây, Hà Nội; rau từ Sa Pa chuyển về… Thậm chí, còn có cả những túi rau không có bất kỳ thông tin nào trên bao bì cũng được bày bán trên kệ.
Mang thắc mắc về việc rau không có nhãn mác bày bán, nhân viên bán hàng giải thích: “Siêu thị lấy rau sạch từ nhiều nguồn hàng khác nhau như Sa Pa, Đà Lạt đến các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội. Rau được nhập về mới sơ chế và đóng gói. Chỗ rau không có nhãn mác là do sơ chế xong những chưa dán”. Loay hoay giữa nhiều loại rau, chị Trần Ngọc Yến, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Ngoài chiếc túi nilon bọc bên ngoài rau mang theo thông tin về sản phẩm thì người tiêu dùng không biết căn cứ vào đâu để có thể biết đây có phải là rau "sạch” hay không”.
Là người có thói quen thường xuyên mua rau “sạch” tại siêu thị Winmart, chị Nguyễn Thị Hương, trú tại Đông Anh, Hà Nội giờ đã tỏ ra ngần ngại với rau được bán trong siêu thị. Chị cho biết: “Tôi có thói quen mua rau sạch trong siêu thị từ nhiều năm nay, đặc biệt phải là các sản phẩm rau được dán nhãn, có thông tin, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Mỗi lần mua rau cũng mất vài chục ngàn cho một bữa ăn. Thế nhưng sau sự việc rau chợ được “phù phép” dán mác rau VietGAP bán vào siêu thị Winmart và Tiki ngon mới bị báo chí phanh phui, tôi lo lắng không biết liệu mình đã mua phải chưa”…
Ký khống, “nhồi” rau “bẩn” vào hợp đồng
Có thể thấy, nhu cầu sử dụng rau an toàn của người dân rất bức thiết nhưng mua ở đâu để được sử dụng đúng rau an toàn và đúng với số tiền bỏ ra sau khi không ít sự việc rau chợ được “phù phép” vào siêu thị mà báo chí mới phanh phui. Có những thời điểm, các cửa hàng kinh doanh rau “sạch” mọc lên ồ ạt tại Hà Nội để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng. Thế nhưng, mọc lên nhiều thì cũng không ít dự án sản xuất và kinh doanh rau an toàn bị phá sản và “chết yểu” bởi chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” và không cạnh tranh được với thói quen mua rau ở chợ dân sinh của người tiêu dùng.
Là một người tâm huyết với các dự án rau an toàn, bà Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ nhiệm HTX Ba Chữ, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội chia sẻ, với 32 ha rau an toàn, trong đó có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, hiện rau an toàn Ba Chữ được sản xuất theo quy trình thanh tra, giám sát chặt chẽ. HTX Ba Chữ đang ký hợp đồng với 20 đơn vị gồm các HTX và công ty chuyên thu mua, sơ chế và đưa ra thị trường. Tuy đầu ra của rau an toàn Ba Chữ không khó khăn nhưng giá thành không cao do sự cạnh tranh giá cả. Người dân có thói quen mua rau ở chợ dân sinh do giá rau rẻ, chỉ bằng 1/3 so với ở siêu thị và lại tiện.
Bà Huyền thở dài: “Những cơ sở cung cấp rau an toàn chân chính không trụ được lâu dài do giá cả không cạnh tranh được trong khi phải chi trả rất nhiều chi phí khác từ thuê cửa hàng, nhân viên… mà rau thì “sáng tươi, chiều héo”. Người kinh doanh không có lương tâm thì ký hợp đồng rồi lại “nhồi” thêm rau trôi nổi vào”.
Đặc biệt, theo quy định, các đơn vị kinh doanh phải mua ít nhất 70% sản phẩm rau an toàn thì HTX Ba Chữ mới ký hợp đồng. Tuy nhiên, trước đây, có đơn vị ký hợp đồng với HTX Ba Chữ nhưng lại không lấy sản phẩm và lãnh đạo HTX cũng không rõ họ lấy rau từ đâu để “nhồi” vào hợp đồng. “Ngay khi phát hiện các hợp đồng khống, chúng tôi đã cắt luôn. Đến nay, đơn vị nào phải lấy rau của Ba Chữ chúng tôi mới ký hợp đồng ”, bà Huyền bức xúc.
Cách đây vài năm, Hà Nội đã chi hơn 100 tỷ đồng để thực hiện “Đề án Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2009-2016”, nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi gì từ dự án khi đến 80% rau an toàn lại tiêu thụ ở các chợ dân sinh?