Nhóm ôtô bán chậm nhất thị trường - xe gầm thấp chiếm đa số
Đa số ôtô xuất hiện trong nhóm bán chậm của tháng 6 đều là xe gầm thấp ở đa dạng tầm giá. Đặc biệt, ngoại trừ Toyota Camry, gần như toàn bộ nhóm sedan hạng D đều góp mặt trong danh sách này.
Trong tháng cuối quý 2, Toyota bán được thành công 8 chiếc Alphard, bao gồm 7 chiếc động cơ đốt trong và một xe thuộc phiên bản hybrid. Doanh số nằm ở hàng đơn vị tiếp tục khiến Alphard trở thành xe bán chậm nhất thị trường. "Chuyên cơ mặt đất" Toyota Alphard là ôtô đắt nhất của Toyota tại Việt Nam, giá niêm yết khoảng 4,63 tỷ đồng. Mức giá cao là lý do chính khiến Alphard kén khách hàng cũng như liên tục góp mặt trong nhóm 10 xe bán chậm hàng tháng.
Mặc dù đã tăng gấp đôi lượng xe bán ra (8 chiếc) so với tháng 5, Honda Accord vẫn chưa thể thoát khỏi nhóm bán chậm. Cộng dồn 6 tháng đầu năm, Honda Việt Nam chỉ bán được tổng 48 chiếc Accord bất chấp hãng và đại lý đã liên tục triển khai các chương trình ưu đãi, khuyến mại sâu trị giá hơn 200 triệu đồng. Hiện tại, Honda Accord đang được bán với giá khởi điểm 1,319 tỷ đồng.
Suzuki Swift cũng là một cái tên quen thuộc luôn xuất hiện trong nhóm bán chậm. Trong tháng 6, doanh số của mẫu xe này đạt 9 chiếc, giảm hơn 57,1% so với tháng trước đó. Sự lao dốc này khiến Swift rơi hẳn xuống vị trí mẫu xe bán chậm thứ 3 thị trường. Suzuki Swift được mở bán duy nhất phiên bản GLX CVT tại thị trường Việt Nam, giá niêm yết 560 triệu đồng.
Toyota Corolla Altis, mẫu sedan cỡ C của hãng xe Nhật Bản cũng góp mặt ở top 10 bán chậm của tháng cuối quý 2. Trong tháng 6, Toyota bán thành công 15 chiếc Corolla Altis, giảm 20 xe so với kỳ báo cáo trước đó. Con số này cũng là kết quả bán hàng thấp nhất của Corolla Altis trong nửa đầu năm nay . Trước đó vào quý một, lượng xe Corolla Altis bán ra trung bình 30 xe/tháng. Tại Việt Nam, Toyota Corolla Altis có giá niêm yết khoảng 725-780 triệu đồng với 2 bản động cơ xăng. Phiên bản HEV được mở bán với giá 870 triệu đồng.
So với tháng 5, doanh số của Isuzu Mu-X trong tháng 6 đã tăng 50%, đạt 18 chiếc. Thế nhưng lượng xe bán ra không đến 20 chiếc/tháng dĩ nhiên không thể giúp Mu-X thoát khỏi top bán chậm của thị trường. Isuzu mu-X được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan và phân phối tại Việt Nam với 4 phiên bản, giá niêm yết từ 900 triệu đến 1,19 tỷ đồng.
Một đại diện khác của phân khúc sedan cỡ D bất ngờ xuất hiện trong nhóm bán chậm là Mazda6. So với tháng 5, Mazda6 giảm hơn 73% lượng xe bán ra thị trường, đạt 21 chiếc. Đây cũng là một trong những kết quả bán hàng kém nhất của Mazda6 trong nửa đầu năm nay, chỉ cao hơn doanh số 15 chiếc của tháng 2. Tại Việt Nam, giá niêm yết của mẫu sedan này nay chỉ từ 700 triệu đồng sau khi được điều chỉnh giá vào tháng 4.
Kia K5, đối thủ của Honda Accord và Mazda6, cũng rơi vào nhóm bán chậm của tháng. Từ cuối quý một, doanh số của K5 đã suy yếu về khoảng 17-24 xe/tháng. Trong tháng 6, Thaco bán được 21 chiếc K5, tăng một xe so với kỳ báo cáo trước đó. Tại Việt Nam, Kia K5 có tổng cộng 3 phiên bản, giá niêm yết từ 859 triệu đến 999 triệu đồng.
Suzuki XL7 là một cái tên gây ra nhiều biến động về doanh số trên thị trường trong những tháng đầu năm nay. Cuối tháng 3, Suzuki bất ngờ bán được 677 chiếc XL7, rồi giảm 391 chiếc trong tháng 4. Thế nhưng doanh số của mẫu xe này lại tiếp tục giảm hẳn về mức 28 xe trong trong tháng cuối quý 2. Theo nhiều nguồn tin, Suzuki đang lên kế hoạch khai tử XL7 bản xăng trong năm nay và thay bằng động cơ hybrid. Đây cũng có thể là lý do khiến doanh số của mẫu MPV này giảm sâu trong tháng 6 khi đại lý dần bán hết xe tồn kho.
Những tháng đầu năm, doanh số của Isuzu D-Max dao động trung bình ở mức 18 chiếc/tháng. Thế nhưng ngay từ đầu quý 2, lượng xe D-Max bán ra thị trường đã có dấu hiệu tăng trưởng nhưng không quá ấn tượng. Trong tháng 6, thương hiệu ôtô Nhật Bản giao thành công 30 chiếc D-Max, giảm 6% so với kết quả báo cáo tháng trước. Xe được bán tại Việt Nam với tổng cộng 5 phiên bản, giá niêm yết dao động 650-880 triệu đồng.
Một mẫu sedan khác cũng lọt nhóm bán chậm của tháng 6 là Kia Soluto. Trong tháng 6, doanh số của mẫu sedan cỡ B này đạt 45 xe, tương đương mức tăng 80% so với kết quả bán hàng của tháng 5. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của các đối thủ như Toyota Vios hay Hyundai Accent là quá lớn, khiến Soluto khó lòng leo lên nhóm bán chạy trong phân khúc. Thậm chí, dù đã có nhiều cải thiện về vị trí trên đường đua doanh số, Soluto vẫn chưa thể rời khỏi nhóm bán chậm của toàn thị trường. Tại Việt Nam, Kia Soluto được mở bán với 4 phiên bản, giá dao động 386-462 triệu đồng.
Tháng cuối quý 2 cũng ghi nhận loạt xe trắng doanh số bao gồm Toyota Yaris, Honda Civic Type R, Mazda BT-50 và Suzuki Ciaz vì nhiều nguyên nhân. Thực tế, ngoại trừ Type R, cả 3 cái tên còn lại đều đã được các thương hiệu lên kế hoạch khai tử từ đầu quý 2. Trong khi đó, Honda Civic Type R lại là mẫu sedan được định vị ở phân khúc cao cấp với nguồn cung không dồi dào vì vậy khó để có doanh số ổn định như những xe bình dân khác trên thị trường.