Nhóm phát cơm từ thiện trong đêm rét 9 độ ở Hà Nội

Dưới thời tiết rét đậm ở Hà Nội, hơn 20 sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội đi dọc nhiều con phố để tặng cơm nóng, mì tôm, lương khô, quần áo cho người vô gia cư phải sống tạm trên vỉa hè.

“Lạnh, mệt nhưng vui lắm. Có đi mới biết còn nhiều người khổ quá. Mong sao các ông, các bà, các cô cảm thấy ấm bụng đôi chút”, Trương Hồ Tân (sinh năm 2000, quê Bạc Liêu) nói với Zing ngay khi trao những suất cơm từ thiện cuối cùng cho người vô gia cư nằm dọc vỉa hè đối diện Ga Hà Nội.

Đồng hồ chỉ 0h ngày 9/1, nhiệt độ xuống dưới 9 độ C kèm gió rét, Tân cùng hơn 20 bạn trẻ lấy xe ra về với nụ cười trên môi. Họ đều là thành viên của CLB HNUE Glee Musical thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hoạt động tặng đồ cho người vô gia cư ở Hà Nội kể trên thuộc dự án thiện nguyện Glego, được CLB phát động năm đầu tiên.

20h30 tối 8/1, sau khi 30 suất cơm, cháo nóng, bánh mì, lương khô, quần áo, tất được chia đều thành 3 phần, 3 nhóm xuất phát từ cổng trường theo lộ trình khác nhau.

Trước khi đi, nhóm được một anh bạn người Mỹ gốc Việt quyên góp thêm 2 túi đồ ăn đóng hộp và cùng tham gia. Zing theo chân các bạn sinh viên hướng về khu vực hồ Hoàn Kiếm.

 CLB HNUE Glee Musical thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hoạt động tặng đồ cho người vô gia cư tối 8/1.

CLB HNUE Glee Musical thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hoạt động tặng đồ cho người vô gia cư tối 8/1.

Co ro trong đêm lạnh

Qua tham khảo nhiều ý kiến trên diễn đàn mạng về những địa điểm có người vô gia cư tá túc hàng đêm, nhóm chọn nơi đến đầu tiên là khu vực chợ Đồng Xuân.

Càng về đêm, không khí càng buốt. Phố đi bộ Hoàn Kiếm vắng vẻ hơn bình thường. Tuy nhiên, cả nhóm đi bộ hơn 1 tiếng tới những điểm được giới thiệu, cũng như hỏi thăm bác xe ôm, cô lao công, bà bán trà đá trên đường đều không tìm gặp được người vô gia cư nào.

Một số người dân cho biết vì còn khá sớm, nhiều cụ ông, cụ bà vô gia cư chưa dọn đồ tới nghỉ.

23h, nhận được tin báo từ nhóm khác cùng CLB, các bạn sinh viên di chuyển đến khu vực đường Hai Bà Trưng, xung quanh Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba.

Tại đây, khoảng 10 người vô gia cư, đều đã lớn tuổi, nằm co ro dọc theo vỉa hè 2 bên đường.

 Sau nhiều năm sống lang thang trên vỉa hè Hà Nội, gần đây ông Quý được nhà hảo tâm thuê cho căn phòng nhỏ để ở.

Sau nhiều năm sống lang thang trên vỉa hè Hà Nội, gần đây ông Quý được nhà hảo tâm thuê cho căn phòng nhỏ để ở.

Không “tay xách nách mang” theo những bọc lớn đựng chăn, chiếu hay quần áo như những người xung quanh, ông Quý (69 tuổi) kể với Zing mình là người gốc Hà Nội.

Ông Quý không có vợ con, người thân, sống lang thang trên đường phố thủ đô vài chục năm nay. Gần đây, ông được một số mạnh thường quân giúp đỡ, thuê cho căn phòng nhỏ trên đường Trần Quý Cáp.

Chân phải ông bị teo, đi lại khó khăn. Nhiều đêm đau nhức không ngủ được, ông lại ra khu vực gần bệnh viện trò chuyện với những người vô gia cư.

Nhận ly cháo và suất cơm nóng từ tay sinh viên, ông Quý liên tục nói cảm ơn. Rồi ông chỉ sang phía người đàn ông ngồi cách một đoạn: “Chú ấy khổ lắm, bị suy tim giai đoạn 3. Tối nào cũng ra đây ngủ”.

Người được ông Quý nói đến là ông Phạm Trung Hiếu (61 tuổi, quê gốc Hưng Yên, hiện sống ở Quảng Bình). Ngoài bệnh tim, ông còn mắc đủ chứng bệnh khác như tăng huyết áp vô căn, viêm gan, trào ngược dạ dày, rối loạn chức năng tiền đình…

5 tháng nay, ông Hiếu đi hết Bệnh viện Thanh Nhàn rồi Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba thăm khám, lấy thuốc. Không thể lo liệu chi phí nằm viện lên đến hàng triệu đồng/tháng, chưa kể tiền thuốc, mỗi tối, ông lại mang bọc chăn, quần áo ngủ nhờ phía trước cửa hàng đã đóng cửa.

“Chú ngủ gần đây có mệnh hệ gì còn vào viện truyền ngay. Ngày trước khỏe hơn, ban ngày chú tranh thủ đi bán hoa, đánh giày. Giờ yếu quá phải nghỉ. Vợ con chú có ở quê nhưng cô phải nuôi 3 đứa ăn học, không có gì gửi ra”, ông giọng buồn kể.

Thương hoàn cảnh của ông Hiếu, Tòa Thánh cạnh bệnh viện cho ông cơm ăn miễn phí mỗi ngày. Còn chăn, quần áo, tiền thuốc hơn 2 triệu/tháng được một số mạnh thường quân giúp đỡ.

Nhìn thấy máy ảnh, ông Hiếu liền xua tay. Ông nói có lần người ta tự ý chụp hình ông và đưa lên Facebook, vợ con ở quê thấy gọi điện ra khóc. Dịp Tết Âm lịch sắp đến, ông Hiếu muốn về nhà nhưng đành phải ở lại một mình nơi đất khách quê người vì bệnh tình không cho phép.

Nhìn nhóm sinh viên đi làm việc thiện, ông Hiếu xúc động vì “các cháu cũng tầm tuổi con chú”. Chào tạm biệt mọi người, ông không quên dặn họ học tập chăm chỉ.

Cùng lúc đó, trên đường Hai Bà Trưng, nhóm khoảng 25 sinh viên từ Đội sinh viên tình nguyện Viện Điện tử - Viễn thông, ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng mang cháo, dầu gió phát tặng cho người vô gia cư giữa đêm lạnh.

Nhiều nhóm sinh viên tình nguyện đi phát tặng đồ cho người vô gia cư trong đêm thời tiết Hà Nội xuống dưới 10 độ C.

Nhiều nhóm sinh viên tình nguyện đi phát tặng đồ cho người vô gia cư trong đêm thời tiết Hà Nội xuống dưới 10 độ C.

“Tiện đâu ngủ đấy”

Trên đường hướng về Ga Hà Nội, không khó bắt gặp cảnh người vô gia cư nằm co ro trước cửa ngân hàng, tòa nhà dọc phố Lê Thánh Tông. Họ chủ yếu đã lớn tuổi, không gia đình và có bệnh tật. Người may mắn hơn có tấm chăn mỏng hay mảnh đệm cũ sờn để nằm chống chọi với cái lạnh. Có cụ bà ngồi bó gối, tựa vào tường tìm giấc ngủ chập chờn.

Quanh khu vực Ga Hà Nội, nhiều người làm nghề thu nhặt ve chai hay xe ôm cũng tập trung về nghỉ mỗi tối.

Vừa thấy nhóm tình nguyện, bà Hường (ngoài 60 tuổi) chủ động tới gần xin suất cơm nóng. Nhận được thêm quần áo ấm, bà rối rít cảm ơn. Bà Hường kể mình rời quê Thanh Hóa lên Hà Nội nhặt ve chai vài chục năm nay.

Tài sản đánh giá nhất chỉ có chiếc xe đạp cũ, hàng ngày, bà đạp xe khắp nẻo đường thủ đô để nhặt phế liệu.

“Mùa đông rồi người ta không nhậu nhiều nên cũng ít lon bia, vỏ chai để nhặt. Mỗi ngày, tôi chỉ kiếm được 20.000-30.000 đồng, đủ mua cái bánh mì, suất cơm lót dạ. Có đứa cháu họ hàng xa ở gần đây cũng thương, cho tôi ngủ nhờ buổi tối. Nhưng hôm nào tiện tôi mới ghé, còn không thì tiện đâu ngủ đấy”, bà Hường nói.

Nhiều người vô gia cư làm nghề nhặt ve chai, xe ôm nằm ngủ dọc vỉa hè đối diện Ga Hà Nội.

Nhiều người vô gia cư làm nghề nhặt ve chai, xe ôm nằm ngủ dọc vỉa hè đối diện Ga Hà Nội.

Ngồi gần đó, bà Lụa và bà Thu (cùng 67 tuổi) ngồi trên tấm bìa, nhìn dòng người qua lại trên phố. Cả hai bà không có chồng con, cùng làm nghề nhặt ve chai, có chiếc xe đạp là thứ đáng giá nhất.

Vừa tranh thủ ăn ly cháo từ thiện còn ấm, bà Lụa kể gần đây, trời rét nên bà không nhặt được nhiều ve chai. Tuy vậy, mỗi sáng 4h, bà lại trở dậy, đạp xe rong ruổi khắp ngõ ngách của thủ đô để kiếm đồng rau, đồng muối.

Nhiều năm qua, bà Lụa chưa từng thuê nhà để ở, có gì ăn nấy cho qua ngày. Nhiều người thương cũng hay cho bà đồ ăn.

Còn bà Thu, gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, nói bà có nhiều bệnh, song “sống lang thang vỉa hè suốt cả đời thế này lấy tiền đâu mà đi mổ”. Bà nói từ khi còn trẻ, bà đã phải vật lộn mưu sinh trên đường phố bằng nghề mua ve chai, đồng nát.

“Ngày kiếm được nhiều tiền thì ăn cơm, ít ăn bánh mì, không thì nhịn đói, ai cho gì ăn nấy. Bà không đi xa được, chỉ loanh quanh khu vực Ga Hà Nội rồi tối về ngủ”, bà Thu chia sẻ.

Không vội ăn ly cháo, bà nói để nguội đổ nước sôi vào vẫn ngon lành. Sau đó, bà cầm hộp đồ ăn lên rồi hỏi cách sử dụng.

Bà Lụa và bà Thu (ảnh trái) lang thang trên đường phố Hà Nội hàng chục năm qua. Hai bà đồng cảnh ngộ nên sống nương tựa vào nhau.

Bà Lụa và bà Thu (ảnh trái) lang thang trên đường phố Hà Nội hàng chục năm qua. Hai bà đồng cảnh ngộ nên sống nương tựa vào nhau.

Trời về khuya, đồ thiện nguyện cũng phát gần hết, nhóm sinh viên CLB HNUE Glee Musical quyết định đi về. Còn vài suất ăn, họ dự định tặng cho những người vô gia cư gặp trên đường về nhà.

Trương Hồ Tân, chủ nhiệm CLB, cho biết vào cuối tháng 1, cả nhóm sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động tương tự để chia sẻ khó khăn với những mảnh đời kém may mắn.

Thảo Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhom-phat-com-tu-thien-trong-dem-ret-9-do-o-ha-noi-post1171674.html