Nhóm sinh viên đam mê chế tác sản phẩm văn hóa đặc thù nhằm phát triển du lịch

Một điều dễ nhận thấy là sự trùng lặp, na ná nhau về sản phẩm văn hóa dành cho khách du lịch đã tồn tại nhiều năm qua, nhưng đến nay chưa có nhiều thay đổi đột phá. Điều này đã thôi thúc nhóm sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện các sản phẩm đặc thù, góp phần thu hút khách du lịch khám phá văn hóa Việt.

 Nhóm 4 thành viên và các sản phẩm của mình

Nhóm 4 thành viên và các sản phẩm của mình

Từ hình ảnh động vật trong sách đỏ

2 sản phẩm đầu tiên của nhóm là ấn phẩm cho bộ quà tặng văn phòng và chân nến được thiết kế từ hình ảnh 2 loài động vật đặc hữu là chim Hồng Hoàng và Thỏ rừng Trường Sơn. Các tác phẩm trên nhằm đưa giá trị tinh hoa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế dưới góc nhìn nghệ thuật và bền vững, đồng thời tôn vinh những giá trị di sản thông qua thiết kế đương đại.

Trưởng nhóm Đặng Thị Huyền

Trưởng nhóm Đặng Thị Huyền

Trưởng nhóm Đặng Thị Huyền, sinh viên khoa Thiết kế mỹ thuật, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: "Nhóm gồm 4 thành viên đều là sinh viên Trường Đại học Kiến trúc. Nhóm thực hiện dự án mang tên Ecovn Design - Sử dụng hình ảnh hệ sinh thái đặc hữu của quốc gia vào thiết kế và sản xuất sản phẩm trang trí nhằm quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam. Đây là sản phẩm thủ công mỹ nghệ dựa trên động thực vật đặc hữu nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách với ý nghĩa bảo vệ thiên nhiên và tôn vinh các giá trị văn hóa cổ truyền, đáp ứng các nhu cầu sở hữu các tác phẩm nghệ thuật độc bản có giá trị cao".

Chia sẻ về ý tưởng độc đáo này, Huyền cũng cho biết, ban đầu nhóm nhận thấy sản phẩm quà tặng du lịch tại bất kì địa điểm du lịch nào ở Việt Nam đều giống nhau về hình thức lẫn nội dung. Trong khi đó ở Việt Nam có rất nhiều chủ đề mà chúng ta có thể khai thác hình ảnh và sản xuất thành những sản phẩm riêng biệt cho từng địa điểm du lịch. Nhóm đã lên ý tưởng và nghiên cứu, thu thập thông tin về động thực vật trong Sách Đỏ. Nhóm hợp tác với các nghệ nhân tại các làng nghề trong việc thiết kế dựa trên hình ảnh kết hợp với hoa văn, chất liệu truyền thống. Nhóm cũng hy vọng các tác phẩm sẽ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu văn hóa Việt Nam và là những tác phẩm nghệ thuật độc bản dành cho các nhà sưu tập trong nước và quốc tế.

Bạn Bùi Thị Như Quỳnh, một thành viên của nhóm, cho biết, để làm nên những sản phẩm tinh xảo và độc bản này, nhóm đã sử dụng công nghệ in 3D, các công nghệ đồ họa và AI. Các tác phẩm này sẽ được dùng để trang trí cho các công trình kiến trúc như nhà cửa, nhà hàng, cafe, khách sạn, resort; các công trình văn hóa như tranh, phù điêu treo tường, đồ trang trí bàn ăn, tủ tivi, trang trí sảnh, bàn tiệc, cấu kiện kiến trúc và đồ nội thất. Ngoài ra còn là quà tặng cao cấp, biểu tượng điêu khắc đô thị.

"Các tác phẩm này không chỉ mang giá trị trưng bày mà còn là những hiện vật và dụng cụ trực quan, hình ảnh, mô hình phục vụ giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật trong Sách Đỏ", Như Quỳnh cho biết.

Xuất khẩu văn hóa Việt

Những tác phẩm mà nhóm thực hiện đã thể hiện rõ tầm nhìn và mục tiêu xuất khẩu văn hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua việc thiết kế và chế tác mang giá trị đặc trưng riêng biệt và biểu tượng của Việt Nam. Qua đó, phát huy, truyền bá nghề thủ công truyền thống như sơn mài, gốm,… thông qua việc hợp tác với các nghệ sĩ, nghệ nhân có tiếng và các doanh nghiệp sản xuất quà tặng chuyên nghiệp. Đồng thời, tạo ra thu nhập và công việc cho cư dân bản địa tại các vùng du lịch, vườn quốc gia và những người yếu thế.

Chân nến chim Hồng Hoàng - Tác phẩm dự thi vòng loại quốc gia cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần 7"

Chân nến chim Hồng Hoàng - Tác phẩm dự thi vòng loại quốc gia cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần 7"

Đây là những tác phẩm mới mang tính đột phá về nội dung hình ảnh, khác biệt và thú vị, hấp dẫn mọi lứa tuổi, tạo hình tượng vừa hiện đại vừa truyền thống, chế tác tinh xảo. Mỗi tác phẩm là một hình thức tuyên truyền chung tay bảo vệ động thực vật đặc hữu Việt Nam.

Trưởng nhóm Đặng Thị Huyền cũng cho biết, tại các quốc gia phát triển du lịch mạnh mẽ ở châu Á, việc sử dụng hình ảnh động vật đặc hữu như gấu trúc hay voi tạo ra một hệ sinh thái từ truyền thông đến hệ thống các sản phẩm ứng dụng đa dạng cho các thị trường khác nhau, đã và đang tạo ra nhận diện thương hiệu quốc gia và thương hiệu du lịch địa phương với thu nhập hàng triệu đô la cho các doanh nghiệp và ngân sách quốc gia. Chính vì vậy, việc sử dụng hình ảnh động vật đặc hữu Việt Nam là thực tế, khả thi được chứng minh tại các quốc gia lân cận.

Các sản phẩm của nhóm

Các sản phẩm của nhóm

"Tuy nhiên, nhóm cũng đối mặt với những khó khăn như sản phẩm dễ bị sao chép, thu thập dữ liệu hình ảnh của động thực vật đặc hữu", Huyền cho biết.

Từng bước xây dựng những sản phẩm văn hóa đặc thù với trọng tâm phục vụ du lịch, nhóm các bạn trẻ đã cho thấy sức sáng tạo của thế hệ họa sĩ, kiến trúc sư tương lai. Các tác phẩm còn cho thấy tài năng của sinh viên nghệ thuật có chuyên môn, có ý tưởng đột phá để tạo nên những tác phẩm mang tính nghệ thuật, cảm xúc, câu chuyện của người nghệ sĩ. Hình ảnh động thực vật đặc hữu như thỏ rừng Trường Sơn hay chim Hồng Hoàng dưới tạo hình dân gian chưa từng xuất hiện trên các sản phẩm trang trí nghệ thuật và quà tặng, lưu niệm du lịch.

Các thành viên của nhóm kỳ vọng, dự án Ecovn Design sẽ tạo ra những đột phá trong lĩnh vực văn hóa gắn với phát triển du lịch tại Việt Nam. Để tránh trùng lặp trong xây dựng sản phẩm du lịch, không có cách nào khác là phải chú trọng khai thác chiều sâu các giá trị tri thức và sáng tạo. Trong đó, văn hóa bản địa chính là "chìa khóa" để tạo nên tính đặc trưng, khác biệt của sản phẩm.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhom-sinh-vien-dam-me-che-tac-san-pham-van-hoa-dac-thu-nham-phat-trien-du-lich-20250111150446871.htm