Nhóm sinh viên kể chuyện Hoàng thành Thăng Long bằng mô hình lắp ráp

Với mong muốn thế hệ trẻ ngày nay thêm yêu và tự hào về di sản văn hóa dân tộc, nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thực hiện dự án 'Kinh đô Kỳ họa' để kể câu chuyện Hoàng thành Thăng Long bằng bộ mô hình lắp ráp độc đáo.

 Ảnh: FBNV

Ảnh: FBNV

Giới thiệu về Dự án "Kinh đô Kỳ họa", Nguyễn Thị Lan Anh (Viện Báo chí- Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), Trưởng dự án, cho biết, đây là dự án truyền thông quảng bá Hoàng thành Thăng Long và đang trong giai đoạn tổ chức mùa 2. Dự án được sự đồng hành của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội trên cương vị là đơn vị bảo trợ nội dung. "Ở mùa 1, dự án được triển khai với chủ đề "Di sản mỹ thuật thời Lý - Trần tại Hoàng thành Thăng Long". Sự kiện "Long Thành Di Tác" là hoạt động chính của mùa 1 dưới hình thức workshop, nơi các bạn trẻ có thể tự tay chế tạo móc khóa với chất liệu hình ảnh là các hoa văn, hình tượng, hình ảnh, biểu tượng đặc trưng trong mỹ thuật, nghệ thuật điêu khắc thời Lý - Trần. Tiếp nối thành công đó, mùa 2 của dự án sẽ ra mắt sản phẩm "Blind box", mô hình lắp ráp di tích Hoàng thành Thăng Long. Bộ mô hình lắp ráp "Long Thành Phục Kiến" tái hiện 4 kiến trúc tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long là: Cột cờ Hà Nội, Chính Bắc Môn, lầu Công Chúa (Hậu Lâu), cổng Đoan Môn".

Theo Lan Anh, với việc tập trung đi sâu vào từng chủ đề và có sự đổi mới hình thức ở mỗi mùa, dự án mong muốn tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh, kết nối tinh hoa lịch sử của Hoàng thành Thăng Long với nhịp đập hiện đại, góp phần nuôi dưỡng tình yêu của người trẻ đối với giá trị văn hóa dân tộc. "Sự kiện mùa 2 sắp diễn ra bao gồm các hoạt động tham quan, nghe thuyết minh và trải nghiệm trực tiếp tại di tích dành cho học sinh, qua đó giúp hình thành ý thức gìn giữ, bảo tồn di sản. Đặc biệt, học sinh sẽ được tham gia hoạt động lắp ráp mô hình di tích Hoàng thành Thăng Long từ gạch razor-edge, một chất liệu được sử dụng để sản xuất Blind box Long Thành Phục Kiến, tạo nên trải nghiệm tương tác độc đáo và thực tế".

Việc triển khai dự án gặp không ít khó khăn với nhóm bạn trẻ Học viện Báo chí và Tuyên truyền vốn chưa có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh và quản lý dự án. Lan Anh cho biết, việc lên ý tưởng, định hình sản phẩm đa phương tiện kết hợp mô hình lắp ráp và website tích hợp trải nghiệm 3D là thử thách không nhỏ. Bên cạnh đó, thời gian ngắn để hoàn thiện các đầu việc, từ nghiên cứu lựa chọn loại hình sản phẩm phù hợp, phát triển sản phẩm cho đến chuẩn bị ấn phẩm đi kèm như bao bì, thẻ thông tin và tờ hướng dẫn lắp ráp… khiến cả nhóm gặp rất nhiều áp lực.

Một trong những yếu tố thu hút người trẻ tìm hiểu các di sản văn hóa dân tộc, theo Lan Anh, chính là cách tiếp cận. Khi di sản được "hóa thân" qua các trải nghiệm tương tác, chẳng hạn như tích hợp công nghệ AR, VR, hay sản phẩm lắp ráp độc đáo, các giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hóa không còn khô khan, mà trở nên sống động, hấp dẫn và gần gũi. Điều này không chỉ giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về văn hóa lịch sử mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc khi nhận ra di sản văn hóa là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận, thể hiện được dấu ấn cá nhân.

"Di sản văn hóa của dân tộc ta chứa đựng những câu chuyện, những giá trị tinh túy được hun đúc qua thời gian. Thay vì áp đặt một khuôn mẫu cố định, hãy mở lòng, khám phá và kết nối những trải nghiệm hiện đại với những nét đẹp truyền thống. Bằng cách đó, mỗi bạn trẻ không chỉ góp phần bảo tồn mà còn phát huy và làm giàu thêm bản sắc văn hóa, cùng nhau kiến tạo bức tranh di sản phong phú, bắt kịp với những thay đổi của thời cuộc".

Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng dự án Kinh đô Kỳ họa

Nhật Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhom-sinh-vien-ke-chuyen-hoang-thanh-thang-long-bang-mo-hinh-lap-rap-2025041114101874.htm