Nhóm sinh viên với ý tưởng cải tạo cảnh quan đô thị thiết thực, đặc sắc

Với nhiều ý tưởng sáng tạo, các sinh viên năm 3, ngành Quản trị đô thị thông minh và bền vững, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm cải tạo cảnh quan đô thị và quản lý các tuyến phố trên khu vực Hàng Bài, Thủ đô Hà Nội.

Nhiều giải pháp cải tạo cảnh quan đô thị và quản lý các tuyến phố thiết thực được các sinh viên đề xuất. (Ảnh: SIS)

Nhiều giải pháp cải tạo cảnh quan đô thị và quản lý các tuyến phố thiết thực được các sinh viên đề xuất. (Ảnh: SIS)

Không chỉ là đồ án trên giảng đường

Mới đây, Khoa Kiến trúc, Đô thị và Khoa học bền vững của (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp với phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm), nay thuộc , Hà Nội, tổ chức buổi báo cáo đồ án nghề nghiệp về vấn đề quản lý cảnh quan đô thị ở khu vực này.

Sau quá trình tìm tòi và khảo nghiệm thực tế, các sinh viên đã triển khai đồ án theo 6 chủ đề: quản lý kiến trúc, cảnh quan tuyến phố Bà Triệu; các yếu tố ảnh hưởng đến cảnh quan tuyến phố Hàng Bài-Phố Huế; phương án cải tạo, chỉnh trang cảnh quan phố Ngô Quyền-Ngô Thì Nhậm-Vọng Đức; phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý phù hợp nhằm phát huy giá trị cảnh quan tuyến phố Lý Thường Kiệt, Hàng Bài; tổ chức cảnh quan tuyến phố Trần Hưng Đạo-Nguyễn Chế Nghĩa; các yếu tố tác động đến cảnh quan tuyến phố Hàm Long-Trần Quốc Toản.

Tham gia xây dựng đồ án, Châu Anh chia sẻ, lúc mới nhận đề bài này, nhóm của em đã khá lúng túng vì chưa hình dung rõ sẽ triển khai như thế nào. Song nhờ sự định hướng của thầy, cô, đồng thời, tham khảo ý kiến, mong muốn từ người dân, nhóm đã xác định được mục tiêu chính là đề xuất các giải pháp cải thiện không gian cảnh quan và sử dụng vỉa hè hiệu quả.

"Nhóm tập trung vào ba hướng chính là tăng cường cây xanh, tổ chức lại lối đi bộ và bố trí khu vực kinh doanh có kiểm soát. Mục tiêu của đề án này là tạo nên một không gian công cộng văn minh, xanh-sạch-đẹp, hài hòa giữa thẩm mỹ đô thị, công năng sử dụng và nhu cầu thực tế của người dân", Châu Anh thông tin.

Theo Châu Anh, việc được tham gia xây dựng và báo cáo một đồ án thực tế là trải nghiệm rất đặc biệt. "Ban đầu, chúng em khá hồi hộp, nhưng sau đó, nhận được góp ý, lời khen ngợi từ các bác tổ dân phố và lãnh đạo phường, nhóm cảm thấy rất vui và tự tin. Đây không chỉ là sự ghi nhận cho quá trình nỗ lực học tập mà còn là dấu mốc quan trọng trong chặng đường học nghề để chúng em tích lũy kinh nghiệm", Châu Anh nói.

Bên cạnh đó, thực hiện, đề xuất một đề án mang tính thực tiễn cũng giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng trình bày, phản biện và xử lý tình huống thực tế. Việc lắng nghe ý kiến đa chiều từ địa phương, cộng đồng dân cư cũng giúp các em hoàn thiện phương án một cách khả thi hơn.

 Đại diện các nhóm trình bày ý tưởng về cải tạo cảnh quan đô thị.

Đại diện các nhóm trình bày ý tưởng về cải tạo cảnh quan đô thị.

Còn với Ngọc Ánh, sinh viên năm 3, ngành Quản trị đô thị thông minh và bền vững, xác định rõ, đồ án không chỉ là một bài tập trên giảng đường đơn thuần, mà còn mở ra hành trình mới trong nghiên cứu khoa học và nhận thức về nghề nghiệp.

"Chúng em không hoàn thành cho xong môn học, mà thật sự muốn nhìn sâu vào những gì đang định hình nên cảnh quan các tuyến phố Hà Nội hiện nay. Nhờ thực hiện đồ án, mà chúng em được 'chạm' vào đô thị thật, tư duy và đưa ra giải pháp trong điều kiện thực tế", Ngọc Ánh trao đổi với phóng viên.

Với mục tiêu đó, nhóm của Ngọc Ánh đã xác định rõ các yếu tố, từ kiến trúc, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật đến hành vi sử dụng không gian và hoạt động con người đang tác động như thế nào đến cảnh quan đô thị tại địa phương. Từ đó, đề xuất những định hướng cải thiện cụ thể, khả thi, dựa trên tinh thần tôn trọng bản sắc, hướng tới sự hài hòa giữa nhu cầu dân cư với chính sách quản lý.

Thu hẹp khoảng cách từ lý thuyết đến thực hành

Chia sẻ về quá trình áp dụng những kiến thức được giảng dạy ở nhà trường vào thực tế, Mai Chi, sinh viên ngành Quản trị đô thị thông minh và bền vững, cho hay, chương trình đào tạo Chi đang theo học bao gồm các học phần lý thuyết và học phần ứng dụng.

"Các học phần lý thuyết giúp cung cấp các kiến thức nền tảng. Các học phần ứng dụng lại cung cấp các kỹ năng và công cụ định lượng, hỗ trợ cho việc thực hiện đồ án", Mai Chi cho hay.

Theo Mai Chi, khó khăn lớn nhất trong việc áp dụng các kiến thức trên giảng đường vào triển khai các đồ án thực tế nằm ở chỗ xây dựng quy trình phân tích. Khi học ở trường, sinh viên sẽ có sẵn các bước làm, sẵn trường dữ liệu mẫu để thực hành cũng như nắm được những yêu cầu về dữ liệu. Còn ở thực tiễn, chính sinh viên phải tự tìm hiểu và đưa ra quyết định: Cần có dữ liệu nào? Dữ liệu đó thu thập, xử lý bằng phương pháp nào? Tại sao lại chọn phương pháp ấy?

 Các đồ án được thực hiện bởi sinh viên năm 3 ngành Quản trị đô thị thông minh và bền vững, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Các đồ án được thực hiện bởi sinh viên năm 3 ngành Quản trị đô thị thông minh và bền vững, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Triển khai phương án cải tạo cảnh quan các tuyến phố Ngô Quyền-Ngô Thì Nhậm-Vọng Đức, nhóm của Mai Chi đề xuất, có thể tiến hành chỉnh trang diện mạo của khu tập thể Vọng Đức. Đồng thời, xây dựng ranh giới mềm (sơn kẻ làn đường cho người đi bộ, lắp đặt chướng ngại vật mềm) giúp phân tách người đi bộ khỏi dòng xe, hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa hè và giảm nguy cơ tai nạn giao thông.

"Còn với tuyến phố Ngô Quyền và Ngô Thì Nhậm, cần đưa ra chiến lược lâu dài để chỉnh trang mặt đứng (diện mạo) di sản. Vì trên hai tuyến phố này có tỷ lệ lượng công trình cổ cao, phân bố thành cụm. Định hướng này cũng nhằm tận dụng tiềm năng về văn hóa, nghệ thuật của các công trình cổ trên phố. Ngoài ra, có thể khai thác thêm tiềm năng về kinh tế bằng việc cho thuê vỉa hè dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, cũng như ứng dụng công nghệ số trong quản lý", Mai Chi đề xuất.

Trong quá trình thực hiện đồ án, các sinh viên ngành Quản trị đô thị thông minh và bền vững đã nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, phân tích, diễn giải thực trạng nhằm chỉ ra những tồn tại và đề xuất giải pháp phù hợp với thực tiễn của từng khu phố.

Đồ án nghề nghiệp lần này của các em sẽ được cân nhắc để sử dụng vào các triển khai thực tế. Đây không chỉ là những bài tập để trả bài cho thầy cô mà là những nghiên cứu có tính ứng dụng được cộng đồng ghi nhận.

Ông Phạm Tuấn Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Cửa Nam, Hà Nội

Từ góc độ chuyên môn, Tiến sĩ, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội đánh giá cao cách tiếp cận của sinh viên khi thể hiện rõ tính liên ngành một cách chi tiết. Các phương pháp, đề xuất mà sinh viên đưa ra gây ấn tượng tốt bởi có sự để ý tới cảm nhận và nhu cầu của cộng đồng cư dân sinh hoạt thực tế, cũng như suy xét các yếu tố văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và kinh tế. Đây là những điều mà rất ít đồ án sinh viên thực hiện được.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Tuấn Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Cửa Nam, nhận định: Sự thông minh của các sinh viên được thể hiện ở chính cách tỉ mỉ phân tách đề xuất, giải pháp thành các mục tiêu dài hạn (kết hợp nhiều lĩnh vực) với giải pháp cục bộ thực tế, dễ thực hiện từ cấp tổ dân phố.

"Đồ án nghề nghiệp lần này của các em sẽ được cân nhắc để sử dụng vào các triển khai thực tế. Đây không chỉ là những bài tập để trả bài cho thầy cô mà là những nghiên cứu có tính ứng dụng được cộng đồng ghi nhận", ông Phạm Tuấn Long thông tin thêm.

CHIÊU ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhom-sinh-vien-voi-y-tuong-cai-tao-canh-quan-do-thi-thiet-thuc-dac-sac-post890994.html