Nhóm thiện nguyện Hà Nội tặng 6 bò giống cho người nghèo ở Điện Biên
6 con bò giống sinh sản có tổng trị giá gần 200 triệu đồng đã được trao tận tay đến 6 hộ nghèo của 2 bản.
Với mong muốn “trao cho người dân chiếc cần câu, không trao con cá” giúp người dân có tư liệu phát triển kinh tế bền vững, sáng 8/6, nhóm thiện nguyện Vút Bay ở Hà Nội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên, chính quyền xã Núa Ngam, huyện Điện Biên tổ chức trao tặng bò sinh sản cho người dân 2 bản: Pá Ngam II và Pá Pông, xã Núa Ngam.
6 con bò giống sinh sản có tổng trị giá gần 200 triệu đồng đã được trao tận tay đến 6 hộ nghèo của 2 bản. Sau khi bò cái đẻ ra bê, thì số bê này sẽ tiếp tục được luân chuyển cho 12 hộ cận nghèo khác trong bản để nuôi. Tiền mua bò để trao hỗ trợ tại Núa Ngam lần này phần lớn là do các thành viên trong nhóm thiện nguyện Vút Bay ở Hà Nội đóng góp, còn lại là do 3 đơn vị gồm: Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên, Công ty thuốc thú y GlinVet và Công ty Đồng cỏ Ba Vì ủng hộ.
Chị Mòng Thị Nang ở bản Pá Pông - một trong những hộ được nhận bò giống sinh sản đợt này vui mừng chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất phấn khởi khi được nhận bò, chuồng trại tôi cũng đã chuẩn bị xong, thức ăn và cỏ thì cũng đã trồng, mua sẵn. Tôi rất cảm ơn các cán bộ đã hỗ trợ người dân, chúng tôi rất vui và cũng sẽ chăm sóc thật tốt".
Sau khi nhận bò giống, các hộ dân 2 bản Pá Ngam II và Pá Pông còn được cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh; đồng thời được cam kết hỗ trợ trong suốt quá trình chăn nuôi.
Ông Cao Đặng Nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Núa Ngam, huyện Điện Biên cho biết, với địa bàn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo còn cao như Núa Ngam, thì hoạt động trao bò giống có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo sinh kế cho người dân.
"Núa Ngam là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên, số hộ nghèo với tỷ lệ vẫn còn khá cao. Thì đây là hoạt động rất ý nghĩa với xã, bà con nhân cơ hội này sẽ có bước phát triển về nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi để tăng thu nhập cho bà con, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Từ đó nhân rộng mô hình ra các hộ còn nhiều khó khăn" - ông Nghị cho biết.
Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên cũng nhận định: "Hỗ trợ giống bò sinh sản có thể giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân nhanh hơn các kiểu hỗ trợ khác. Vì một con bò có thể sinh sản một năm, hàng năm và mỗi con bê bây giờ có thể chăm sóc trong 8 đến 10 tháng và bán với giá từ 8 đến 10 triệu đồng/con. Từ đó, việc xóa đói giảm nghèo sẽ được đẩy nhanh và bền vững".
Về phía nhóm thiện nguyện Vút Bay, bà Nguyễn Vân Anh, trưởng nhóm cho biêt, trao bò giống tại Điện Biên là hoạt động khởi đầu dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng khó do nhóm thực hiện; nguồn vốn là từ sự quyên góp, ủng hộ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
"Nếu dự án này thành công thì nhóm sẽ mở rộng ra tới các cái huyện nghèo khác, không chỉ là nuôi bò mà có thể là nuôi thỏ, nuôi heo nếu thấy phù hợp. Chúng tôi chỉ muốn làm sao các hộ nghèo họ thoát nghèo được và họ cũng khuyến khích con cái họ được đi học. Chỉ có giáo dục tốt thì mới có thể thực sự thoát nghèo một cách bền vững" - bà Nguyễn Vân Anh cho biết.
Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Điện Biên nói riêng, các tỉnh Tây Bắc nói chung luôn rất cần sự sẻ chia, chung tay hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước. Việc "trao cần câu, không trao con cá" như này thực sự là hoạt động thiết thực, bởi nó tạo thêm sinh kế, giúp người dân có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững./.