'Nhờn' dịch
Đây là từ mà những ngày qua mọi người thường nói với nhau khi lịch sử dịch tễ của một số ca nhiễm Covid-19 trong và ngoài tỉnh được công bố.
Hiểu nôm na, một bộ phận người dân đã không còn biết sợ dịch, không tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch để dẫn tới bùng phát đợt dịch thứ 4 được dự báo khá phức tạp, khó lường.
Cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng đã 3 lần chống dịch thành công nên xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, không cảnh giác với dịch bệnh như trước và cái giá phải trả chính là đợt dịch thứ 4 này. Mặc dù đây không phải là lý do duy nhất nhưng lại là nguyên nhân quan trọng nhất để dịch quay trở lại. Chính vì "nhờn" dịch mà một người ở Hà Nam không tuân thủ cách ly tại nhà, một người ở Hải Dương nhập cảnh trái phép hay một người ở Hà Nội đi du lịch về không khai báo y tế làm cho cả xã hội phải vất vả dập dịch. Biết rằng những trường hợp này sẽ bị xử lý thích đáng, song hậu quả mà họ gây ra cho cộng đồng không thể bù đắp.
Đối với bệnh truyền nhiễm thì ý thức quan trọng hơn vaccine, nhất là khi tình hình dịch bệnh đang ở báo động đỏ. Thế nhưng, một số người dân lại mặc nhiên cho là dịch bệnh chừa mình ra nên xem nhẹ các biện pháp phòng dịch. Mặc dù lực lượng chức năng quyết liệt kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử phạt nghiêm, song vi phạm về phòng chống dịch vẫn diễn ra, thậm chí còn chống đối người thi hành công vụ. Đơn cử như TP Hải Dương là điểm nóng về dịch Covid-19 ở các đợt dịch thứ 2, thứ 3 và đến nay đã xuất hiện 4 ca mắc Covid-19 thì có người vẫn còn thờ ơ với dịch bệnh. Minh chứng là hằng ngày, lực lượng chức năng của thành phố vẫn xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm về phòng chống dịch như không đeo khẩu trang, trốn cách ly, kinh doanh dịch vụ không thiết yếu... Đây là hành vi của cá nhân nhưng sẽ gây hậu quả cho cả xã hội.
Người xưa có câu "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ". Giờ đây chết chóc đã hiện hữu trước mắt khi nhiều nước lân cận như Ấn Độ, Thái Lan, Lào... đang trong tình cảnh vỡ trận Covid-19. Trong khi dịch bệnh trên cả nước diễn biến khó lường thì một số người vẫn dửng dưng, vô cảm trước những cố gắng, nỗ lực của lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch. Chúng ta đang làm tốt việc chống dịch khi đã 3 lần dập dịch thành công. Mỗi khi có ca nhiễm mới, cả hệ thống chính trị vào cuộc, ráo riết khoanh vùng nhanh, truy vết thần tốc để hạn chế lây lan. Mặc dù vậy, trong khâu phòng dịch vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là lỗ hổng về ý thức. Phải biết sợ dịch để chủ động phòng tránh chứ không phải sợ để hoang mang, mất bình tĩnh.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 7.5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải tránh 2 khuynh hướng trong phòng chống dịch. Đó là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hoảng hốt, sợ sệt, mất bình tĩnh. Trong đó, khuynh hướng đầu tiên chính là biểu hiện của sự "nhờn" dịch. Chúng ta mới chỉ giành chiến thắng ở từng trận đánh và cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn còn gian nan. Để người khác bảo vệ mình không bằng bản thân tự bảo vệ mình. Vì thế mỗi người phải nâng cao ý thức trong phòng chống dịch. Cá nhân ý thức sẽ có tập thể ý thức và hình thành nên một cộng đồng ý thức. Và từ đó, tư tưởng "nhờn" dịch sẽ không còn, cuộc chiến chống Covid-19 sẽ bớt khó khăn và áp lực hơn.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/nhon-dich-166958