Nhộn nhịp chợ nông sản cuối năm
Cuối năm, nhiều chợ nông sản trên địa bàn tỉnh hoạt động nhộn nhịp, tấp nập xe ra, vào chở hàng. Không kể ngày hay đêm, những chuyến xe đưa hàng nghìn tấn nông sản từ đây được thương nhân đưa đi tiêu thụ muôn nơi.
Những ngày cuối năm, từ chiều cho đến khi ánh đèn đường sáng lấp lóa là lúc chợ gà ở thôn Chung, xã Liên Sơn (Tân Yên) giao dịch mua, bán sôi động. Đây là nơi tập kết, trung chuyển, bán buôn gà lớn nhất tỉnh. Mỗi ngày, hàng trăm nghìn con gia cầm từ khu chợ này được thương nhân đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh, TP trong cả nước như: Hưng Yên, Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Dương… Khu chợ còn tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn, bởi mỗi một điểm cân thường có thêm 4-5 lao động đi cùng đảm nhận các phần việc thu mua, phân loại, vận chuyển gà từ các trang trại về chợ.
Trong tiếng máy ì ầm của xe ô tô chờ lấy hàng, tiếng những người lao động í ới nhắc nhau chuyển gia cầm lên xuống xe, ông Lã Văn Sơn, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) có hơn 30 năm trong nghề buôn gia cầm cho biết: “Chợ buôn bán, trung chuyển gia cầm sống với số lượng lớn nên hoạt động giao dịch diễn ra rất chóng vánh. Gà tập kết về đây đều tuyển chọn từ các trang trại lớn ở một số địa phương như: Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang... Sau khi sàng lọc lần cuối theo giống, cân nặng, chất lượng thịt, gia cầm sẽ được chuyển lên xe chở đi các nơi tiêu thụ”.
Gia đình ông Sơn trung bình mỗi ngày tiêu thụ từ 1,5-2 tấn gà lông (tương đương từ 600-800 con), ngoài bán cho thương nhân tại chợ, ông còn có xe đưa gà đi giao buôn tại một số tỉnh ngoài. “Đêm nay, gia đình có 2 xe ô tô đưa gà về chợ Như Quỳnh (Hưng Yên) giao cho khách, 5, 6 giờ sáng xe về đến nhà, đầu giờ chiều lại bắt đầu ngày chợ mới”, ông Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sơn, chợ gà hình thành trên địa bàn xã hơn 10 năm nay, nhất là sau khi thương hiệu Gà đồi Yên Thế được đông đảo người dân cả nước biết tới, ưa chuộng. Tại đây có gần 200 hộ kinh doanh với khoảng 700 lao động, trong đó, 40% là người địa phương, còn lại từ các huyện khác đến thuê địa điểm kinh doanh gà. Chợ thường họp từ 17 giờ đến 20 giờ, nhưng từ tháng 10 đến nay, bước vào mùa cưới, nhu cầu tiêu thụ gà tăng, chợ họp sớm và tan muộn hơn, nhiều hôm kéo dài đến 22 giờ. Để hoạt động của chợ ổn định, nền nếp, hằng năm, UBND xã cấp hóa chất khử trùng; tổ chức tuyên truyền các hộ thường xuyên dọn dẹp bảo đảm vệ sinh nơi kinh doanh và mỹ quan khu vực.
Cùng với chợ gà ở xã Liên Sơn, trên địa bàn tỉnh còn nhiều chợ phân phối rau, củ, quả hoạt động về đêm như: Chợ Cầu Chui, phường Trần Phú; chợ Mía, phường Tân Mỹ ( cùng ở TP Bắc Giang); chợ thu mua rau cần ở xã Toàn Thắng (Hiệp Hòa)… Vào những ngày cận Tết, nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng cao nên các chợ hoạt động càng sôi động.
Đưa nông sản đi muôn nơi
Bắc Giang là tỉnh có sản lượng nông sản lớn với nhiều sản phẩm đa dạng. Để đưa hàng hóa đi các nơi tiêu thụ, trên địa bàn các huyện, thị xã, TP đã hình thành nhiều chợ, điểm tập kết giao dịch mua, bán. Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng số lao động có việc làm, thu nhập và bảo đảm đời sống nhờ chợ nông sản lên đến hàng nghìn người. Trong số này có nhiều nông dân tranh thủ lúc nông nhàn đến chợ làm thêm hoặc mua gà đi bán lẻ tại các chợ khác. Ông Nguyễn Văn Thuận, ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), chuyên bắt gà từ các trang trại ở huyện Yên Thế đưa về điểm cân tại chợ gà Liên Sơn thông tin, từ công việc này, ông cũng kiếm được từ 400 - 600 nghìn đồng tùy buổi chợ.
Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm nay, Bắc Giang cung cấp ra thị trường khoảng 153 nghìn tấn rau xanh, 48 triệu quả trứng gà, vịt, 70 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm các loại... Nhìn chung hoạt động tiêu thụ tại các chợ, điểm thu mua diễn ra thuận lợi, giá bán ổn định; trong đó, khoảng 40% nông sản tiêu thụ trong tỉnh, còn lại cung ứng cho tỉnh ngoài.
Như tại chợ Mía, phường Tân Mỹ (TP Bắc Giang) hoạt động từ 20 giờ hôm trước đến sáng hôm sau. Nơi đây không chỉ tập kết các loại nông sản của tỉnh như cam, bưởi, táo, ổi, thanh long, khoai lang… đưa đi tiêu thụ trong, ngoài tỉnh mà còn là điểm phân phối các loại hoa quả, củ từ Trung Quốc và các tỉnh ngoài (đặc biệt là khu vực các tỉnh phía Nam) về tiêu thụ trên địa bàn. Tùy theo đặc thù công việc (thu mua, giao buôn nông sản hay bốc vác, phân loại hàng…) mà người lao động tại đây có thu nhập từ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/ngày. Với tiểu thương, từ kinh doanh nông sản tại chợ, nhiều người có của ăn, của để, có điều kiện mua sắm phương tiện hiện đại phục vụ công việc và nhu cầu sinh hoạt gia đình.
Đáng chú ý, để giữ thương hiệu, uy tín cho nông sản Bắc Giang, những năm gần đây, hầu hết tiểu thương tại các chợ nông sản trên địa bàn tỉnh đều tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng hóa; nói không với chất cấm, không sử dụng chất phụ gia làm thức ăn tăng trọng cho gia cầm hay hóa chất bị cấm để bảo quản nông sản. Để đưa đến người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, trước đó vài tháng, các chủ buôn thường tìm những trang trại, nhà vườn uy tín đặt hàng.
Quan sát tại các điểm thu mua, hầu hết người mua, bán đều chú trọng bảo vệ sản phẩm bằng bao bì. Hoa quả tươi được đóng vào thùng xốp hoặc giấy bìa cứng để tránh va đập, dập nát. Đối với gia cầm, trên các xe hàng vận chuyển được lót rơm khô, che chắn cẩn thận. Qua công tác kiểm tra của lực lượng chức năng tỉnh những ngày vừa qua, chưa phát hiện vụ việc vi phạm.
Ông Hoàng Văn Kỷ, tổ dân phố Tân Phượng, phường Tân Mỹ (TP Bắc Giang) có nhiều năm thu mua hành tươi (dạng hành củ để cả lá) từ các vùng trồng ở huyện Lục Nam đưa về chợ Mía làm sạch, đóng gói rồi vận chuyển đến các chợ đầu mối ở Hà Nội tiêu thụ chia sẻ, sau khi nhà nước thu hồi đất, gia đình ông chỉ còn 2 sào ruộng trồng rau. Vì vậy, công việc buôn bán nông sản giúp gia đình có thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Dịp Tết này, mỗi ngày, gia đình tiêu thụ gần nửa tấn hành tươi, lượng hàng tăng gần gấp đôi so với trước.
Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ước tính, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm nay, Bắc Giang cung cấp ra thị trường khoảng 153 nghìn tấn rau xanh, 48 triệu quả trứng gà, vịt, 70 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm các loại... Nhìn chung hoạt động tiêu thụ tại các chợ, điểm thu mua diễn ra thuận lợi, giá bán ổn định; trong đó, khoảng 40% nông sản tiêu thụ trong tỉnh, còn lại cung ứng cho tỉnh ngoài.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhon-nhip-cho-nong-san-cuoi-nam-postid411668.bbg