Nhộn nhịp chợ phiên ngày tết lòng hồ

'Chân bước đi nhưng lòng chẳng muốn rời' là cảm giác của hầu hết những ai đang một lần đến với chợ phiên ven sông Đà ngày giáp tết.

Phiên chợ vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình tại xã Chiềng Sại (Bắc Yên)

Phiên chợ vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình tại xã Chiềng Sại (Bắc Yên)

Những ngày cuối năm, mọi người, mọi nhà ai nấy đều tất bật sắm tết, còn chúng tôi lại vượt gần 100 km đường dốc quanh co về Chiềng Sại (Bắc Yên), để hòa mình vào sự sôi động, trải nghiệm những nét độc đáo của chợ phiên ngày tết vùng lòng hồ sông Đà.

Chặng đường khá dài, nên khi chúng tôi đến nơi thì trời cũng vừa nhá nhem, mấy chiếc tàu lớn, thuyền nhỏ chở đầy hàng hóa đã neo sát bờ. Trên khoang, gần chục người vẫn đang miệt mài chuyển những bao hàng nặng trĩu lên dãy lều bạt đã căng sẵn trên bờ. Ánh điện lung linh soi bóng trên mặt nước, tiếng nhạc rộn rã, làm sống động cả khúc sông. Sau một hồi loay hoay, chúng tôi cũng tìm được chỗ ngủ nhờ trên một chiếc tàu hàng, chủ tàu là một phụ nữ còn khá trẻ, nhanh nhẹn và mến khách.

Mờ sáng hôm sau, trời se lạnh, mặt hồ còn phủ kín màn sương mỏng, dưới sông đã có rất nhiều thuyền máy nhỏ của người dân cập bến. Trên bờ, từ các nẻo đường, từng tốp bà con trong trang phục dân tộc Mường, Dao, Mông từ các xã, bản nhanh chân về chợ, tiếng cười nói rộn ràng phá vỡ không gian yên tĩnh. Chợ mỗi lúc một đông, hàng hóa càng lúc càng nhiều, đủ loại bày trên mặt đất. Mấy quán ăn sáng ven sông cũng bắt đầu đỏ lửa, khói bay nghi ngút, dậy mùi thơm, hấp dẫn, thu hút khách đến thưởng thức. Chợ phiên ngày giáp Tết đông vui, nhộn nhịp và thời gian họp chợ cũng dài hơn những phiên chợ thường. Khác với chợ phiên vùng cao, chợ phiên vùng lòng hồ có nhiều thương lái đến từ Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh..., hàng hóa cũng đa dạng, phong phú hơn, từ đồ gia dụng, điện tử, quần áo, giày dép, đến bánh kẹo, mứt... Chợ phiên cũng là dịp để người dân bản địa mang đến bán những sản phẩm do chính mình làm ra, như: Thổ cẩm, đồ mây tre đan, con lợn, con gà, hay chỉ là bó lá dong, vài cân đậu xanh, hạt bí đã được phơi khô, gạo nếp, đậu xanh, chai mật ong rừng thơm nức... Việc mua bán ở nơi đây cũng đơn giản, người mua, người bán tin tưởng nhau; người bán không nói thách, người mua “ưng cái bụng” thì trả tiền; không có cảnh chèo kéo khách. Các thương lái cũng cởi mở, hỏi thăm bà con về hoàn cảnh gia đình, nói với nhau những lời động viên, vui vẻ khiến cho không khí chợ phiên ngày giáp tết càng trở nên ấm áp.

Tranh thủ hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Hằng, thương lái đến từ tỉnh Phú Thọ, đã có 7 năm ngược xuôi các phiên chợ vùng lòng hồ Hòa Bình, đang tất bật với gian hàng quần áo, chị chia sẻ: Hàng hóa chúng tôi mang đến chủ yếu là hàng Việt Nam, bảo đảm chất lượng và phù hợp với điều kiện kinh tế của bà con. Còn chị Lê Thị Sáu, thương lái ở Chương Mỹ (Hà Nội) vừa đổi mấy gói mứt lấy cân hạt bí của bà con đem xuống chợ, chị Sáu bảo, đã hơn 10 năm rong ruổi bán hàng tại các chợ phiên. Năm nào cũng phải đến 27, 28 tết mới về nhà, nên vừa bán hàng, chị vừa tranh thủ sắm Tết, trao đổi hàng hóa với bà con. Đồ của bà con vùng cao mang xuống chợ đều ngon, sạch; vừa bán được hàng, vừa mua được những thứ mình cần nên rất vui.

Ghé vào quán ăn ven sông, chúng tôi thưởng thức bát phở gà nóng hổi. Không đậm đà như phở thành phố, nhưng phở sông cũng rất ngon bởi gà được chế biến từ loại gà “thả đồi”, thịt giòn và rất ngọt. Nhanh tay đưa máy ảnh ghi lại những khoảnh khắc, hình ảnh con người tại chợ phiên. Mấy ông trung niên tranh thủ lúc vợ con đi mua sắm, ngồi uống rượu trong những lán tạm. Ở góc chợ, các bà, các cô ở vùng cao vừa bán hàng vừa trò chuyện, hàn huyên, nói cười vui vẻ. Có lẽ vui nhất là đám trẻ được mẹ cho xuống chợ. Nép bên mẹ, bé gái hai má ửng hồng vì lạnh, tròn xoe đôi mắt ngắm chiếc áo mới mẹ mua cho vẫn còn nguyên nếp gấp, bẽn lẽn khi mấy cô bán hàng cho quà vặt. Mấy bé trai thì tò mò, háo hức khi nhìn thấy những món đồ chơi với đủ màu sắc được bày ở “siêu thị mặt đất”. Chợ phiên cũng là dịp để những đôi trai, gái gặp gỡ, trao nhau ánh mắt, nụ cười, đôi lời nhắn gửi để rồi lưu luyến, sau vài phiên chợ nên vợ, thành chồng. Cứ thế, chợ phiên ngày tết từ lâu đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng sông nước.

Xách trên tay túi đồ quần áo mới, mứt tết, bánh kẹo, vải vóc, chỉ thêu, chị Và Thị Sua, ở bản Nậm Lin, xã Chiềng Sại, chia sẻ: Nếu xuống chợ huyện vừa phải đi đường sông lẫn đường bộ mất gần 4 tiếng, may có chợ phiên nên sắm tết không phải đi xa, hàng hóa lại đa dạng, phong phú, không thiếu thứ gì.

Gần trưa, hàng hóa vơi dần, các thương lái lại tất bật chuyển hàng hóa trao đổi và mua của bà con lên tàu. Ở góc chợ, mấy ông trung niên cũng vừa rời mâm rượu; các mẹ, các chị thu dọn hàng hóa rời phiên chợ. Còn chúng tôi ấn tượng mãi về chợ phiên bình dị mà ấm áp, về những con người miền sông nước thật thà, thân thiện.

Thu Thảo (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhon-nhip-cho-phien-ngay-tet-long-ho-28220