Nhộn nhịp đơn hàng xuất khẩu đầu năm
Ngay từ những ngày đầu năm mới 2020, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã tất bật cho những chuyến hàng xuất khẩu, tận dụng mọi cơ hội để hàng Việt có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới.
Tấp nập chuẩn bị hàng hóa
Đêm 24/1 (30 Tết), Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) đã phát lệnh thực hiện những công việc đầu xuân năm Canh Tý 2020. Công ten nơ hàng đầu tiên là lô hàng xuất khẩu của Công ty Saigon Food sẽ cập cảng Port Kelang của Malaysia. Ngoài ra, tổng công ty còn xử lý đơn hàng của hơn 139 DN xuất nhập khẩu của TPHCM chủ yếu là các mặt hàng về nông sản và may mặc. Trong số đó, sẽ đến các cảng Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Theo ông Nguyễn Năng Toàn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty TCSG, ngay sau chuyến hàng đầu xuân, tại cửa khẩu cảng biển lớn nhất nước này đã có 55 chuyến tàu cập cảng Tân Cảng - Cát Lái với 36.379 công ten nơ. “Ngay trong những ngày đầu xuân mới, mọi người làm việc rất khẩn trương, phấn khởi. Nhiều công ten nơ hàng hóa xuất nhập khẩu đầu tiên được thông quan, báo hiệu một năm mới với những chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam tiếp tục có bước phát triển khả quan trong năm 2020, hướng tới đạt được mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên 520 tỷ USD, xuất khẩu 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp xuất siêu như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu”, ông Nguyễn Năng Toàn cho hay.
Ngay từ mùng 3 Tết, cơ sở gỗ mỹ nghệ Thiên Niên Kỷ (H.Củ Chi) đã tất bật làm hàng để kịp giao đối tác ngoại, ông Lâm Toàn, chủ cơ sở cho biết: “Từ cuối năm 2019, cơ sở đã ký được hợp đồng gia công cho nhiều quốc gia khác ở những thị trường khó tính như Mỹ, Úc... Chúng tôi đang tuyển thêm lao động để đáp ứng được các hợp đồng, đồng thời liên kết với một số cơ sở gỗ mỹ nghệ khác để chia sẻ bớt đơn hàng của đối tác”.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP Biên Hòa) cho biết, công ty đã nhận được nhiều đơn hàng lớn đến cuối năm 2020. Sản phẩm quần áo công ty sản xuất ra chủ yếu xuất sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ. Tương tự, nhiều DN trên lĩnh vực giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị và phụ tùng... cho hay, đều đã nhận được đơn hàng cho quý III, quý IV/2020. Một số công ty phải từ chối bớt đơn hàng do không đáp ứng được về thời gian, số lượng hàng hóa.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Tâm nhìn nhận, mới tháng 1/2020 nhưng nhiều DN tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã nhận được các đơn hàng lớn sản xuất đến giữa, cuối năm. Đây là tín hiệu vui, giúp DN yên tâm sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, nhiều DN kỳ vọng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực vào giữa năm nay, như vậy thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng hơn.
Nhiều kỳ vọng
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), trong năm 2020 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư ở TPHCM sẽ nâng cao cả về chất lượng và số lượng chương trình. ITPC sẽ đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng, các thị trường mới, đặc biệt là thị trường các nước thuộc thành viên của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU)…
Đối với ngành xuất khẩu rau quả, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ tăng mạnh, đạt khoảng 5 tỷ USD. Dự kiến, Hiệp định EVFTA có hiệu lực trong năm 2020, khi đó thuế xuất của ngành hàng rau củ quả từ Việt Nam sang châu Âu sẽ về 0%. “Trước khi EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng rau củ quả của Việt Nam chịu thuế rất cao 20-30%, nên có những chuyến hàng DN chẳng những không có lãi mà còn phải chịu lỗ. Vì vậy, việc giảm thuế sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho DN trong năm nay”, ông Phạm Cao Vân, Giám đốc công ty xuất nhập khẩu Kim Hải nhận định.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/nhon-nhip-don-hang-xuat-khau-dau-nam-1513689.tpo