Nhộn nhịp kinh doanh online dịp Tết
Cận Tết Nguyên đán được xem là 'thời cơ vàng' của dân kinh doanh, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nhất trong năm. Bên cạnh mua sắm tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng thì hình thức kinh doanh online lên ngôi, không chỉ cung cấp các loại thực phẩm mà còn đa dạng các mặt hàng cho người tiêu dùng.
Vào thời điểm cuối năm, công việc bận rộn, nên nhiều người chọn kênh mua sắm online để mua hàng hóa sinh hoạt cần thiết cho gia đình. Không chỉ “chợ” trên Facebook hay Zalo sôi động mà các trang thương mại điện tử được nhiều người tiêu dùng biết đến, như: Lazada, Shopee, Tiki... đều đang đồng loạt chạy chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn cho các ngành hàng, như: Quần áo thời trang, giày dép, túi xách, thực phẩm, bánh, kẹo, vật dụng gia đình. Đặc biệt, nhiều chương trình khuyến mại được các trang tung ra với mức ưu đãi từ 10 - 50% hay “mua 2 tặng 1”. Việc này nhằm kích cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Không mất nhiều thời gian đến các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng để mua sắm, người mua chỉ cần lướt web, mạng xã hội, sau đó nhắn tin hoặc gọi điện thoại là có thể sở hữu món đồ ưa thích chỉ trong vài giờ hay lâu hơn thì vài ngày. Chính vì thế, việc mua sắm online được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Chị Nguyễn Thị Thu Yến (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, việc mua sắm online không còn xa lạ với người dân trong thời buổi hiện nay. Chỉ với một thiết bị di động thông minh có kết nối Internet, các bà nội trợ hoàn toàn có thể dễ dàng đặt mua theo ý muốn đủ loại mặt hàng thiết yếu cho cả gia đình, từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng đến bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, giỏ quà Tết, đồ trang trí nhà cửa, các loại đặc sản vùng miền... với mẫu mã đa dạng, bắt mắt, giá cả ưu đãi và còn được sử dụng các dịch vụ hỗ trợ vận chuyển đến tận nhà.
“Nếu biết cách, mình sẽ mua được những món hàng chất lượng, giá thành lại rẻ. Tuy nhiên, cũng cần phải thận trọng, tìm hiểu kỹ về cửa hàng, chính sách đổi trả... Đặc biệt, tôi không bao giờ chuyển tiền trước đối với những chỗ mua lần đầu tiên hay những chỗ không tin cậy mà chọn hình thức kiểm tra hàng trước khi thanh toán, để hạn chế việc mua hàng dỏm, hàng kém chất lượng…” - chị Thu Yến chia sẻ kinh nghiệm.
Nắm bắt được nhu cầu đó, các cửa hàng đã tận dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội để bán hàng, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh chụp hình sản phẩm để giới thiệu đến người mua hàng qua mạng, các chủ cửa hàng còn “live stream” (phát video trực tiếp qua Facebook, TikTok). Từ thực phẩm, đặc sản vùng, miền, cho tới cây cảnh, hàng tiêu dùng, quần áo, đồ trang trí... đều trở thành hàng hóa được giao dịch khá sôi động trên các trang mạng xã hội.
Chị Hoàng Cúc, chủ shop thời trang ở phường Mỹ Xuyên (TP. Long Xuyên) thông tin: “Ngày nay, khách hàng rất chuộng việc mua sắm online bởi sự tiện lợi, đặc biệt là tiết kiệm thời gian. Để cạnh tranh, ngoài bán những mặt hàng phong phú, mẫu mã đẹp, chất lượng còn phải thường xuyên giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội để thu hút khách hàng”.
Các shipper làm việc vất vả, với số lượng hàng giao ngày càng nhiều
Đã có nhiều năm kinh nghiệm bán hàng online, chị Ngọc Hân, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp các loại hoa quả sạch, thực phẩm đặc sản vùng miền trên đường Lý Thái Tổ (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) cho biết, so với mọi năm, lượng khách đến trược tiếp cửa hàng mua sắm giảm nhưng bù lại, số lượng đơn hàng đặt mua qua mạng hay gọi điện giao tận nơi tăng cao.
Nhằm đảm bảo lượng hàng phục vụ khách trong dịp Tết, trừ các loại hoa quả sạch phải nhập hàng ngày, các loại bánh kẹo, nước ngọt, chị đã lên kế hoạch nhập hàng từ vài tháng trước để tránh tình trạng khan hàng và giá cả không ổn định, cước vận chuyển tăng cao khi vào vụ Tết. “Bên cạnh biết cách giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội thật bắt mắt và thu hút, mình còn phải giải đáp các thắc mắc của khách hàng một cách kịp thời, giao hàng nhanh và đúng thời gian yêu cầu của khách” - chị Hân nhấn mạnh.
Tranh thủ thời điểm này, các chị em nội trợ khéo tay hay các bạn trẻ năng động cũng trổ tài làm các món ăn “handmade” (tự làm) và rao bán online để có thêm thu nhập. Đủ các món mứt, bánh kẹo đến các loại pate, bánh chưng, giò chả, hành muối... đều được bán trên mạng để phục vụ mọi đối tượng khách hàng.
“Hơn 3 tuần nay, ngoài đăng bán đặc sản khô các sặc, cá lóc, lạp xưởng… tôi còn làm thêm chả lụa, pate, dưa kiệu… đưa lên Facebook và Zalo đế kiếm thêm thu nhập trong dịp Tết. Các mặt hàng này được lấy sỉ từ các cơ sở sản xuất có uy tín trong tỉnh và tự tay làm nhà nên mọi người rất yên tâm sử dụng. Nhiều khách quen đã đặt hàng với số lượng lớn để làm quà Tết cho gia đình, bạn bè” - chị Ngô Thanh Thủy (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho hay.
Việc mua hàng online đã quen thuộc với khá nhiều người. Tuy nhiên, trong dịp Tết, không tránh khỏi tình trạng bị nhiều người lợi dụng bán hàng kém chất lượng, gian lận trong việc thanh toán... Do đó, người mua nên thận trọng mỗi khi giao dịch, như: Chọn những địa chỉ bán hàng uy tín, đáng tin cậy, xem hạn sử dụng, kích thước sản phẩm, chế độ giao hàng, giá tiền cụ thể, phương thức thanh toán, thỏa thuận việc đổi lại hàng nếu không đúng như sản phẩm đã chọn… để tránh gặp phải những tình huống “dở khóc, dở cười”.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhon-nhip-kinh-doanh-online-dip-tet-a387208.html